Mẹ càng hà khắc, con càng xa cách

"Sao con dốt vậy?", "Con thật vô tích sự", "Mẹ thật chán khi có một đứa con như con", "Mẹ cho con trận đòn này để con nhớ đời" - đó là những lời nặng nề mà chị Thanh thường nói với con. Song, chị nghĩ có yêu con thì chị mới làm như vậy.

Thay vì roi vọt, hãy chấp nhận con gái với cả những lỗi lầm của tuổi thơvà cho thời gian để con tự sửa chữa.Ảnh minh họa
Thay vì roi vọt, hãy chấp nhận con gái với cả những lỗi lầm của tuổi thơvà cho thời gian để con tự sửa chữa.Ảnh minh họa

Người ngoài nhìn vào, có khi còn tưởng chị Thanh là “mẹ ghẻ” của con. Bởi, đi thì chớ, về tới nhà là chị mắng mỏ, càm ràm con gái. Chị có thể mắng con suốt ngày, mắng khi con mắc lỗi. Con làm bất cứ điều gì, chị cũng không ưng ý.

Con bị điểm kém, chị mắng con không chăm chỉ, không biết thương mẹ mà học hành cho tử tế. Phòng của con không gọn gàng, chị mắng con cẩu thả, con gái mà thiếu chỉn chu. Con gái làm việc nhà, chị mắng là làm không khéo léo. Khi con gái ở phòng riêng để khỏi bị mẹ chú ý, chị lại la con lười, để mình mẹ chăm lo việc gia đình.

Cứ như vậy, chị không bao giờ bằng lòng với con gái. Cuối học kỳ I, con chị nằm trong top 10 học sinh giỏi của lớp, cứ tưởng chị sẽ phấn khởi, tự hào về con. Ai dè, mặt chị vẫn bí xị, nhìn thấy con là buông ra những lời lạnh lùng:

“Con đừng có tự kiêu tự đại. Top 10 lớp làng đã là gì. Người ta còn giành huy chương vàng quốc tế kia kìa!”. Đến cuối năm, con chị vươn lên top 2 của lớp, chị lại bảo: “Chắc 9 bạn còn lại ở top 1 hết rồi nên con mới đứng thứ 2”. Đến nước này thì con gái chị chịu thua.

Đã mấy lần, chồng chị góp ý chị nên xem lại cách nói năng, dạy bảo con. Anh không thích chị lúc nào cũng nghiêm trọng hóa vấn đề, chê bai, nạt nộ con như vậy. Nhưng chị bảo: “Yêu cho roi cho vọt. Có yêu con thì chị mới nghiêm khắc với con”.

Theo chị, nếu khen con là làm con ngủ quên trên chiến thắng. Những lời mắng mỏ, quát nạt chính là động lực để “khích” con nỗ lực hơn nếu không muốn tiếp tục bị người khác làm tổn thương.

nintchdbpict000273653957.jpg

Theo chị, những lời mắng mỏ, quát nạt chính là động lực để “khích” con nỗ lực hơn.Ảnh minh họa

Chị rất muốn anh và mọi người hiểu rằng, chị bề ngoài cứng rắn, mạnh mẽ vậy chứ trong lòng chị xót con lắm. Chị nhớ lần vì cãi hỗn với mẹ mà con gái bị chị đánh một trận no đòn. Buông roi ra rồi, chị còn đau hơn con. Nhưng, chị phải tỏ ra cứng rắn và không cho phép mình xuýt xoa, cưng nựng con. 

Lần khác, con chị bị sốt cao, hậu quả của việc ăn mặc phong phanh khi tới trường. Khi con thiêm thiếp vì mệt, chị ngồi bên giường, cầm bàn tay nhỏ nhắn của con bé rơm rớm nước mắt. Chị thấy con gầy gò, hàng gân nổi dưới lớp da trắng xanh, lòng chùng xuống. Chị là mẹ mà chẳng nói với con được những lời ngọt ngào. Bao năm qua, con bé sống dưới sự kiềm tỏa của chị chắc cũng ngột ngạt lắm. Nhưng, nghĩ vậy thôi chứ chị không cho phép mình lùi bước.

“Con bé còn rất nhiều nhược điểm, đểnh đoảng, chưa chăm học, không khéo làm việc nhà, chưa biết thông cảm thấu hiểu với người khác. Mình càng rèn con tốt bao nhiêu thì cuộc đời của nó càng sáng bấy nhiêu.

Mẹ rèn chẳng phải tốt hơn ra đời, bị thiên hạ rèn hay sao”, chị nghĩ. Vì thế, khi con tỉnh lại, chị nhanh chóng gạt nước mắt, nghiêm nghị bảo con: “Mẹ đã nhắc con phải biết giữ sức khỏe. Con phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Lần sau con lại ốm vì lý do này là mẹ sẽ không chăm sóc nữa đâu”. Sau đó, chị đặt vào tay con túi thuốc, nhắc con uống cho khỏi bệnh rồi nhanh chóng ra khỏi buồng của con.

Chị đâu hiểu rằng, chị càng tỏ ra nghiêm nghị như vậy, càng chỉ khiến hai mẹ con trở nên xa cách. Con gái chị chỉ nhớ về mẹ như một người phụ nữ khó tính, suốt ngày bắt lỗi mình. Mẹ cũng không tin vào nỗ lực của con nên dù có làm gì tốt, con cũng không được mẹ ghi nhận.
“Đằng nào mình cũng không hoàn thiện, vô dụng rồi thì thay đổi, sửa chữa làm gì? Có lần mẹ chẳng bảo ân hận khi sinh ra mình đấy thôi?”, con gái chị nhủ thầm.

Có lẽ, chị sẽ mãi như thế nếu chồng chị không kiên quyết can thiệp vào quan điểm dạy con của chị. Chồng chị nói: Mắng mỏ, sỉ nhục... không phải là cách dạy con tốt, chưa nói là làm ảnh hưởng tới suy nghĩ, nhận thức của con. Chị hãy chấp nhận con gái với cả những lỗi lầm của tuổi mới lớn và cho con thời gian để con tự sửa chữa.

Những điều gì có thể cho qua, chị hãy cho qua. Còn khi con mắc lỗi lớn, chị hãy góp ý cho con hiểu ra bằng lời nói nhẹ nhàng. Khi con tiến bộ, đừng ngại ngần động viên, biểu dương con.

Chị hãy giúp con nhìn thấy trái tim của người mẹ, với đầy đủ cảm xúc vui, buồn, lo lắng, thất vọng, tự hào, hồn nhiên... thay vì lúc nào cũng phải tỏ ra cứng cỏi, nghiêm khắc, dọa dẫm con. Làm được như vậy, anh tin chị sẽ trở thành người mẹ tốt.

Theo phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ