Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, các Sở GD&ĐT các vùng, miền trên cả nước, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) và chuyên gia giáo dục mầm non.
Áp lực đáng lo về thiếu giáo viên
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tọa đàm, góp ý kiến, đề xuất triển khai tháo gỡ việc thiếu GV Mầm non (GVMN) trên cả nước. Tình trạng thiếu GVMN là rất đáng lo lắng, GV phải làm việc trong điều kiện quá tải về thời gian, cơ sở vật chất và áp lực chăm sóc trẻ ngoài giờ.
Thứ trưởng đưa ra thực tế đi khảo sát tại tỉnh Điện Biên mới đây, bức tranh GDMN ở vùng sâu, vùng dân tộc thật đáng lo ngại. Áp lực đối với GVMN là rất lớn, nếu chúng ta không có bài giải, mất an toàn cho trẻ là điều khó tránh khỏi.
Tọa đàm là cơ hội để các cơ quan quản lý hoạch định chính sách; các nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm đối việc đào tạo, bồi dưỡng, khắc phục vấn đề thiếu GVMN.
Thứ trưởng đề nghị thảo luận và đóng góp ý kiến sâu sắc, thiết thực, tập trung vào các vấn đề chính sau:
Các mô hình đào tạo GVMN liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học; Đào tạo văn bằng 2 ngành giáo dục mầm non; Bồi dưỡng nghiệp vụ; đào tạo giáo viên mầm non đạt chuẩn trong giai đoạn hiện nay; Cơ chế, chính sách quy định về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non; Những khó khăn, bất cập trong đào tạo giáo viên mầm non cùng với đề xuất giải pháp.
Thứ trưởng cũng yều cầu các Sở GD&ĐT cần có trách nhiệm cao trong việc: đưa ra giải pháp bồi dưỡng GV đang dạy ở cơ sở MN tư thục, tốt nghiệp các ngành đào tạo khác (không thuộc chuyên ngành GDMN); thực hiện công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở GDMN, có bất cập gì, bồi dưỡng đạt chuẩn…; đặc biệt đối với nhóm lớp độc lập tư thục và việc thực hiện chế độ chính sách bồi dưỡng cho GV theo nghị định số 105/2020/NĐ-CP - nảy sinh những thuận lợi và khó khăn thế nào, đề xuất tháo gỡ; triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN giai đoạn 2018-2025, bồi dưỡng GV đạt chuẩn đào tạo theo quy định tại Luật GD sửa đổi 2019...
Phân tích và đề xuất giải pháp tháo gỡ
Tham luận của đại diện các Sở GD&ĐT đã làm rõ nhiều nội dung và đề xuất, kiến nghị quan trọng. Đại diện Trường Cao đằng sư phạm Trung ương đưa ra mô hình đào tạo GVMN liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng; Văn bằng 2 ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng; Bồi dưỡng nghiệp vụ GVMN.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế, chia sẻ mô hình đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học trong đào tạo giáo viên mầm non.
Trường CĐSP TW Nha Trang nêu những khó khăn trong đào tạo GVMN từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Trường CĐSP Hòa Bình đã phân tích cơ chế, chính sách quy định về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng của tỉnh Hòa Bình.
Từ thực tế địa phương, các tham luận đã chỉ rõ những khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ ở những tỉnh miền núi có đông người dân tộc thiểu số và đa dạng các loại hình trường lớp. Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An, có ý kiến về công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở GD công lập, tư thục, dân lập; đặc biệt đối với GV tại các nhóm lớp độc lập tư thục và việc thực hiện chế độ chính sách bồi dưỡng cho GV theo nghị định số 105/2020/NĐ-CP. 7.
Đại diện Sở GD&ĐT Yên Bái chia sẻ thực tế sử dụng GV, cán bộ quản lý trong các cơ sở GDMN chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.
Ở những địa phương thuận lợi về kinh tế - xã hội cũng không phải không gặp khó khăn. Sở GD&ĐT Bắc Ninh đề xuất giải pháp bồi dưỡng GV đang dạy ở cơ sở MN tư thục, tốt nghiệp các ngành đào tạo khác;
Hải Phòng đưa ra thực tế triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN giai đoạn 2018-2025, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục sửa đổi 2019.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các tham luận đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn khách quan cũng như thuận lợi, đi thẳng vào vấn đề. Đồng thời đưa ra những điểm băn khoăn, để khắc phục vấn đề thiếu GVMN trong thời gian tới.