Lợi ích của… stress

GD&TĐ - Chúng ta quen với nhận thức rằng căng thẳng là nguyên nhân gây hại cho cả não lẫn cơ thể. Nó phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên, kích động các hành vi không lành mạnh. Xin đừng vơ đũa cả nắm. “Stress” (căng thẳng, bất an, lo lắng) cũng được chia các cấp độ và không ít kiểu stress là suối nguồn của các hoocmon có lợi, giúp tăng lưu thông máu, chống viêm, cường hóa hệ miễn dịch và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Stress tốt giúp bạn thức dậy tươi tỉnh vào buổi sáng
Stress tốt giúp bạn thức dậy tươi tỉnh vào buổi sáng

Con dao hai lưỡi

Dù là stress cũng phân chia tốt – xấu, tùy thuộc vào việc bạn có thể chịu đựng, trấn áp được cảm giác tiêu cực hay không. Để cho đơn giản, hãy nhớ lại lúc bạn ở trước một buổi phỏng vấn xin việc hay thi cử nào đó hoặc nói chuyện với người lạ. Bạn lo lắng sẽ làm không tốt song, chính sự lo lắng này là thứ khiến bạn kích hoạt mọi khả năng trong tâm trí nhằm chống lại thất bại dự kiến. Stress chỉ trở nên “độc hại” khi bạn không thể khống chế, bị nó nhấn chìm, dẫn đến suy sụp tinh thần.

 Cortisol là hoocmon căng thẳng được sinh ra từ gan, tùy vào mức độ mà tác động tích cực hay tiêu cực lên cơ thể

Về mặt sinh lý học, stress là một trạng thái sinh lý được cơ thể duy trì nhằm đảm bảo sự sống. Cơ thể người cần được đảm bảo nhiệt độ và độ pH (độ chua và độ kiềm) trong phạm vi nhất định. Để cân bằng, hoocmon duy trì trạng thái ổn định “adrenalin” được sinh ra. Ví dụ, khi bạn gặp phải một mối đe dọa ngay trước mắt (chẳng hạn sắp bị chó cắn), vùng dưới đồi (não) sẽ lan tỏa báo động trong cơ thể, gửi tín hiệu hóa học đến tuyến yên. Tuyến yên nhận lệnh, lập tức tiết ra hoocmon kích vỏ thượng thận (Adrenocorticotropic hormone), kích hoạt tuyến thượng thận giải phóng adrenalin và hoocmon stress chính, cortisol. Trong khi adrenalin làm tăng nhịp tim, huyết áp, cung cấp năng lượng, cortisol đẩy lượng đường trong máu lên, tạo tác động có lợi lên hệ thống miễn dịch và não. Trong tình huống nghiêm trọng “một mất một còn”, cortisol sẽ giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch, ức chế hệ tiêu hóa, sinh sản và quá trình tăng trưởng, đồng thời gửi tín hiệu đến vùng não kiểm soát chức năng nhận thức.

Các chất sinh học trung gian như cortisol và adrenalin giúp chúng ta thích ứng, miễn chúng được tạo ra một cách cân bằng và dừng lại khi “mối nguy hiểm” kết thúc. Trái lại, nếu bất cân xứng xảy ra, những hoocmon căng thẳng này sẽ quay ngược trở lại, gây những thay đổi bất lợi như tăng (hoặc giảm) huyết áp, tích tụ mỡ bụng. Với kiểu stress làm mất thăng bằng trong cơ thể, người ta gọi nó là “allostatic load” (sự hao mòn và hư hại trên cơ thể). Khi “allostatic load” ở mức cao nhất, nó được gọi là “allostatic overload” (sự hao mòn và hư hại quá tải trên cơ thể). Sự quá tải này chính là stress độc hại bậc nhất. Để cho dễ hiểu, hãy áp dụng các cấp độ vào thực tế hút thuốc lá, uống rượu hay cảm giác cô đơn. Chúng vốn dĩ là các hành vi không có lợi cho sức khỏe, nhẹ thì dẫn đến tăng huyết áp, tích tụ mỡ bụng, nặng thì gây tắc nghẽn động mạch vành. Tùy vào khả năng ứng phó của chúng ta với stress, căng thẳng vừa có thể là cán lẫn là lưỡi con dao.

Đừng né tránh stress

Sự ảnh hưởng của stress đến sức khỏe người là quá trình lâu dài, do môi trường sống, tình trạng thể chất quyết định. Mọi yếu tố liên quan đến sinh hoạt hàng ngày đều ít nhiều tác động đến sự hao mòn và hư hại trên cơ thể cũng như sự hao mòn và hư hại quá tải trên cơ thể. Việc đo nồng độ cortisol sẽ cho chúng ta biết mức độ bị căng thẳng. Tuy nhiên, sự dao động của cortisol là liên tục, chỉ trong vài phút. Bạn không nên ngăn chặn sự dao động này, vì nó sẽ làm giảm khả năng thích nghi của não. Thêm vào đó, cortisol dao động suốt cả ngày, chỉ rơi xuống mức thấp nhất khi bạn ngủ. So với sự dao động của cortisol, việc thiếu ngủ nguy hiểm hơn nhiều. Việc giữ cân bằng cho nhịp cortisol cũng không có lợi. Nó thúc đẩy béo phì, tăng lượng đường trong máu, những nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường, tim mạch.

 Căng thẳng vừa phải là một trong những yếu tố quyết định tuổi thọ

Có thể đo cortisol từ tóc hay nước bọt. Nếu bị ức chế, cortisol sẽ thúc đẩy phản ứng viêm để bù đắp phần thiếu khuyết. Bạn có khả năng phải đối mặt với nguy cơ tử vong nếu viêm dẫn đến sốc nhiễm khuẩn. Dù vậy, nếu cảm giác bất an đi qua rồi mà cortisol vẫn tiếp tục tiết ra, hậu quả cũng khôn lường. Nó khiến cơ thể gia tăng sản xuất chất béo, gây béo phì, tiểu đường, trầm cảm, thậm chí là bệnh tim.

Do quá thành kiến với cortisol, chúng ta thường mặc định nó là thứ không tốt. Thực tế, cortisol đóng vai trò sinh lý bình thường. Nó giúp bạn thích ứng với các tác nhân gây nên stress, phối hợp với sự trao đổi chất của cơ thể. Nếu không tiết cortisol, một người sẽ không thể sống thọ. Cortisol thường gia tăng vào buổi sáng, giúp kích hoạt khả năng miễn dịch để bạn chống lại nhiễm trùng hoặc sớm lành vết thương. Nó cũng gây ra cảm giác đói, đòi hỏi cơ thể phải hấp thụ năng lượng (ăn sáng) dùng cho cả ngày. Phản ứng của cơ thể giống như một dàn nhạc vậy. Nó cần sự hòa hợp của tất cả các nhạc cụ được chơi.

Kinh nghiệm và di truyền

Nếu cơ thể là một dàn nhạc, não sẽ là nhạc trưởng. Nó ghi nhớ mọi kinh nghiệm, bất kể tốt xấu, liên tục lọc, giảm thiểu các yếu tố gây hại đến thể chất. Người ta gọi quá trình này là “sự khôn ngoan của xác phàm”. Allostasis đóng vai trò chủ chốt cho “sự khôn ngoan” này, duy trì cân bằng thông qua quá trình chuyển đổi sinh học có ích.

Trong khi “stress có lợi” tăng kích thước neuron (tế bào thần kinh) vùng vỏ não, nơi chịu trách nhiệm kết nối các vùng cảm giác và điều khiển cơ, “stress xấu” làm giảm kích thước tế bào thần kinh, dẫn đến tác động tiêu cực. Ngoài ra, gen di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành stress. Di truyền học biểu sinh góp phần thúc đẩy việc tích hợp các mạch kinh nghiệm, cả tốt lẫn xấu, hoạt động dựa trên mã di truyền của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời họ.

 Rơi vào tình yêu là cách hiệu quả nhất tạo “stress có lợi”

Vùng chân hải mã (não) là cửa ngõ nhận diện các hoocmon giới tính, trao đổi chất và căng thẳng xâm nhập não. Nó liên kết với các cơ quan cảm thụ và hoạt động biểu sinh, tích cực điều chỉnh cấu trúc não, ảnh hưởng đến hành vi của người. Khi “stress xấu” xảy ra, không chỉ não mà cả tim cũng là mục tiêu. Cortisol là một glucocorticoid (hormon do vỏ thượng thận bài tiết) tự nhiên, có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Hoạt động thể dục thể thao thường xuyên là cách hiệu quả nhất để phát triển vùng chân hải mã, cải thiện chí nhớ, khuếch trương diện tích. Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất lành mạnh cũng cải thiện lưu thông máu và chức năng trao đổi chất ở vỏ não trước trán, vùng não điều chỉnh cảm xúc, động lực và trí nhớ.

Tác động của “stress xấu” lên giới tính khác nhau là khác nhau. Phụ nữ dễ rơi vào trầm cảm sau khi trải qua căng thẳng nghiêm trọng. Ngược lại, đàn ông có xu hướng hành động bốc đồng, phá phách, chống lại nguyên tắc đạo đức xã hội. Tùy vào trải nghiệm của mỗi người, stress có thể ở các mức độ khác nhau.

Tạo stress có lợi

Tăng cường trí tuệ, tăng khả năng miễn dịch, khiến tinh thần trở nên dẻo dai, cứng cỏi, thúc đẩy thành công, sự phát triển… Với không ít tác dụng tích cực thế này, “stress vừa phải” là thứ bạn nên tạo ra cho mình. Nên nhớ, stress chỉ có hại khi vượt qua khả năng kiểm soát. Thay vì lo lắng mức cortisol, hãy để stress làm cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn.

Không khó để tạo “stress có lợi”. Thực ra “stress tốt” rất dễ nhận biết. Nó thiên về cảm giác hồi hộp, phấn khích hơn là bất an, sợ sệt.

1. Du lịch

Ngoài việc là một thú giải trí, du lịch khiến bạn mở mang hiểu biết về vùng đất, con người mới. Trong khi du lịch, bạn cũng quen với việc đối phó với những tình huống ngoài dự đoán, phát triển các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, định hướng, tìm đường, cả sự tự tin lẫn ý thức mạnh mẽ về cái tôi cá nhân.

2. Yêu

Theo nhà tâm lý học người Hà Lan Walter van den Broek, khi rơi vào tình yêu, người ta lo lắng tới mức khiến mực cortisol gia tăng ngoài sức tưởng tượng.

3. Tiếp xúc

Bất cứ ai cũng có những thứ mà họ biết nó tốt nhưng lại không dám đụng vào, vì sợ hoặc cảm thấy không thoải mái. Chúng có thể là thức ăn, động thực vật, thậm chí cả con người. Thay vì tiếp tục đứng xa, bạn nên đẩy mình bước lại gần, chạm vào mục tiêu và lắng nghe cảm giác “stress tốt” lạ lẫm.

4. Thay đổi

Hầu hết người bị stress đều là những đối tượng không thích nghi được với hoàn cảnh. Nếu lập tức thay đổi là quá khó với bạn, hãy từ từ làm từng bước. Bạn nên lập danh sách những thứ muốn làm để thay đổi bản thân, sau đó thích nghi dần dần. Đừng quên tự chăm sóc, cũng bớt nghĩ ra các lý do biện hộ cho việc giữ nguyên như cũ.

5. Hiếu kỳ

Bất cứ thứ gì bạn tò mò, đừng ngại ngần khám phá nó. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi bạn có thứ muốn biết, muốn làm. Theo đuổi hiếu kỳ không chỉ tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống mà còn giúp bạn nhận thức về bản thân, lên kế hoạch, xây dựng các kỹ năng và sự tự tin. Tất nhiên, trước khi giải đáp được thắc mắc, bạn có thể có vẻ khá là “ngốc nghếch”, thậm chí bị cười cợt. Song, nếu có thể chịu đựng được những chuyện thế này, chân trời mới sẽ sớm mở ra trước mắt. Bạn lại có thêm bao thách thức, điều kỳ lạ mới nữa để quan tâm.

Nhờ trải qua stress, con người trở nên cứng cỏi hơn
 Nhờ trải qua stress, con người trở nên cứng cỏi hơn
Theo Aeon và Psychologytoday

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.