Loài nào có khứu giác nhạy nhất?

GD&TĐ - Bên cạnh vẻ ngoài đặc biệt, mũi voi được các nhà khoa học chứng minh là nhạy nhất trong thế giới động vật.

Loài nào có khứu giác nhạy nhất?

Theo trang The Telegraph, trong thế giới động vật, có lẽ mũi loài voi là đặc biệt nhất cả về độ dài, kích thước, lỗ mũi rộng và khả năng chuyển động linh hoạt. 

Không những thế, khả năng ngửi mùi của chúng cũng thuộc hàng "siêu đỉnh" trong thế giới động vật.

Năm 2014, ĐH Tokyo, Nhật thực hiện nghiên cứu trên 13 loài động vật có vú nổi tiếng khứu giác nhạy nhất hành tinh, trong đó có cả con người.

Kết quả cho thấy voi châu Phi có đến 2.000 gen khứu giác, gấp 2 lần số gen khứu giác ở loài chó nhà và 5 lần ở người, đồng thời "ăn đứt" kỷ lục gia trước đây là loài chuột với 1.200 gen khứu giác.

Một nghiên cứu khác công bố năm 2012 cũng của các nhà khoa học ĐH Tokyo đăng trên tạp chí NCBI cho biết loài voi có thể ngửi mùi để phân biệt 2 bộ tộc khác nhau ở Kenya: bộ tộc Maasai - nhóm người trong quá khứ thường săn bắn voi, và bộ tộc Kamba vốn khá thân thiện với voi.

Kết quả, dù ngày nay bộ tộc Maasai không còn làm hại voi nhưng chúng vẫn ghi nhớ mùi của họ và tránh xa như một bản năng.

Trang The New York Times cho biết mới đây, các nhà khoa học tiếp tục thực hiện một nghiên cứu khác để góp thêm bằng chứng chứng minh voi là loài có khứu giác siêu đẳng nhất thế giới động vật.

Nghiên cứu lần này tập trung vào khả năng xác định và phân biệt thức ăn của voi, nhất là ở khoảng cách xa.

Melissa Schmitt - nhà khoa học thuộc ĐH KwaZulu-Natal, Nam Phi cho biết ngoài tự nhiên, loài voi thường phải di chuyển những quãng đường dài để tìm thức ăn và nguồn nước. Chính khứu giác của voi giúp chúng làm được điều này.

Trong thí nghiệm thứ nhất, Melissa dùng 2 thùng đậy nắp chứa 2 loại thức ăn khác nhau bên trong. Voi dễ dàng xác định được loại thức ăn mà chúng thích như những quả lê rừng mọng nước và luôn tránh những loại quả chúng cực ghét như ô liu.

Thí nghiệm thứ 2 phức tạp hơn. Nhóm nghiên cứu xây dựng một mê cung hình chữ Y thường dùng cho những bài thử nghiệm với chuột nhưng nâng cấp với kích thước lớn và dài để phù hợp với loài voi.

Trong mê cung, voi sẽ xuất phát ở đáy chữ Y, 2 loại thức ăn sẽ đặt ở 2 nhánh còn lại. Kết quả, trong tất cả những lần thí nghiệm, voi luôn tìm ra chính xác 100% loại thức ăn mà chúng thích.

Melissa cho biết nghiên cứu kết hợp với những kết quả trước đây về voi cho thấy rõ ràng khứu giác ở loài thú lớn nhất trên cạn này là tốt nhất thế giới hiện nay.

Theo Tuổi trẻ/The Telegraph

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.