Loài rắn đa dạng hóa sau sự kiện tuyệt chủng

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới cho thấy, tất cả các loài rắn hiện nay đều tiến hóa từ một số ít loài sống sót sau khi thiên thạch khổng lồ “xóa sổ” khủng long vào cuối Kỷ Phấn trắng.

Rắn có khả năng trú ẩn mà không cần ăn trong thời gian dài.
Rắn có khả năng trú ẩn mà không cần ăn trong thời gian dài.

Các tác giả nghiên cứu cho biết, sự kiện tuyệt chủng này là một hình thức “hủy diệt sáng tạo”. Bởi, loài rắn có thể sống trong các hốc mới - nơi từng bị lấp đầy bởi các đối thủ của chúng.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Đại học Bath (Anh) dẫn đầu và được công bố trên tạp chí Nature Communications. Các nhà khoa học đã sử dụng hóa thạch và phân tích sự khác biệt về gen giữa các loài rắn hiện đại. Sau đó, họ tái tạo lại quá trình tiến hóa của rắn. Các phân tích đã giúp xác định chính xác thời gian mà loài rắn hiện đại tiến hóa.

Kết quả cho thấy, tất cả rắn hiện nay đều có nguồn gốc từ một số ít loài sống sót sau vụ va chạm với tiểu hành tinh cách đây 66 triệu năm. Các tác giả cho rằng, với khả năng trú ẩn dưới lòng đất trong thời gian dài mà không cần thức ăn, rắn có thể sống sót sau tác động của vụ va chạm. Sau đó, các đối thủ tuyệt chủng và cho phép rắn mở rộng môi trường sống.

Rắn sau đó bắt đầu đa dạng hóa, sinh ra các giống như rắn hổ mang, rắn lục, trăn... Sự đa dạng ngày nay của rắn chỉ xuất hiện sau khi khủng long tuyệt chủng.

“Thật đáng chú ý, bởi vì chúng không chỉ sống sót sau sự kiện tuyệt chủng xóa sổ rất nhiều loài động vật khác. Trong vòng vài triệu năm sau đó, chúng đã đổi mới, sử dụng môi trường sống theo những cách mới”, Tiến sĩ Catherine Klein - tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy, rắn bắt đầu xuất hiện trên toàn cầu vào khoảng thời gian các sinh vật khác tuyệt chủng từ vụ va chạm.

Tiến sĩ Nick Longrich thuộc Trung tâm Tiến hóa Milner tại Đại học Bath, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, sự tuyệt chủng hoạt động như một hình thức “hủy diệt sáng tạo” bằng cách xóa sổ các loài cũ.

Đồng thời, cho phép những loài sống sót khai thác các khoảng trống trong hệ sinh thái, thử nghiệm lối sống và môi trường sống mới”.

Cũng theo Tiến sĩ Longrich, đây có thể là một đặc điểm chung của quá trình tiến hóa. Nghiên cứu cũng tìm ra bằng chứng cho sự kiện đa dạng hóa lớn thứ hai.

Cụ thể, khoảng thời gian đó, thế giới chuyển từ khí hậu “nhà kính” ấm áp sang “nhà băng” lạnh giá và bắt đầu Kỷ Băng hà. Các hình thái ở rắn được cho là đã chứng minh vai trò quan trọng của các thảm họa trong việc thúc đẩy sự thay đổi tiến hóa.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.