Nhưng cùng với sự thay đổi của loài người, Trái đất lại phải chịu đựng những hệ lụy hết sức tiêu cực. Đặc biệt là giai đoạn đầu thế kỷ 20 khi con người đạt được sự bùng nổ về khoa học công nghệ, tác động của chúng ta đối với Trái đất là cực kỳ lớn.
Trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu bị đẩy nhanh tốc độ, động vật tuyệt chủng hàng loạt... và vô vàn những hệ lụy khác nữa.
Và mới đây, một nhiếp ảnh gia đã cho công bố những tấm hình về sự thay đổi của các dòng sông băng tại Thụy Sĩ. Chỉ trong vòng hơn 100 năm, tất cả những gì còn lại chỉ là 2 chữ: Xót xa.
Tấm hình về dòng sông băng Trient Glacier năm 1891 - 8/2019.
Được biết, Thụy Sĩ vốn là đất nước sở hữu rất nhiều sông băng (băng hà - glacier). Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, hơn 500 băng hà đã chính thức biến mất, và theo như thông báo của chính phủ thì 90% số còn lại (khoảng 1500 sông băng) sẽ có chung số phận vào cuối thế kỷ 21.
Khi sông băng biến mất, mực nước sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Ban đầu, nước sẽ dâng lên trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài sẽ rút xuống, cạn khô và trơ trọi.
Chính phủ Thụy Sĩ hiện đang lo sợ rằng sông băng biến mất sẽ khiến cảnh quan thay đổi, núi bị sạt lở, kéo theo hàng loạt hệ lụy kinh khủng đối với nền kinh tế của đất nước.
Một trong những "nạn nhân" sớm nhất của quá trình này là khách sạn Belvédère nổi tiếng, được xây dựng vào năm 1882 trên một sườn núi thơ mộng.
Cuối thế kỷ 19, khách sạn này là nơi tổ chức những buổi tiệc đình đám, thậm chí còn được sử dụng làm bối cảnh trong một số bộ phim nổi tiếng. Âu cũng nhờ vào cảnh quan ngập băng tuyết trắng tinh khôi.
Một trong những "nạn nhân" đầu tiên của băng tan là khách sạn nổi tiếng Belvédère. Ảnh chụp năm 1938 - 2019.
Thời đó, du khách đến với Belvédère không chỉ được tận hưởng buổi sáng trong lành ngắm nhìn sông băng, mà còn có thể tự mình bước xuống thông qua một cây cầu bằng gỗ do con người xây nên.
Tuy nhiên, Belvédère đã phải đóng cửa sau khi lượng băng trên núi rút đi 2km. Và giờ, những gì còn lại chỉ là một tòa nhà hoang phế, chẳng còn ai lui tới.
Cảnh quan xung quanh Belvédère cũng có sự thay đổi cực kỳ rõ rệt.
Giữa thế kỷ 19, một người đứng trên ngọn đồi của khách sạn có thể chứng kiến lượng băng dày đến 100m. Còn giờ đây, cũng tại vị trí ấy, những sinh vật ăn cỏ đứng oai nghiêm, nhởn nhơ gặm chút lá cây xanh mướt. Băng giá đã đi hết rồi.
Theo các chuyên gia khí tượng, Thụy Sĩ là nơi phải chịu đựng hiện tượng Trái đất nóng lên với cường độ cao gấp 2 lần so với trung bình.
Matthias Huss từ viện theo dõi băng hà GLAMOS cho biết chỉ trong năm 2018, các dòng sông băng ở đây đã mất đi 2% thể tích, dựa trên các dữ liệu kéo dài hơn 150 năm qua.
"Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến tốc độ băng tan nhanh đến như vậy kể từ khi hệ thống được thành lập" - Huss chia sẻ.
Tấm hình chụp vào cuối thế kỷ 19, về một người đàn ông ngồi phía trước sông băng Aletsch. Giờ đây, lượng băng bị tách biệt thành 2 khu riêng.
Được biết, các bức hình trên do nhiếp ảnh gia của tờ Reuters - Denis Balibouse thực hiện. Chính bản thân ông cũng ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh quan đã khác biệt đến mức nào.
"Băng hà Aletsch dài 20km. Những hòn đá vẫn ở đó, nhưng thảm thực vật đã thế chỗ cho băng giá rồi".
Tại sông băng Trient, Balibouse nhận ra rừng cây đã thay thế tất cả.
"Một dòng sông băng rút mất 200m độ dày và độ bao phủ giảm 3km trong vòng 150 năm. Thực sự quá sốc khi chứng kiến ngần ấy băng biến mất."
Hiện tại, người Thụy Sĩ đang đặt hy vọng rằng sẽ có một chính sách cho phép tạo ra sự khác biệt được đưa ra trong năm nay. Ngoài ra, một số tổ chức cũng đứng ra kêu gọi các hành động bảo vệ môi trường từ người dân và chính phủ, với 100.000 người cùng đứng ra ký vào bản kiến nghị yêu cầu điều đó.