Loài cá đặc biệt dành cúng tất niên

GD&TĐ - Trường Sơn bao la có vùng rừng núi thuộc địa phận huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang (Quảng Nam) được xem là 'thủ phủ' của cá niên (cá liêng).

Cá niên tươi. Ảnh: Họa Mi.
Cá niên tươi. Ảnh: Họa Mi.

Cá niên nhỏ khoảng 2 ngón tay, thân hơi lép, có màu trắng bạc, ngon nhất vào mùa Hè và mùa Xuân.

Chúng thích sống ở đoạn suối nước chảy xiết, nhất là đoạn có thác, ghềnh nên việc đánh bắt tương đối khó. Ngoài câu ra, người Cơ Tu có thể bắt cá niên bằng lưới, hoặc “suốt” cá bằng các loại rễ cây trong rừng.

Cá niên nướng cúng tất niên. Ảnh: Tiên Sa.

Cá niên nướng cúng tất niên. Ảnh: Tiên Sa.

Cư dân miền núi quê tôi cho rằng, không có gì tuyệt vời hơn trên bàn thờ tổ tiên, ông bà vào dịp cúng tất niên có món cá niên nướng mộc được xiên vào những cây que tre cắm trên nồi hương. Họ quan niệm, cúng cá niên sẽ được hên, may mắn cả niên (năm).

Ngày trước khi cá niên còn nhiều, đồng bào thường chặt cây chẹo, cây nghể... giả dập và mang lên đầu nguồn các dòng suối để thả xuống dòng nước. Các loại cá, trong đó có cá niên vừa “say thuốc”, vừa cay mắt bơi vòng vèo trên mặt nước, người đứng dưới suối chỉ dùng vợt để vớt…

Đĩa cá niên xông khói kho với thiên niên kiện. Ảnh: Tiên Sa.

Đĩa cá niên xông khói kho với thiên niên kiện. Ảnh: Tiên Sa.

Già làng Đinh Văn Bớt (78 tuổi, trú thôn Đha Mi, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, món đặc biệt của cá niên trong ngày Tết là kho với bẹ cây thiên niên kiện (môn thục). Ăn món này sẽ khỏe mạnh và “ngàn năm tráng kiện”, nhất là đầu năm mới ăn món này “tráng kiện” cả năm.

Cá niên phơi khô (đóng gói) bán cho du khách. Ảnh: Tiên Sa.

Cá niên phơi khô (đóng gói) bán cho du khách. Ảnh: Tiên Sa.

Cá niên ngày càng khan hiếm do bị săn lùng ráo riết. Khi không có cá niên tươi, nhiều người mua cá niên khô về làm các món cúng tất niên với ước mong sang năm mới làm ăn được hanh thông, may mắn, bình an, mạnh khỏe…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ