Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Tây Ban Nha chỉ ra con người có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài sư tử hang động (Panthera leo spelaea), theo Independent. Sư tử hang động là sinh vật đáng sợ thời tiền sử, có thể dài tới 3,5 mét, nhưng đã tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm.
Trong báo cáo công bố trên tạp chí PLOS One, nhóm nghiên cứu do Marián Cueto ở Đại học Cantabria đứng đầu, phân tích 9 mẩu xương ngón chân sư tử hóa thạch tìm thấy trong hang động ở tỉnh La Garma phía bắc Tây Ban Nha.
Họ phát hiện phần lớn mẫu xương có dấu hiệu chịu lực tác động của công cụ đá. Những thợ săn thời Đồ đá có thể đã dùng công cụ để lột da con vật nhưng vẫn giữ phần móng gắn liền với da lông.
Hang La Garma ở phía bắc Tây Ban Nha.
Theo Cueto, cả 9 mẩu xương ngón chân đều thuộc cùng một con sư tử hang động. "Con sư tử có thể đã bị lột da và lông để phủ lên sàn hang hoặc kết cấu nào đó. Vị trí những vết cắt và dấu tích cạo cho phép chúng tôi suy luận quá trình này do người có kinh nghiệm và hiểu biết về mổ xác động vật thực hiện" - Cueto nói.
Những hình vẽ đầu thời Đồ đá trong hang La Garma mô tả sư tử ở vị trí nổi bật, cho thấy tầm quan trọng của loài vật này trong đời sống con người. Cách thần thoại hóa con mồi nguy hiểm này có thể là bằng chứng về tập quán săn và lột da sư tử của người cổ đại, Cueto cho biết.