Loạt cán bộ cấp cao trục lợi trên nỗi đau của đồng bào mùa covid

GD&TĐ - Trong kết luận điều tra, cơ quan công an đã làm rõ hành vi và số tiền nhận hối lộ của nhiều cán bộ cấp cao.

Chuyến bay 'giải cứu' là chính sách tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Chuyến bay 'giải cứu' là chính sách tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 54 bị can có liên quan đến vụ án Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.

Nhận hàng chục tỷ để “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp

Trong số này, có 21 bị can bị đề nghị truy tố về tội danh Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự (BLHS); 4 bị can bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 BLHS; 23 bị can cùng bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ quy định tại Điều 364 BLHS; 4 bị can cùng bị đề nghị truy tố về tội Môi giới hối lộ quy định tại Điều 365 BLHS và một số bị can khác bị đề nghị truy tố về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định truy nã bị can Trần Thị Hà Liên (lao động tự do) về tội Môi giới hối lộ.

Cơ quan điều tra đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vụ án cũng liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong cả trong và ngoài nước.

Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.

Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và làm giảm sút lòng tin của nhân dân...

54 bị can bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố đáng chú ý có sự góp mặt của nhiều quan chức cấp cao. Trong số này, có hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là ông Tô Anh Dũng và ông Vũ Hồng Nam. Hai bị can này cùng bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 BLHS.

Theo kết luận điều tra, ông Tô Anh Dũng có nhiệm vụ phê duyệt tổ chức kế hoạch chuyến bay “giải cứu” trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự rồi gửi đến các thành viên trong tổ công tác thuộc 5 bộ để xin ý kiến.

Ông Dũng bị cáo buộc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách chuyến bay “giải cứu”. Cơ quan điều tra xác định cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng từ đại diện các doanh nghiệp được hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép thực hiện các chuyến bay.

Về hành vi phạm tội của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, cơ quan điều tra xác định trong quá trình làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nam đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ với số tiền 60.000 USD và 450 triệu đồng (tương đương tổng số tiền 1,8 tỷ đồng) nhằm giúp Công ty Nhật Minh bán vé máy bay và nơi ở tại khách sạn lưu trú cho 6 chuyến bay đưa công nhân từ Nhật Bản về Việt Nam.

Theo kết luận, trong giai đoạn điều tra, hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được đánh giá đã khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan công an. Ông Dũng được xác định đã nộp khắc phục 2 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Nam nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ.

“Ăn tiền” theo “đầu người”

Trong số 54 bị can bị đề nghị truy tố có nhiều quan chức cấp cao. Từ trái sang phải là 2 cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là ông Tô Anh Dũng, ông Vũ Hồng Nam và bị can Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên).

Trong số 54 bị can bị đề nghị truy tố có nhiều quan chức cấp cao. Từ trái sang phải là 2 cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là ông Tô Anh Dũng, ông Vũ Hồng Nam và bị can Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên).

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định bị can có hành vi nhận hối lộ nhiều nhất với số tiền lên đến 42,6 tỷ đồng là bị can Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên).

Theo cáo buộc, với vai trò là thư ký, giúp việc cho Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bị can Phạm Trung Kiên đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để yêu cầu các doanh nghiệp phải chung chi số tiền từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng/khách, hoặc 100 triệu đồng - 200 triệu đồng/chuyến bay, hay 7 triệu đồng - 15 triệu đồng/khách lẻ.

Ngoài ra, kết luận của cơ quan điều tra cho hay, bị can Phạm Trung Kiên còn cùng bị can Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) yêu cầu, gợi ý chỉ dẫn để doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay, trả lời kịp thời văn bản và ngược lại.

Thời gian từ tháng 7/2021 đến 11/2021, bị can Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ hơn 180 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng từ 19 cá nhân, đại diện các doanh nghiệp.

Trong đó, việc nhận tiền hối lộ được bị can này nhiều lần thực hiện ở trụ sở Bộ Y tế hoặc yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ngân hàng của mẹ vợ Kiên. Quá trình điều tra, Phạm Trung Kiên thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã liên hệ, trả lại 12,2 tỷ đồng cho đại diện các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

Cũng nằm trong số các bị can bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ còn có Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng). Theo kết luận điều tra, Nguyễn Quang Linh khi giữ vai trò là Trợ lý của Phó Thủ tướng, có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Phó Thủ tướng phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công vụ, ông Linh đã giúp Công ty Lữ Hành Việt, Công ty ATA, Investco được phê duyệt nhiều chuyến bay khi chưa có sự thống nhất, đề xuất của tổ công tác 5 bộ.

Kết quả điều tra xác định, bị can Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ của Công ty Lữ Hành Việt và bị can Nguyễn Mai Anh tổng số tiền 180.000 USD và 100 triệu đồng (tương đương trên 4,2 tỷ đồng). Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Quang Linh nhận thức được hành vi phạm tội. Gia đình bị can đã nộp khắc phục số tiền trên 4,4 tỷ đồng.

Trong kết luận điều tra, ngoài những cái tên trên, cơ quan công an đã làm rõ hành vi và số tiền nhận hối lộ của nhiều cán bộ cấp cao khác. Đơn cử như bị can Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ) nhận hối lộ hơn 2,3 tỷ đồng; bị can Nguyễn Tiến Thân và Nguyễn Mai Anh cùng là chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ với số tiền lần lượt là hơn 1,3 tỷ đồng và hơn 2,8 tỷ đồng; bị can Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng; bị can Đỗ Hoàng Tùng (Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) nhận hối lộ hơn 12,2 tỷ đồng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ