Loay hoay tìm giải pháp bù lấp trang thiết bị dạy học

GD&TĐ - Thiếu trang thiết bị dạy học cho đến nay vẫn là khó khăn của các nhà trường khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Học sinh Trường Tiểu học Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) trong giờ Tin học. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) trong giờ Tin học. Ảnh: NTCC

Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT).

Còn nhiều khó khăn

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học luôn là khó khăn của Trường Tiểu học Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Long, năm đầu tiên triển khai chương trình mới với lớp 1, nhà trường được hỗ trợ 1 bộ thiết bị dạy học theo danh mục của Bộ GD&ĐT (máy tính xách tay, máy chiếu, tivi, băng đĩa, một số đồ dùng của môn học); năm học 2021 - 2022 thêm 2 tivi, 2 máy tính, USB, bộ tranh ảnh,... Triển khai chương trình mới đến lớp 3, Tin học trở thành môn bắt buộc, nhà trường được huyện hỗ trợ 17 máy tính. Từ đó đến nay, các trang thiết bị dạy học không được bổ sung thêm.

“Như vậy, ngoài lớp 1, hiện tất cả khối lớp của nhà trường chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Riêng lớp 4, lớp 5 thì thiếu hoàn toàn”, thầy Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Tại huyện Than Uyên (Lai Châu), ông Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, thiết bị lớp 5, lớp 9, phòng GD&ĐT đã có kế hoạch mua trong năm 2024; tuy nhiên, với lớp 3, lớp 7 chưa được cấp kinh phí mua thiết bị dạy học tối thiểu. Nguyên nhân, do chưa thẩm định được giá thiết bị.

Thiếu thiết bị dạy học, học sinh không được, hoặc bị hạn chế trong thực hành, trải nghiệm nên chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng triển khai Chương trình GDPT 2018; bên cạnh đó ảnh hưởng đến đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của giáo viên. Để khắc phục, các trường đã rà soát, khai thác trang thiết bị theo Chương trình GDPT 2006 hiện có, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học.

Năm học 2024 - 2025, các trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được giao kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hiện tỷ lệ thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu tối thiểu ở cấp tiểu học là 77,8%; THCS là 82,1%; THPT là 86,3%.

Chia sẻ lý do đầu tư mua sắm thiết bị dạy học chưa đầy đủ so với danh mục Bộ GD&ĐT quy định, ông Phạm Văn Kiên - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hòa Bình cho hay: Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu không có thiết bị mẫu và đơn giá tham khảo. Việc xây dựng dự toán hoàn toàn dựa vào báo giá của một số cơ sở sản xuất và chứng thư thẩm định giá...

Những thiết bị này lại đặc thù, không có sẵn trên thị trường nên khi mua sắm khó xác định đơn giá. Nhiều trường học sau khi xây dựng dự toán mua sắm nhưng chưa thể thẩm định giá, hoặc chưa nhận được kết quả thẩm định.

Ngoài ra, đơn vị thẩm định giá trong danh sách công bố trên cổng thông tin của Bộ Tài chính có giới hạn, trên địa bàn tỉnh chưa có Văn phòng đại diện của các công ty thẩm định giá. Ngoài ra, một số đơn vị thẩm định giá từ chối thẩm định do không có đầy đủ cơ sở báo giá thiết bị theo danh mục yêu cầu, dẫn đến việc thẩm định kéo dài hoặc chưa thể thực hiện theo kế hoạch.

Một số danh mục thiết bị các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) có rất ít cơ sở sản xuất, chủ yếu nhập linh kiện, thiết bị từ bên ngoài. Trên địa bàn tỉnh lại chưa có doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị đủ năng lực, cung cấp thông tin về giá sản phẩm, thiết bị giáo dục tin cậy.

loay hoay tim giai phap5.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Khắc phục thế nào?

Giải quyết khó khăn trên, ông Phạm Văn Kiên thông tin, hằng năm sở GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo rà soát thiết bị hiện có; yêu cầu trường học sửa chữa thiết bị hư hỏng, lập danh mục còn thiếu để đề xuất kinh phí mua sắm.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hòa Bình kiến nghị Bộ GD&ĐT làm việc với Hiệp hội Thiết bị giáo dục xây dựng, công khai kho dữ liệu về giá trang thiết bị dạy học tối thiểu cũng như giá thiết bị dạy học bộ môn, thiết bị đặc thù lĩnh vực giáo dục.

Xây dựng kho dữ liệu thực hành, thí nghiệm số theo chương trình GDPT để địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên khai thác, thay thế hoạt động thiết bị thí nghiệm thực hành trên lớp; đặc biệt đối với các thí nghiệm, thực hành có yêu cầu kỹ thuật phải đạt chuẩn. Phối hợp với Bộ, ngành tham mưu Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, mua sắm thiết bị cho địa phương vùng khó khăn, miền núi, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ cho đổi mới chương trình GDPT.

Đối với Bộ Tài chính, Sở GD&ĐT Hòa Bình đề nghị tăng cường hướng dẫn, triển khai công tác xây dựng, thẩm định giá và công tác lập dự toán trong hoạt động đầu tư mua sắm tài sản công nói chung, trang thiết bị giáo dục nói riêng.

Khắc phục khó khăn về thiết bị dạy học, một trong những giải pháp được Trường Tiểu học Lâm Xa thực hiện là kêu gọi xã hội hóa. Từ nguồn này, trường trang bị thêm 5 tivi cho các lớp học. Đồng thời, hằng năm trường phát động giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ yêu cầu.

“Nhà trường có 1 điểm lẻ, cách điểm chính khoảng 4km. Máy tính phục vụ dạy học môn Tin mới chỉ được trang bị ở điểm trường chính. Bởi vậy, buổi học có môn Tin, phụ huynh phải đưa trẻ từ điểm lẻ đến điểm chính để học. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường trên địa bàn huyện”. Thầy Nguyễn Văn Long thông tin và bày tỏ mong muốn: Trường sớm được đầu tư đủ về trang thiết bị, con người để phục vụ tốt công tác dạy học.

Phần lớn trường học trên địa bàn chưa được trang bị thiết bị dạy học tối thiểu lớp 12. Nêu thực trạng, thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) chia sẻ: Dù sở GD&ĐT rất quan tâm nhưng quy trình mua sắm đòi hỏi kinh phí lớn và nhiều thời gian.

Trước mắt, nhà trường yêu cầu giáo viên tận dụng tối đa công năng các phòng Ngoại ngữ, Tin học,… và thiết bị hiện có; đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT, khai thác sử dụng kho học liệu ảo, nguồn tài nguyên phong phú từ Internet nhằm tăng tính trực quan cho học sinh dễ tiếp thu kiến thức.

Nhà trường đồng thời chủ động trang bị một số thiết bị đơn giản, mua hoá chất để thực hiện thí nghiệm biểu diễn, thực hành ở các môn Hoá học, Sinh học. Phát động tổ/nhóm chuyên môn làm đồ dùng dạy học dùng chung cho các chuyên đề, khối lớp; chỉ đạo giáo viên đầu tư nghiêm túc xây dựng kế hoạch bài dạy đảm bảo yêu cầu giáo dục trong khi chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị tối thiểu. Nhà trường cũng tiếp tục rà soát, đề xuất để được trang bị kịp thời, đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu, đảm bảo điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Theo Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước thấp, trung bình chỉ đạt 54,3%. Việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương rất khó khăn. Thiết bị chuyên dùng tại phòng học bộ môn Ngoại ngữ, Tin học còn thiếu; nhiều thiết bị đã cũ, chưa được bổ sung kịp thời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Lê Khánh

Đặt cược vào học thêm?

GD&TĐ - Trong những ý kiến trái chiều về dạy thêm học thêm, có lẽ không ít người đã đặt cược tất cả vào học thêm.