Lời hứa hươu vượn từ chai 'dầu rắn'

GD&TĐ - Clark Stanley lừa dối người Mỹ rằng dầu rắn, chiết xuất từ rắn đuôi chuông, của ông ta có thể điều trị bệnh viêm khớp.

Dầu rắn chiết xuất từ rắn đuôi chuông không có chất chống tiêu viêm.
Dầu rắn chiết xuất từ rắn đuôi chuông không có chất chống tiêu viêm.

Khi sự thật bị phanh phui, “dầu rắn” trở thành biểu tượng của những lời hứa hươu vượn, không có kết quả.

Những lời hứa viển vông

Hồi tháng 8/2024, sau khi đắc cử, Thủ tướng Anh Keir Starmer không ngần ngại mô tả tình hình châu Âu rằng: “Tôi lo lắng về cực hữu vì họ là người bán dầu rắn”. Thuật ngữ “người bán dầu rắn” cũng được các nhà báo và người nổi tiếng sử dụng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Cụm từ này mô tả những lời hứa và tuyên bố của các ứng cử viên, ngụ ý rằng các chính trị gia đang cố tình “lừa phỉnh” người dân Mỹ về quan điểm, đường hướng chính trị của họ và lan truyền những tuyên bố sai sự thật.

loi-hua-huou-vuon-tu-chai-dau-ran-3.jpg
Dầu rắn được quảng bá điều trị viêm khớp.

Trong ngôn ngữ hiện đại, chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ “dầu rắn” để mô tả một vấn đề được cho là có giải pháp nhưng cuối cùng không mang lại hiệu quả. Đơn cử, vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch Covid-19, các chuyên gia mô tả những phương pháp chữa trị Covid-19 mà mọi người truyền tai nhau là “dầu rắn của thế kỷ 21”.

Hai nhà khoa học máy tính nổi tiếng cũng sử dụng thuật ngữ này để ám chỉ những người đưa ra tuyên bố sai lệch về khả năng của trí tuệ nhân tạo nhằm cường điệu hóa tính ứng dụng của kỹ thuật công nghệ. Trong nhiều lĩnh vực, “dầu rắn” cũng được sử dụng rộng rãi, phổ biến.

Lịch sử “dầu rắn” là biểu tượng của sự gian lận và lừa dối bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Câu chuyện xoay quanh ông Clark Stanley, người tự xưng là “Vua rắn đuôi chuông”. Ông ta bán dầu rắn, được quảng bá là phương pháp điều trị đau, thấp khớp. Trên thực tế, các sản phẩm của Clark không hề chứa dầu rắn, chỉ có dầu khoáng, mỡ bò, ớt đỏ, nhựa thông nhưng ông đã lừa dối khách hàng trong hơn 2 thập kỷ.

Dầu rắn xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc. Người dân nước này bắt rắn nước, chiết xuất dầu có chứa axit omega-3. Các sản phẩm của họ dùng để điều trị viêm khớp và viêm bao hoạt dịch.

Từ những năm 1800, hàng nghìn công nhân Trung Quốc đến Mỹ để làm công cho dự án đường sắt xuyên lục địa. Trong những vật dụng họ mang đến “xứ cờ hoa” có nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm cả dầu rắn. Sau một ngày dài làm việc vất vả, những người công nhân xoa dầu lên các khớp của họ và những cơn đau được làm dịu. Họ bắt đầu chia sẻ nó cho những người công nhân Mỹ, khiến bọn họ vô cùng kinh ngạc trước tác dụng của lọ thuốc nhỏ.

“Vua rắn đuôi chuông”

loi-hua-huou-vuon-tu-chai-dau-ran-2.jpg
Clark Stanley.

Clark Stanley xuất hiện bí ẩn vào năm 1893. Không có nhiều thông tin về thời thơ ấu hay xuất thân của ông ta. Người ta chỉ nhớ lần đầu tiên Clark xuất hiện là tại Triển lãm hàng hóa Columbian, Chicago, trong bộ trang phục phương Tây.

Tại sự kiện, đứng trước đám đông, Clark lôi một con rắn chuông ra khỏi chiếc túi dưới chân. Với khuôn mặt tỉnh bơ không chút sợ hãi, ông ta rạch con rắn bằng một con dao sắc nhọn, nhúng vào thùng nước sôi cho đến khi lớp mỡ của nó nổi lên trên bề mặt.

Đó là cách Clark quảng cáo về sản phẩm của mình, “Dầu rắn xoa bóp Clark Stanley”. Kể từ đó, ông ta tham gia nhiều hội chợ hàng hóa trên khắp nước Mỹ, với cùng một chiêu giết rắn chuông, để khoe khoang về khả năng điều trị bệnh hiệu quả trong thuốc của mình.

Cách làm của Clark chỉ là một chiêu trò tiếp thị. Rắn đuôi chuông có cấu trúc mỡ khác với rắn nước Trung Quốc. Thêm nữa, Clark tuyên bố rằng ông học được cách điều chế dầu rắn từ bộ tộc Hopi, một thông tin chưa được xác minh nhưng sản phẩm của ông đã gây được tiếng vang trên khắp cả nước.

Omega-3 tồn tại trong các loài động vật máu lạnh, chủ yếu sống ở môi trường mát như hồ nước vì chất béo không đông trong nước lạnh. Theo nghiên cứu của bác sĩ người Mỹ Richard Kunin, dầu rắn Trung Quốc, chiết xuất từ rắn nước, chứa 20% axit eicosapentaenoic (EPA), một trong 2 loại axit béo omega-3 mà con người hay sử dụng. EPA không chỉ làm giảm tình trạng viêm như đau viêm khớp, mà còn cải thiện chức năng nhận thức, giảm huyết áp, cholesterol và thậm chí ức chế bệnh trầm cảm.

Tương tự, omega-3 có thể tìm thấy trong rắn biển tại Nhật Bản. Hàm lượng omega-3 trong rắn nước hay rắn biển không thay đổi. Trong khi đó, rắn đuôi chuông, vốn sống trong môi trường khô cằn, không chứa hàm lượng axit nêu trên.

Đó là lý do sản phẩm dầu rắn, nếu được sản xuất ở Mỹ, sẽ không đảm bảo được thành phần omega-3. Trong khi đó, đây là phương thuốc rất phổ biến tại các nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Một phần nguyên nhân do người châu Á chuộng các bài thuốc dân gian cổ truyền nhưng chủ yếu là do sản phẩm dầu rắn của châu Á có thể đảm bảo omega-3.

Quản lý lỏng lẻo

Ngành y tế khi ấy chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động điều chế, mua bán và quảng cáo thuốc. Ngay cả nhiều bác sĩ y khoa cũng không có chứng chỉ hành nghề hay bằng cấp. Hơn nữa, dù vào cuối thế kỷ 19, ngành y học đạt được nhiều bước tiến nổi bật nhưng họ vẫn chưa tìm ra kháng sinh cho các bệnh mãn tính, bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh viêm khớp, thấp khớp.

Vì lý do trên, thuốc sáng chế, loại không cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, thường được tiếp thị là thuốc chữa “bách bệnh”, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Họ cũng có thể mua thuốc một cách nhanh chóng, tiện lợi và tin tưởng sẽ giúp họ giảm đau đớn. Trên thực tế, nhiều loại thuốc sáng chế có chứa cocaine, morphine, rượu làm dịu tức thời khiến người dùng ảo giác về hiệu quả của nó.

loi-hua-huou-vuon-tu-chai-dau-ran-1.jpg
Bao bì một chai dầu rắn do Clark Stanley sản xuất.

PGS, bác sĩ Lyida Kang, làm việc tại Trung tâm Y khoa Đại học Nebraska, Mỹ, cho biết: “Vào thế kỷ thứ 19, bạn chỉ cần ra góc phố là có thể mua những loại thuốc có giá phải chăng, không cần gặp bác sĩ và được quảng cáo có công dụng hữu hiệu ở khắp mọi nơi”.

Ăn nên làm ra, ông ta mở 2 cơ sở sản xuất dầu rắn ở Beverly, bang Massachusetts và Providence, bang Rhode Island. Tuy nhiên, quá trình lấy mỡ rắn đuôi chuông rất cồng kềnh, thậm chí không mang lại hiệu quả cao.

Sau buổi trình diễn đầu tiên, Clark đã loại bỏ hoàn toàn dầu rắn ra khỏi sản phẩm của mình. Vậy nhưng, thời điểm đó, vì sống dưới cái danh “Vua rắn đuôi chuông” nên ông ta tiếp tục kinh doanh sản phẩm sai sự thật đến năm 1917.

Clark Stanley không phải người duy nhất bán dầu rắn nhưng ông là người nổi tiếng nhất từ trước đến nay. Đầu tiên, ông tự quảng bá thuốc do mình điều chế với khả năng tiếp thị tài ba.

Việc thịt rắn ngay tại hội chợ đông người không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người tham gia sự kiện, mà còn tạo nên sức lan truyền rộng rãi. Cách ông ta đứng trước đám đông quảng bá cho thấy tài ăn nói khéo léo và năng khiếu làm chủ sân khấu.

Theo học giả Pedersen, người chuyên ghi chép những sự kiện lịch sử vào thế kỷ 19, trong một lần phỏng vấn, Clark đã dẫn phóng viên vào văn phòng chất đầy những lọ ngâm rắn của ông.

Điều này không chỉ tăng tính hấp dẫn cho buổi phỏng vấn, mà còn ngầm khẳng định độ uy tín của sản phẩm do ông điều chế. Dù sản phẩm của mình được nhiều người biết đến, Clark vẫn bỏ tiền quảng cáo trên báo, tạp chí vì ông biết rằng, không gì có thể lan tỏa tốt hơn truyền thông.

Sự thật bị phanh phui

Trong các mẩu quảng cáo, Clark mô tả dầu rắn do mình điều chế là “loại thuốc xoa bóp mạnh nhất và tốt nhất được biết đến để giảm đau, chữa bệnh thấp khớp”, mang lại “hiệu quả tức thì”, “công dụng tốt nhất mà thuốc xoa bóp cần có”. Thuốc có thể điều trị hầu hết mọi bệnh như đau thần kinh tọa, bong gân, vết động vật cắn, đau họng, đau răng…

Tuy nhiên, vì công chúng lo ngại về vấn đề an toàn, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm Tinh khiết vào năm 1906. Đạo luật này yêu cầu các dược sĩ phải kiểm tra rõ trên nhãn thuốc có chứa bất kỳ thành phần nào trong số 11 chất nguy hiểm hoặc gây nghiện hay không. Nó cũng quy định rằng các nhà sản xuất thuốc không được quảng bá sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho người tiêu dùng trên bao bì.

Dù vậy, thời điểm này Clark chưa bị phát hiện. Về mặt lý thuyết, người bán có thể lập luận rằng họ tin thuốc của mình là có hiệu quả. Nếu vậy, khó có thể kiểm chứng công dụng của thuốc.

“Ngày tàn” của Clark là vào năm 1917, khi nước Mỹ tìm ra thuốc chữa đau khớp. Các nhà điều tra liên bang đã tịch thu một lô dầu bôi của Clark và phân tích thành phần bên trong. Kết quả là các sản phẩm không chứa dầu rắn.

Thay vào đó, nó chứa những thành phần không hề có công dụng điều trị bệnh như mỡ béo, dầu ớt… Đáng chú ý, nghiên cứu còn chỉ ra rằng các sản phẩm dầu rắn chiết xuất từ rắn đuôi chuông không hề có tác dụng chữa đau khớp.

Clark bị phạt 20 USD, tương đương 429 USD theo giá trị hiện nay, và phải đóng cửa cơ sở sản xuất, dừng mọi hoạt động kinh doanh.

Vào thời điểm đó, dầu rắn đã trở thành biểu tượng của sự gian lận. Lần đầu tiên thuật ngữ này được sử dụng là trong bài sử thi “John Brown’s Body” của tác giả Stephen Vincent Benent vào năm 1927. Khoảng 30 năm sau, nhà soạn kịch Eugene O’Neil nhắc đến “dầu rắn” trong vở kịch “The Iceman Cometh” vào năm 1956.

Ngày nay, dầu rắn vẫn là phương thuốc chữa đau khớp được người dân châu Á tin dùng nhưng ở Mỹ, nó không còn chỗ đứng. Ngược lại, nó trở thành biểu tượng của việc gian dối, hứa hẹn những điều không thể đạt được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.