Nạn nhân không giữ lời
Chị Lan Anh (Long Biên, Hà Nội) rất tự hào về cô con gái nhỏ học lớp 3 ngoan, giỏi, biết giữ lời hứa. Chuyện về bé Minh chị kể cả ngày cũng không hết, đặc biệt là chuyện ý thức giữ uy tín cá nhân qua lời hứa.
Chị Lan Anh nêu ví dụ: Có hôm phải về quê gấp lo việc của ông bà ngoại, chị dặn bé Minh phải trông nhà và chờ bạn của mẹ qua nhà lấy đồ.
Ở nhà một mình rất chán, bé Minh muốn khóa cửa đi chơi cùng các bạn nhưng nhớ lại lời mẹ dặn: “Con trông nhà và đợi bạn mẹ qua lấy túi đồ màu đỏ để trên bàn ăn”, cô bé đã gạt bỏ những mời gọi hấp dẫn của chúng bạn để ở nhà giao đồ cho bạn của mẹ như đã hứa. Sau này khi được hỏi, bé Minh trả lời: “Đi chơi vui nhưng con đã hứa ở nhà nên phải giữ lời”.
Cũng giống với nhiều gia đình khác, chị Lan Anh xác định, dạy con biết giữ lời vô cùng cần thiết và dày công. Nguyên tắc đầu tiên là cha mẹ phải nhất quán giữa lời nói với việc làm. Nếu vì một lý do nào đó không thể thực hiện được lời hứa thì nên nhận lỗi với con.
“Cha mẹ mà thất hứa dù là trong việc nhỏ, việc dạy con giữ lời hứa càng khó và có thể trở thành con dao hai lưỡi”, chị Lan Anh nói.
Bí quyết quan trọng để thành công trong việc dạy con tôn trọng lời hứa mà chị Lan Anh áp dụng là những câu chuyện và nhân vật cụ thể trong sách.
“Các bạn bé nhà mình rất thích nghe đọc và tự đọc sách nên mình chọn những cuốn phù hợp với chủ ý giáo dục của bản thân. Từ khi con còn bé, mình thường đọc cho con những câu chuyện với lời thoại ngắn dễ nhớ cùng hình ảnh sinh động về giữ lời hứa như cuốn “Nhất định con sẽ giữ lời hứa”; “Mẹ ơi con xin hứa” hay “Gấu Bu không giữ lời hứa”; “Đừng thất hứa nhé, Đốm nhỏ”… Trẻ con như tờ giấy trắng, bởi vậy chúng có trí nhớ tuyệt vời về những câu chuyện.
Cùng với lời giảng giải của cha mẹ, trẻ sẽ rút ra bài học giữ lời hứa như thế nào, không giữ lời hứa thì sẽ ra sao và học theo”.
Theo TS Nguyễn Tuyết Minh, tác giả cuốn “Bác sĩ thông thái của con”, đứa trẻ nào cũng mê nghe kể chuyện. Nhiều trẻ phải nghe cha mẹ kể chuyện mỗi tối mới chịu đi ngủ. Nếu khéo vận dụng, đọc các mẩu chuyện ngắn, chọn lọc các chi tiết phù hợp với chủ ý giáo dục, tâm hồn trẻ sẽ thấm nhuần những điều tốt đẹp. Đối với những câu chuyện chứa đựng bài học về giữ lời hứa thì việc truyền đạt nội dung giáo dục tương đối dễ.
“Sau mỗi câu chuyện, cha mẹ nên liên hệ thực tế để trẻ ghi nhớ những bài học sâu hơn. Với trẻ lứa tuổi mầm non, cha mẹ có thể hỏi: “Có khi nào con không giữ lời hứa?”, “Đó là trường hợp nào?”. Với những trẻ lớn hơn cha mẹ có thể hỏi: “Con có cảm giác thế nào khi không giữ lời hứa?”, “Có khi nào là nạn nhân của việc không giữ lời hứa? Cảm giác lúc đó thế nào?” - TS Nguyễn Tuyết Minh chia sẻ.
Bồi ắt sẽ bổ
Là tác giả nổi tiếng với cuốn sách hướng dẫn thực hành phương pháp giáo dục Shichida tại nhà cho cha mẹ, ông Ko Shichida – Giáo sư người Nhật cho rằng, mọi hoạt động cha mẹ làm cùng con hàng ngày đều xuất phát từ tình yêu thương và hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng tâm hồn cho con.
Theo ông Ko Shichida, cha mẹ hãy duy trì thói quen đọc cho con một câu chuyện trước khi đi ngủ. Ý nghĩa đằng sau việc đọc sách là truyền tải tình yêu thương từ cha mẹ đến các con. Giáo dục kỷ luật, nhân cách và nuôi dưỡng khí chất cho trẻ thông qua các cuốn sách là hiệu quả nhất. Cùng với tình yêu thương, cha mẹ sẽ dễ dàng truyền đạt cho con những phẩm chất tốt đẹp và nuôi dưỡng tâm hồn con qua những trang sách thú vị.
Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Hà Nội về lời hứa trong truyện cổ tích Việt Nam và Nhật Bản, tỷ lệ đề cập đến lời hứa trong truyện cổ tích Việt Nam là 5/75 truyện (chiếm 6%) và trong truyện cổ tích Nhật Bản là 10/55 truyện (chiếm 18,2%).
Thống kê này cho thấy, Việt Nam và Nhật Bản đều rất coi trọng việc giữ lời hứa và nó được thể hiện thông qua những câu chuyện cổ tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lời hứa trong các câu chuyện đều được đưa ra trong hoàn cảnh hấp dẫn, mỗi câu chuyện một tình tiết khác nhau thu hút trẻ đọc và qua đó học được cách phải giữ lời hứa như thế nào, thực hiện giữ lời hứa và tác dụng của việc giữ lời hứa.
Theo biên tập viên Nguyễn Hải Yến, Nhà xuất bản Phụ nữ, hiện nay có rất nhiều bộ sách nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ, là một kho báu gồm các câu chuyện thú vị và gần gũi, bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp. Từng câu chuyện đều vô cùng gần gũi với cuộc sống, cách kể chuyện tỉ mỉ, hình ảnh minh họa tươi sáng và dễ thương, ngôn ngữ đơn giản nhưng được trau chuốt kỹ càng để giúp trẻ hiểu từng thông điệp nhỏ khi đọc sách.
Trẻ từ 2 tuổi đã có thể bắt đầu hiểu về giữ lời hứa. Bước vào tuổi lên 3, trẻ bắt đầu phát triển mạnh mẽ về ngôn ngữ, tính cách cùng với trí tò mò, thích khám phá nên cha mẹ có thể đọc cho con nghe những cuốn sách về giữ lời hứa.
Cùng với những câu chuyện cho trẻ, theo chị Nguyễn Hải Yến, cha mẹ hãy dạy trẻ giữ lời hứa qua những trang sách thú vị. Cha mẹ có thể thực hành thường xuyên với việc hứa xem đọc đến trang bao nhiêu thì dừng hay là đọc đến 9 giờ tối thì đi ngủ.