Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện nay, đang có khoảng trống pháp lý liên quan đến hoạt động bán hàng online trên không gian mạng đối với thuốc chữa bệnh.
Phải có cơ quan nào đó chịu trách nhiệm
Phần lớn người mua thuốc online đều có tâm lý muốn sự thuận tiện, ngại phải đến gặp bác sĩ hoặc có bệnh muốn “vái tứ phương”. Thậm chí, nhiều trường hợp còn tin vào tác dụng “thần kỳ” của các loại thuốc ngoại dưới dạng hàng xách tay, hay thuốc Nam, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.
Luật Dược năm 2016 quy định, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Song, thực tế, thuốc đang được bán tràn lan trên mạng.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thuốc là đối tượng điều chỉnh liên quan đến sức khoẻ con người. Việc kinh doanh online là phương thức bán hàng, nhưng bị cấm. Luật sư Thiệp cho rằng, phải có cơ quan nào đó chịu trách nhiệm về việc này.
“Về cơ bản, phải có quy định pháp luật, chỉ ra cơ quan chủ trì. Cần tìm chứng cứ điện tử xác thực xem ai bán thuốc online, kho bãi ở đâu, dùng phương tiện nào. Cần có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an để kiểm tra xử lý, Bộ Công Thương, quản lý thị trường. Phải có quy định và giao đầu mối để xử lý vấn đề này. Về nguyên tắc, phải phát hiện thì mới xử lý được sai phạm”, chuyên gia pháp lý nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Thiệp, rõ ràng là chúng ta khuyến khích phát triển thương mại điện tử. Bởi hiện nay, có nhiều hàng hoá được kinh doanh thông qua phương thức này. Tuy nhiên, với thuốc, cũng như hoạt động khám chữa bệnh, phải dựa trên dấu hiệu lâm sàng, tìm ra nguyên nhân phát sinh bệnh tật. Bên cạnh đó, việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân còn liên quan đến công tác thống kê, đưa ra dự báo khoa học, phòng dịch.
“Chúng ta khuyến khích kinh doanh qua thương mại điện tử, nhưng phải xác định tính đặc thù của hoạt động khám chữa bệnh. Thực tiễn là, những gì liên quan đến pháp luật, phải tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là vấn đề bảo vệ sức khoẻ người dân. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần triển khai, đánh giá, nghiên cứu để đưa ra quy định liên quan đến vấn đề này”, luật sư Thiệp cho biết.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội dẫn chứng, theo quy định của pháp luật hiện nay, việc bán thuốc theo đơn không được bán online.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, thương mại điện tử thì hiện tượng bán hàng online, trong đó có cả bán thuốc kê đơn diễn ra khá phổ biến. Trước tình hình đó, cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra quy định phù hợp đảm bảo an toàn cho người dân, thuận lợi cho công tác quản lý và phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ thời đại công nghiệp cách mạng lần thứ tư.
Theo chuyên gia này, cùng với sự phát triển của xã hội thì mở rộng không gian kinh doanh lên môi trường mạng là xu hướng tất yếu. Rất nhiều loại hàng hóa dịch vụ đã được phát triển theo hướng thương mại điện tử. Đây là xu hướng chung của xã hội khi kết nối toàn cầu và các dịch vụ trên không gian mạng phát triển.
Việt Nam đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh trên không gian mạng như luật quảng cáo, luật an ninh mạng, luật giao dịch điện tử… Tuy nhiên, y dược là lĩnh vực đặc thù. Bởi vậy, những hoạt động quảng cáo về khám chữa bệnh, về thuốc cũng như bán thuốc trên không gian mạng cần có sự quản lý của cơ quan Nhà nước.
Bảo đảm tính khả thi trong quản lý
Cũng theo luật sư Cường, nếu đối chiếu với các quy định pháp luật hiện nay thì những hành vi này là không được phép và đang có khoảng trống pháp lý liên quan đến hoạt động bán hàng online trên không gian mạng đối với thuốc chữa bệnh.
Bởi vậy, khi sửa đổi Luật Dược lần này, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc quy định bán thuốc chữa bệnh theo hình thức online. Khi đưa ra quy định này thì đồng nghĩa với việc phải đảm bảo tính khả thi trong công tác quản lý và vận dụng những mặt tích cực của thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, cũng như trong công tác quản lý của lĩnh vực y dược.
Cần phải có những nghiên cứu, số liệu cụ thể về hoạt động kinh doanh thuốc online, nhu cầu kinh doanh thuốc online cũng như nhu cầu mua thuốc chữa bệnh online của người dân. Đồng thời, đánh giá những tác động đối với xã hội và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có quyết định phù hợp.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, bán hàng online là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ. Tuy nhiên, y dược là lĩnh vực đặc thù, quản lý hoạt động quảng cáo thuốc và bán thuốc, hoạt động khám chữa bệnh trong đời sống xã hội hiện nay cũng là một công việc khá khó khăn.
Những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y dược xảy ra rất nhiều, nhiều lúc nhiều nơi, khó kiểm soát. Nếu quy định ngay việc bán hàng online thuốc chữa bệnh nhưng không có sự chuẩn bị về nhân lực, phương tiện, phương pháp, cách thức để quản lý trên không gian mạng thì có thể đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người bệnh, ảnh hưởng đến an toàn xã hội. Bởi vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thực trạng để có giải pháp quản lý tốt hơn việc bán thuốc chữa bệnh trên không gian mạng.
“Trước mắt, khi chưa có quy định cho phép bán thuốc chữa bệnh kê đơn online thì cơ quan chức năng cần tuyên truyền để các hiệu thuốc, cơ sở y tế và người dân tuân thủ quy định của pháp luật về bán thuốc chữa bệnh.
Kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm luật dược, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng khi còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Về nguyên tắc, mọi tổ chức cá nhân đều tuân thủ các quy định của pháp luật, không thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm, đặc biệt là trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Bởi vậy, với các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh mà vi phạm quy định về quản lý thuốc, bán thuốc thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Thực tế, Luật Dược hiện hành và Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược chưa quy định các vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc online hay qua sàn thương mại điện tử.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Dược 2016, muốn kinh doanh dược phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Để có được giấy này, cơ sở kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự theo quy định. Tuy nhiên, khi kinh doanh online thì rất khó có thể kiểm soát được việc này.
Chiều 26/6, thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho rằng, tuyệt đối không nên đưa thuốc kê đơn vào danh mục phân phối qua thương mại điện tử. Bởi, bán thuốc online có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là thuốc giả, kém chất lượng. Cũng theo đại biểu, trên không gian mạng, các nội dung của Dự thảo Luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi. Đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.