“Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ…”. Giai điệu bài hát ngân vang trong đầu. Tôi khóc thật. Vừa xách nước tưới cây vừa khóc. Đến nỗi chồng lo lắng hỏi han “Bộ xách nước nặng lắm hay sao mà khóc?”. ..
Đêm. Gió xua hơi lạnh phủ kín nhà. Nằm co ro trong mền, tôi lại nhớ về mẹ. Mẹ tôi là người tằn tiện cả đời. Trong ký ức của tôi, mẹ bao giờ cũng ăn cơm chan nước canh, chừa cá thịt cho chồng con.
Tằn tiện đến nỗi có lần mẹ mắng chị tôi vì hoang hay mua trà sữa cho cả nhà uống, mẹ bảo cả đời đi chợ chưa bao giờ dám ăn một tô phở. Biết tính mẹ, muốn mẹ ăn thứ gì thì cứ mua về nhà, đừng đưa tiền, mẹ sẽ chẳng bao giờ mua ăn đâu. Nhớ mẹ, tôi lại khóc thầm. Mấy chục năm làm con của mẹ, chưa làm được điều gì cho mẹ vui.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi luôn bị mẹ mắng là đứa ương bướng nhất nhà. Mỗi lần bị bệnh tôi chỉ nằm im trùm mền và khóc một mình mà không nói vì sợ tốn tiền mua thuốc, khi phát hiện ra, mẹ đã la rất nhiều. Cái tính ngang bướng ấy theo tôi đến tận bây giờ, khi gặp khó khăn, khổ đau, tôi cũng vẫn nín lặng chịu đựng mà không gọi điện về kể cho mẹ. Tôi biết tính mẹ hay lo nên không dám nói ra sợ mẹ suy nghĩ nhiều mà sinh bệnh.
Còn mẹ, dù tôi ngang bướng đến đâu cũng nhất mực thương tôi. Đã có thời gian, tôi giận mẹ vì phản đối chuyện tình cảm của tôi mà bỏ nhà đi cả năm không về. Lúc đó tôi nghĩ mẹ chẳng hề thương yêu tôi, rằng mẹ chỉ chăm chăm ép tôi làm theo ý mẹ. Mẹ lo lắng đi tìm đến phát bệnh.
Khi biết tin, tôi đã hối hận rất nhiều. Nhưng tôi vốn ngang bướng, không bao giờ làm theo ý muốn của người khác. Bao giờ tôi cũng làm theo ý của tôi, rồi tự biện hộ rằng sướng khổ gì tôi tự chịu.
Bởi vậy từ chuyện chọn trường đại học đến chuyện hôn nhân tôi cũng đều làm theo ý dù bị ba mẹ cấm cản. Mẹ chẳng nói gì, chỉ phán “tự làm thì sướng khổ gì ráng chịu, đừng than”.
Tôi biết vậy nên từ đó chẳng bao giờ dám gọi điện kể lể, than khóc gì. Kể cả khi làm nhà, thiếu thốn đủ bề cũng không dám mở lời với mẹ. Mẹ là người chủ động gọi, chủ động hỏi và chủ động cho mượn.
Tới lúc đó, tôi mới hiểu trong cuộc đời này chỉ có mẹ là thương tôi nhiều nhất, người ta cho một thì sẽ tìm cách lấy lại của tôi mười, chỉ có mẹ là cho rất nhiều mà chẳng bao giờ đòi hỏi phải cho lại thứ gì. Ngay cả khi mẹ bệnh, tôi gom góp ít tiền dành dụm đưa mẹ để chi trả viện phí, mẹ vẫn kiên quyết không lấy vì “tụi bây còn nghèo”.
Càng thấy thương mẹ nhiều hơn, cả đời lam lũ hy sinh vì con. Thương thì thương vậy, mà chưa bao giờ tôi dám nói với mẹ rằng, “con thương má rất nhiều”. Tại vì sao tôi cũng chẳng lý giải được. Giữa tôi và mẹ còn một khoảng cách vô hình nào đó, ngượng ngập, khó thân.
Lấy chồng xa, mỗi năm về thăm mẹ được hai lần. Nhiều khi nhớ nhà, nhớ mẹ, tôi chỉ dám ngồi khóc thầm. Mẹ ơi, năm nay mẹ đã bước gần tuổi già hơn tí nữa. Người già chỉ vui nhất khi thấy con cháu tề tựu đông đủ, nhưng con chẳng thể về bên mẹ, chẳng thể nấu một bữa cơm cho mẹ ăn, cũng chẳng dám gọi điện chỉ để nói câu “con thương mẹ rất nhiều”.
Tình cờ tôi đọc được một câu nói rất hay khi lang thang trên mạng xã hội: Bạn hãy làm những điều chưa làm với ba mẹ khi còn có thể. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều đến một cuộc điện thoại về cho mẹ. Mẹ ơi, lễ này có nghe con nói “con thương mẹ rất nhiều” xin mẹ đừng bảo con sến súa nghe mẹ…