Tính cách này có thể được phát triển ở trẻ em ngay từ khi còn nhỏ nhờ những tấm gương từ cha mẹ.
Khuyến khích trẻ giữ lời hứa
Gloria Julius - Phó chủ tịch giáo dục và chuyên môn tại Trường Primrose (Mỹ), cho biết: “Trẻ em dưới 3 tuổi có thể không phải lúc nào cũng hiểu được một khái niệm trừu tượng như tính chính trực. Tuy nhiên, bằng cách làm mẫu hành vi đáng tin cậy nhất quán, chúng ta sẽ giúp chúng xây dựng nền tảng cho sự hiểu biết sau này”.
Phó Chủ tịch Julius cho biết, cần đưa tính liêm chính trong việc làm gương lên một tầm cao mới bằng cách thu hút trẻ em vào các bài học và hoạt động tập trung vào việc giữ lời hứa. Bằng cách khuyến khích trẻ giữ lời hứa, phụ huynh sẽ giúp trẻ hình thành khuôn mẫu hành vi, tạo nên độ tin cậy và tính chính trực cá nhân.
Tiến sĩ Julius cho rằng, để giúp con hiểu được tầm quan trọng của việc giữ lời hứa, cha mẹ cần trở thành một ví dụ tốt. Hãy chứng minh cho trẻ thấy rằng, cha mẹ luôn giữ lời hứa. Khi con yêu cầu phụ huynh làm điều gì đó mà cha mẹ có thể không làm được, hãy trả lời bằng câu: “Cha mẹ sẽ xem xét” hoặc “có thể”, thay vì đưa ra một lời hứa suông. Bằng cách thực hiện đúng những lời đã hứa, cha mẹ sẽ khiến con mình học cách làm điều tương tự.
Phụ huynh cũng hãy đặt kỳ vọng và bám sát chúng. Có thể trẻ phải dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, hoặc phải cho thú cưng của gia đình ăn vào mỗi buổi sáng. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển ý thức trách nhiệm thực hiện các cam kết của mình. Hãy đặt mục tiêu đơn giản để trẻ có thể thành công.
Cha mẹ đồng thời cần biết khi nào trẻ giữ lời hứa. Hãy chú ý và nhận biết khi nào con và những người xung quanh thực hiện đúng lời hứa. Điều này sẽ giúp trẻ học khái niệm giữ lời hứa và biết tại sao điều đó lại quan trọng.
Tiến sĩ Julius cũng khuyên các phụ huynh nên tìm cơ hội để thảo luận về tầm quan trọng của việc giữ đúng cam kết với trẻ.
Nhiều cuốn sách dành cho trẻ em có chủ đề về việc giữ lời hứa. Nữ chuyên gia khuyến khích, cha mẹ có thể để trẻ đọc một số cuốn sách để giúp các bé bắt đầu suy nghĩ và nói về sự cam kết. Bởi, đây là bước quan trọng đầu tiên để phát triển tính giữ lời hứa.
Việc giáo dục trẻ giữ lời hứa đòi hỏi phụ huynh cũng cần thực hiện điều đó. Nhiều phụ huynh thường hứa hẹn với mục đích tốt nhất và rồi… phớt lờ.
Hoàn cảnh thay đổi, lịch trình ngày càng bận rộn và phụ huynh có thể nghĩ ra nhiều lý do khiến việc thực hiện cam kết của mình là quá bất tiện hoặc không thể làm được. Tuy nhiên, ẩn dưới bề mặt của những lời hứa nhỏ nhặt hằng ngày đó còn có sự quan trọng hơn thế. Đó là nền tảng của một mối quan hệ, là sự hình thành tính cách lâu dài và là sự đặt ra những tiêu chuẩn ở mức cao.
Các chuyên gia đã nêu 5 lý do chính đáng để phụ huynh cần giữ lời hứa với con mình.
Việc giữ lời hứa với con sẽ tạo dựng được sự tôn trọng. |
Mang lại cảm giác được trân trọng
Có vẻ như ngay cả những đứa trẻ còn rất nhỏ cũng nhận thức được khi nào cha mẹ thất hứa hoặc đưa ra những lời bào chữa yếu ớt cho việc không thực hiện lời đã nói.
Trẻ từ 3 tuổi đã nhận ra rằng, một số lý do bào chữa thì tốt hơn những lý do khác. Đến khi bước vào tuổi mẫu giáo, trẻ hiểu rằng, một số lý do khiến phải thất hứa là hợp lý hơn những lý do khác.
Ông Leon Li - người đã thực hiện nghiên cứu với nhà tâm lý học phát triển Michael Tomasello trong khuôn khổ luận án tiến sĩ của mình về tâm lý học và khoa học thần kinh tại Trường Đại học Duke (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Phát triển nhận thức. Họ cho một nhóm trẻ từ 3 – 5 tuổi xem một loạt video. Nội dung video nói về những con rối hứa sẽ cho các em xem một món đồ chơi, nhưng sau đó lại không thực hiện.
Sau đó, những con rối đưa ra một lý do chính đáng để thất hứa (“Tôi phải giúp bạn tôi làm bài tập về nhà”), một lý do tồi tệ (“Tôi muốn xem tivi”) hoặc không có lời giải thích nào cả. Sau đó, trẻ được hỏi liệu các em có nghĩ hành động của con rối là sai hay không và tại sao. Bất kể lý do gì (hoặc không có lý do), bọn trẻ đều đồng ý rằng, việc thất hứa nói chung là sai.
Song, trẻ hiểu rõ hơn khi những con rối đưa ra một lý do chính đáng (tức là phải giúp đỡ ai đó), thay vì một lý do bất hợp lý (tức là chỉ muốn làm điều gì đó vui vẻ).
Theo ông Li, trẻ em ở độ tuổi này hiểu rằng, nghĩa vụ giúp đỡ người khác được ưu tiên hơn những ham muốn ích kỷ. Câu trả lời của bọn trẻ cũng tiết lộ rằng, một lời bào chữa vô lý cũng tệ như việc không có lý do nào cho việc thất hứa.
“Nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng, trong một số trường hợp, trẻ nhỏ sẽ lấy bất kỳ lý do nào để cảm thấy tốt hơn là không có lý do gì cả. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi đã cho thấy rằng, trẻ em thực sự chú ý đến tình hình thực tế”, ông Li nói.
Lời giải thích của trẻ về câu trả lời của chúng khác nhau tùy theo độ tuổi. So với trẻ 3 tuổi, trẻ 5 tuổi thể hiện tốt hơn suy nghĩ của mình về việc rối “nên” làm hoặc “phải” làm. Điều đó cho thấy ở độ tuổi này, sự hiểu biết về nghĩa vụ đối với người khác đã phát triển đầy đủ hơn. Điều đáng ngạc nhiên là những lời bào chữa tồi tệ không làm bọn trẻ ít có xu hướng nói rằng, chúng “thích” một số con rối hoặc sẽ mời những con rối đó đi chơi.
“Thông thường nếu ai đó thất hứa và đưa ra một lý do vô lý với bạn, điều đó có nghĩa là họ không thực sự là một người bạn tốt. Trẻ em ở độ tuổi này không có sự kết nối đó”, chuyên gia giải thích.
Việc giữ lời hứa dạy trẻ rằng, chúng có thể tin tưởng cha mẹ. |
Theo các chuyên gia, việc giữ lời hứa dạy trẻ rằng, chúng có thể tin tưởng cha mẹ. Phụ huynh thường muốn con nghe lời về tất cả những điều quan trọng: Niềm tin, giá trị, các mối quan hệ,... Nếu trẻ không thể tin tưởng cha mẹ trong những điều nhỏ nhặt thì làm sao chúng có thể tin tưởng trong những điều lớn lao? Việc thực hiện những lời hứa hằng ngày dạy rằng, khi mẹ nói một điều nào đó, trẻ có thể tin tưởng.
Giữ lời hứa với con cũng cho thấy, cha mẹ là tấm gương về sự chính trực cá nhân. Nếu muốn con trở thành người giữ lời hứa, cha mẹ đừng chỉ nói về điều đó, mà hãy làm mẫu. Trẻ càng quan sát thấy cha mẹ giữ lời hứa với mình và người khác ngay cả khi điều đó không dễ dàng, thì chúng càng có nhiều khả năng thực hiện tương tự.
Việc cha mẹ diữ lời hứa với con cũng sẽ khiến trẻ hiểu rằng, chúng là người quan trọng. Trẻ sẽ chú ý nếu cha mẹ giữ lời với người khác, nhưng không phải với con.
Nếu phụ huynh có thời gian cho tất cả các sở thích và chương trình truyền hình yêu thích của mình, nhưng không có “thời gian” để đưa trẻ đến công viên như đã hứa, điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân không quan trọng.
Cảm giác được trân trọng là nền tảng cho bất kỳ mối quan hệ nào. Nếu muốn có một mối quan hệ bền chặt với con mình, phụ huynh hãy giữ lời hứa. Vì vậy, hãy bắt đầu với việc thể hiện tình yêu thương con nhờ giữ lời.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc giữ lời hứa với con sẽ tạo dựng được sự tôn trọng. Đã bao nhiêu lần các phụ huynh than thở rằng, trẻ không tôn trọng cha mẹ? Không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng đôi khi sự tôn trọng đó đã bị xói mòn vì đứa trẻ nhận thấy sự thiếu chính trực ở cha mẹ.
Tính chính trực là một thành phần quan trọng trong sự tôn trọng. Khi giữ lời hứa với con và những người khác, phụ huynh cho trẻ thấy rằng, cha mẹ xứng đáng được chúng tôn trọng.
Việc cha mẹ giữ lời hứa với con cũng dạy trẻ cách có những mối quan hệ tốt. Các mối quan hệ được xây dựng trên sự tin tưởng: Ở nhà, nơi làm việc, trong mọi hoàn cảnh. Bằng cách làm gương việc giữ lời hứa với con, phụ huynh đang trang bị cho trẻ trở thành những người vợ/chồng tốt hơn, những ông chủ và nhân viên tốt hơn cũng như người bạn tốt hơn.
Việc dạy con cách đối xử tốt với mọi người sẽ mang lại cho trẻ những mối quan hệ tốt hơn trong suốt cuộc đời và kết quả là một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có lẽ, không ít phụ huynh cảm thấy khó khăn trong việc dạy trẻ giữ lời. Song, điều quan trọng là giữ cho việc thất hứa ở cả cha mẹ và trẻ không trở thành thói quen. Bởi, cuối cùng, thói quen là thứ quyết định con người chúng ta. Trong trường hợp thất hứa, cha mẹ có thể đi đúng hướng bằng cách đưa ra lời xin lỗi chân thành tới con mình và cố gắng giữ lời trong tương lai.