Nhân cách là một quá trình
Chúng ta phải nghe nhiều lời đồn hơn là được trải nghiệm sự thật. Chính vì lẽ đó, hình tượng người khác trong tâm trí chúng ta thường méo mó, hoặc chỉ là cái vỏ. Tất nhiên, không phải với bất cứ ai trên đời này, ta có chút quan tâm, thì ta đều có thể có được điều kiện để gặp gỡ trực tiếp người đó, để trải nghiệm sống, làm việc, chia sẻ cảm xúc cùng người, và để nhận ra người đó như chính họ thực sự là thế.
Xin kể hầu bạn đọc một trải nghiệm quý giá trong cuộc đời của tôi. Tôi mê văn chương từ nhỏ, thầm mơ ước viết văn mà chẳng dám tỏ bày cùng ai. Rồi tôi tập tành viết văn từ khi lên mười tuổi, có tác phẩm truyện ngắn đăng Báo Thiếu niên tiền phong. Quá sung sướng và tự hào, tôi yêu say nghề viết từ đó, viết như một nhu cầu sống, thở, yêu.
Tuy nhiên, là một nhà văn, nhưng ngay từ thời mới bước chân vào làng văn, tôi đã không chủ trương kết thân, làm bạn với bất cứ nhà văn nào. Có lẽ, tôi bị ghim trong đầu một câu của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đại ý rằng, bao nhiêu tinh túy, nhà văn trút hết cả vào trong văn, nên bản thân họ chỉ còn lại bã người! Vậy thì, tôi chơi với bã người làm gì? Tốt hơn hết, tôi thưởng thức tác phẩm của bạn văn, tưởng tượng họ qua từng trang viết, mà không gặp họ thực sự ngoài đời. Tôi không có chút nhu cầu nào kết thân với đồng nghiệp văn chương.
Sau này, ở tuổi 40, do công việc mở rộng, hoạt động văn chương nhiều hơn, tôi có biết và giữ quan hệ với số ít vài ba nhà văn Việt Nam và vài nhà văn nước ngoài. Cho tới một lần, tôi có dịp tiếp xúc với nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhớ lại, lần đầu tiên tôi diện kiến nhà thơ Hữu Thỉnh ngoài đời, là trong lần tôi được giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2007, ông đã lên sân khấu, trao hoa và bắt tay chúc mừng tôi, ông cười niềm nở và hỏi: “Kiều Bích Hậu, chúc mừng em, nhà em ở phố nào nhỉ?”.
Tôi lơ đãng và ngố tới nỗi không biết ông là ai, trả lời ông xong tôi trở lại chỗ ngồi của mình, và hỏi nhỏ nhà văn Lê Anh Hoài ngồi cạnh: “Ông ấy là ai thế hả anh?”. Lê Anh Hoài nheo mắt nhìn tôi cười: “Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đó! Em thật là…”. Chuyện đó qua đi, tôi vài lần nữa nhìn thấy nhà thơ Hữu Thỉnh trên các bục phát biểu, trên tivi. Tôi loáng thoáng nghe những lời đồn của thiên hạ về ông, những điều người ta viết trên các mạng xã hội. Tôi chẳng tin, cũng chẳng ngờ, vì chuyện đó không liên quan tới tôi. Cho tới khi tôi có việc thực sự liên quan tới nhà thơ Hữu Thỉnh, thì tôi vỡ lẽ ra một số điều thấm thía.
Đầu xuân năm 2019, tôi đi thực tế tại Quảng Ninh. Theo thói quen, tôi để máy điện thoại trong ba lô, không để ý nên khi mở máy ra xem lúc nghỉ trưa, tôi thấy cuộc gọi nhỡ của nhà thơ Hữu Thỉnh và tin nhắn của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Do hay tiếp xúc với nhà văn Võ Thị Xuân Hà hơn, nên tôi chọn gọi lại cho chị trước, xem có việc gì. Chị trách nhẹ tôi, rằng tôi đi đâu mà để nhà thơ Hữu Thỉnh gọi điện mãi không nghe máy? Tôi hỏi lại chị, rằng nhà thơ Hữu Thỉnh gọi tôi có việc gì, thì chị không biết, chỉ bảo tôi hãy gọi ngay lại cho Hữu Thỉnh.
Tôi gọi lại cho nhà thơ Hữu Thỉnh, ông cầm máy ngay, hỏi tôi về nhà thơ người Ý tên Laura Garavaglia. Qua một bài báo đăng trên Tuần báo Văn nghệ, Hữu Thỉnh biết tôi có kết nối với nữ thi sĩ người Ý, nên ông mời tôi tới Hội Nhà văn gặp ông trực tiếp để bàn việc có liên quan tới nữ thi sĩ Laura Garavaglia. Sau chuyến thực tế Quảng Ninh trở về, tôi đến trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam gặp nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông nói tôi giúp ông liên lạc với nữ thi sĩ người Ý, để mời bà thăm Việt Nam và hợp tác sâu hơn trong việc dịch thơ Việt Nam sang tiếng Ý, xuất bản ở Ý…
Tôi nhận lời làm người liên lạc giúp ông với nữ thi sĩ Laura Garavaglia. Sau đó, ông đề nghị tôi dịch một bài luận của nhà văn Mỹ George Evans về Hữu Thỉnh và thơ Hữu Thỉnh, kiểm tra giùm chất lượng chuyển ngữ tiếng Anh tập kỷ yếu các nhà thơ và tác phẩm thơ quốc tế, cùng tập thơ “Thương lượng với thời gian” của ông. Tôi chỉ nhận làm hai việc đầu, còn việc thứ ba, thì tôi từ chối, vì thời gian ở lại Việt Nam của tôi còn rất ít, đã sắp tới lúc tôi đi châu Âu hai tháng.
Khi tôi làm xong việc, mang trả lại cho ông bản dịch bài luận của nhà văn Mỹ và bản sửa tập kỷ yếu, thì nhà thơ Hữu Thỉnh cảm ơn tôi, nói rằng ông rất biết nỗ lực của tôi trong thời gian ngắn, ông không muốn trả ơn tôi theo cách thông thường… Tôi cười và nói với ông rằng, ông đừng quá bận tâm. Tôi làm điều này vì vui, và tôi cũng được trả ơn rồi, đó là được biết thêm mối quan hệ và tình cảm của nhà văn Mỹ đối với ông.
Ngay lúc đó, cảm nhận của tôi về Hữu Thỉnh đã thay đổi. Khi dịch tới đoạn cuối tiểu luận mà nhà văn Mỹ George Evans viết về Hữu Thỉnh, tôi đã rưng rưng nghẹn ngào trước tình yêu nước và nỗi nhớ quê hương của ông. Nhà văn Mỹ George Evans thật tài tình khi chỉ bằng hai dòng chữ, miêu tả một cái khoát tay của Hữu Thỉnh trên bờ biển nước Mỹ, chỉ về phía đất nước Việt Nam, mà khiến tôi muốn khóc.
Nới rộng trường nhân cách bằng… ngoại giao!
Trong thời gian tôi lang thang ở châu Âu, thì bất ngờ nhận được tin, tôi được bầu vào Hội đồng dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên trước điều này. Quả thực là một công việc từ trên trời rơi xuống. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới nó. Nhưng ngay lúc ấy, tôi hiểu rằng, nhà thơ Hữu Thỉnh đã lặng lẽ “thẩm định” năng lực của tôi, qua những việc dường như là ông “nhờ” tôi trước đó.
Mùa hè năm 2019, khi tôi vừa từ châu Âu trở về Việt Nam, thì nhà thơ Hữu Thỉnh đã ngỏ ý mời tôi về làm việc tại Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. Một bất ngờ nữa, thật thú vị! Cách nay chừng dăm năm, tôi đã có ý định làm thêm công tác đối ngoại. Do đã đủ trưởng thành, và yêu thích việc nghiên cứu tâm lý con người, nên tôi cho rằng công việc đối ngoại sẽ đưa tôi vào trường giao tiếp rộng mở hơn, để giúp tôi trải nghiệm những điều hoàn toàn mới, học hỏi nhiều hơn, giúp ích cho việc viết văn của tôi.
Công việc khiến tôi được tiếp xúc và trực tiếp xử lý nhiều tình huống ngoại giao với nhà thơ Hữu Thỉnh. Tôi ngỡ ngàng nhận ra chân dung một con người đáng kính trong ông, không chỉ tinh tế, chu đáo, đầy lòng cao thượng mà còn có tầm nhìn đáng nể. Sức làm việc phi thường của ông cũng là nguồn động lực để tôi nhìn ông mà cố gắng, không để thói quen trì trệ níu mình xuống mỗi cuối ngày.
Trong một lần, làm thủ tục cho ông công tác Myanmar, tôi thấy hộ chiếu của ông hết hạn từ lâu. Thế mà trước đó, tôi lầm nghĩ ông phải thường xuyên công tác nước ngoài! Khi hỏi, tôi mới biết mười năm qua, Hữu Thỉnh không hề ra nước ngoài. Các chuyến đi giao lưu, đối ngoại tại nước ngoài, ông đều nhường cho hội viên khác đi.
Ông bảo tôi, Hội Nhà văn Việt Nam có cả nghìn người, ai cũng khao khát được một lần ra nước ngoài dự các sự kiện văn chương quốc tế, tiếp xúc với bạn văn quốc tế, nên ông muốn tạo điều kiện cho càng nhiều hội viên đi nước ngoài càng tốt. Mỗi chuyến đi là một chuyến học hỏi giá trị, phi thường, nới rộng kích cỡ trường văn của mỗi hội viên. Và đối với bạn văn nước ngoài, Hữu Thỉnh luôn nể trọng, đối với bạn hào phóng và nồng nhiệt ngoài sự mong đợi. Ông có phương pháp ngoại giao bằng văn học tài tình. Nhiều nhà báo, nhà văn nước ngoài đã viết về ông, với những ngợi ca về sự chân tình, về tâm huyết quảng bá văn học nước nhà của Hữu Thỉnh.
Tôi đã tự xóa hết những định kiến mơ hồ về ông do lời đồn mang lại, trải nghiệm làm việc cùng nhà thơ Hữu Thỉnh, từng ngày, đối với tôi là quý giá. Trong chuyến đi công tác cùng ông và 3 nhà văn khác tới Myanmar, tôi càng cảm nhận rõ hơn tính nghệ sĩ, chất thơ và sự hào phóng có phần bốc đồng, đầy si mê của ông trước những nét đẹp cuộc sống, trước giá trị của quan hệ bạn văn, trước những cái mới mẻ mà cuộc đời mang lại mỗi phút giây…
Để kết lại bài này, tôi muốn ghi lời nhà thơ Nguyệt Anh kể, rằng có lần bà nhận được cuộc điện thoại bất ngờ của nhà thơ Hữu Thỉnh, nói rằng Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định mời nhà thơ Nguyệt Anh tham gia một chuyến đi nước ngoài dự sự kiện văn học quốc tế. Nguyệt Anh cảm động khôn nguôi, bà tự hỏi, tại sao giữa cả nghìn hội viên, mà ông có thể nhớ ra bà, còn thuộc cả thơ bà, hiểu bà đến thế và quan tâm đến bà, tặng bà món quà bất ngờ là chuyến đi giá trị nhường ấy?!
Tại sao có những người chẳng bao giờ biết ông, càng chưa bao giờ gặp mặt, mà lại cứ ghét ông, thậm chí kể xấu ông? Nhưng ông chẳng bao giờ để bụng. Có lẽ, nhân cách lớn thì có thể bao dung tất cả, hiểu tất cả, để yêu thương và tạo điều kiện cho anh em văn chương sáng tác tốt hơn. Có lẽ, trong lòng ông không có sự ghét bỏ, thì những lời đồn kia chẳng chạm vào ông được!