Loài hoa mê hoặc Ai Cập

GD&TĐ - Trên tường lăng mộ và tranh vẽ của Ai Cập ở thời cổ đại, thường xuyên xuất hiện 'hoa sen xanh'.

Ai Cập cổ đại xem hoa súng là biểu tượng trường sinh, bất tử. Ảnh: Ancient-origins.net
Ai Cập cổ đại xem hoa súng là biểu tượng trường sinh, bất tử. Ảnh: Ancient-origins.net

Người Ai Cập tin loài hoa này “ngoi lên khỏi mặt nước lúc bình minh và lặn xuống khi Mặt trời lặn”, không chỉ “linh thiêng như thần” mà còn chữa khỏi bách bệnh.

“Hoa Mặt trời”

Ngày nay, “hoa sen xanh” vẫn được trồng khắp Ai Cập. Giới khoa học gọi nó bằng cái tên Nymphaea nouchali, còn chúng ta gọi nó là hoa súng Ai Cập.

Hoa súng Ai Cập là cây thủy sinh nước ngọt, có mặt ở hầu hết các ao đầm tự nhiên thuộc nửa phía Đông của châu Phi, một phần miền Nam của Ả Rập và rải rác toàn cầu.

Đặc trưng của hoa súng Ai Cập là khả năng sinh trưởng mạnh mẽ. Chỉ cần có bùn để bám rễ và nước, chúng phát triển tốt cả trong điều kiện thiếu chất dinh dưỡng và nghèo oxy.

Lá cây hoa súng Ai Cập hình tròn hoặc gần tròn, đường kính từ 8 - 35cm, xẻ chữ V hẹp, mặt trên nhẵn, mặt dưới có đường gân màu tía hoặc đỏ, cuống dài và xốp. Hoa của hoa súng Ai Cập có khá nhiều màu như trắng, phớt hồng… nhưng chủ yếu là màu xanh lam. Vì thế, nó mới có biệt danh là “hoa sen xanh”.

Nụ hoa súng Ai Cập mọc ra từ thân, vươn cao khỏi mặt nước rồi mới nở. Tuy nhiên, khác với ghi chép “ngoi lên khỏi mặt nước lúc bình minh và lặn xuống khi Mặt trời lặn” của tư liệu tôn giáo Ai Cập cổ đại, nụ hoa này bung cánh vào khoảng 9 giờ 30 phút sáng và khép cánh vào tầm 3 giờ chiều. Sau 2 - 3 ngày, hoa mới tàn và “lặn xuống nước”.

Quả của chúng lớn lên trong nước, khi chín tự rã nát, làm hạt nổi lên và trôi đi xa. Sau ít thời gian, hạt sẽ chìm và từ từ nảy mầm. Ở những khu vực có mùa Đông, hoa súng Ai Cập bị lụi lá khi giá rét nhưng không chết gốc. Ở các khu vực chỉ 2 mùa, loài này có hoa quanh năm. Về cơ bản, nó giống hệt như bất cứ loài hoa súng nào mà bạn từng thấy.

Trong tâm thức người Ai Cập cổ đại, giờ giấc nở hoa và khép cánh của hoa súng Ai Cập giống như Mặt trời. Vì thế, họ xem nó như “đại diện của Mặt trời” và đặt cho biệt danh linh thiêng, “Hoa Mặt trời”.

Hoa súng chứa chất gây ảo giác nguy hiểm, khiến người tiêu thụ bị say và nghiện. Ảnh: YouTube

Hoa súng chứa chất gây ảo giác nguy hiểm, khiến người tiêu thụ bị say và nghiện. Ảnh: YouTube

“Ma túy” của giới thượng lưu

Hoa súng Ai Cập thuộc loại cây lâu năm, được người Ai Cập xem như biểu tượng của sự trường sinh và bất tử. Theo nghiên cứu khảo cổ, từ khoảng 4.000 năm trước, nó đã được người Ai Cập trồng trên diện rộng với mục đích lấy hoa, sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và nghi thức cung đình.

Người Ai Cập tin, hoa súng là “hoa linh”, giúp mở lối và dẫn đường sang thế giới bên kia. Một số pharaoh, sau khi qua đời và được ướp xác, đã được phủ kín bằng cánh hoa súng.

Bên cạnh lý do tín ngưỡng, người Ai Cập còn say mê hoa súng vì hương thơm quyến rũ. Đặc biệt, khi đem hoa súng ủ thành trà hoặc rượu thì ngoài mùi thơm, họ còn lấy được “thần dược” trị bách bệnh, từ chứng mất ngôn ngữ đến đau đầu, trầm cảm, mất ngủ…

Theo Ai Cập sinh tử kỳ thư (cuốn sách cổ được xem như bách khoa toàn thư về Ai Cập cổ đại) và Cuộn cói Ebers (ghi chép kiến thức dược học cổ, chứa 800 công thức điều chế và phương pháp điều trị bệnh tật bằng thảo dược), rượu “hoa sen xanh” là thần dược quý giá nhất.

Nghiên cứu khoa học hiện đại chỉ ra, trong hoa của hoa súng Ai Cập có 2 chất giảm đau và gây ảo giác, apomorphin và nuciferine. Khi được sử dụng với liều lượng thích hợp, nó quả thật có tác dụng hạn chế cơn đau, giúp ngủ sâu, thậm chí góp phần chữa rối loạn cương dương.

Y học Ai Cập cổ đại là sự kết hợp của thuốc men điều chế từ thảo dược, phép thuật và tôn giáo. Hoạt động chữa bệnh giống như trừ tà, cầu khẩn thần linh kết hợp với uống thuốc.

Trong Ai Cập sinh tử kỳ thư, hầu hết các chương nói về “hoa sen xanh” đều liên kết với tôn giáo, ghi nhận chiết xuất của loài hoa này giúp “thoát xác, giác ngộ, bước vào thế giới thần linh”.

Người Ai Cập say mê mùi thơm quyến rũ của hoa súng, thích điều chế thành nước hoa. Ảnh: Ancient-origins.net

Người Ai Cập say mê mùi thơm quyến rũ của hoa súng, thích điều chế thành nước hoa. Ảnh: Ancient-origins.net

Ngoài “hoa sen xanh”, Ai Cập còn là vùng đất của “hoa sen trắng” - Nymphaea lotus, loài hoa súng có hàm lượng các chất gây ảo giác cao chỉ sau Nymphaea nouchali. Nếu “hoa sen xanh” đại diện cho thần lực thì “hoa sen trắng” tượng trưng cho quyền lực. Người Ai Cập cũng trồng và thu hoạch hoa này làm “thần dược”.

Giải mã các tranh khắc, vẽ của Ai Cập thời cổ đại cho thấy, giới tư tế và hoàng gia sử dụng rượu hoa súng rất nhiều. Bên ngoài Ai Cập, cũng có tác phẩm văn học cổ nhắc đến công dụng của “hoa sen xanh” là sử thi “Odyssey” của Homer. Nội dung đại khái, sau khi ăn phải hoa này, Odysseus thấy tứ chi bải hoải, tinh thần chán nản, quyết định từ bỏ chiến đấu với các vị thần Hy Lạp và trở về Ithaca.

Hiện tại, hoa súng Ai Cập và các giống lai tạo từ nó có mặt khắp toàn cầu. Vì tính năng gây nghiện, chiết xuất hoa súng Ai Cập bị cấm ở một số quốc gia như Latvia, Ba Lan, Nga… Người vi phạm có khả năng bị phạt tới 15 năm tù giam.

Theo ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ