Tục vốch zong của người Cơ Tu: Trước nguy cơ mai một

GD&TĐ - Người Cơ Tu xưa nay thường kết hôn muộn. Đến khoảng 30 tuổi, vợ chồng mới làm lễ ăn giùm (pa’zum), người Kinh gọi là “động phòng”. Tuy vậy, trước khi lập gia đình, trai gái Cơ Tu có tục đi sim (vốch zong) với bạn tình. Người Cơ Tu coi nam nữ nào có nhiều ch’ roonh (bạn tình) thì người đó được dân làng coi là tai trài gái sắc, có tiếng tăm và được nhiều người biết đến.

“Rửa tay”, một trong các nghi thức trong lễ cưới của người Cơ Tu
“Rửa tay”, một trong các nghi thức trong lễ cưới của người Cơ Tu

Phong tục lâu đời

Vốch zong là nét văn hoá tuyệt đẹp, hấp dẫn của trai gái Cơ Tu. Vốch zong là “đặc quyền” của thanh niên chưa vợ, chưa chồng. Khi đến tuổi trưởng thành, trai gái có quyền tự do tìm hiểu nhau bằng hình thức đi sim.

Trai gái có thể thoải mái ngồi, nằm tâm sự suốt đêm trên nhà moong hoặc bờ suối, chòi trên nương rẫy… nhằm biểu lộ tình cảm lứa đôi. Việc đi sim này được đôi bên gia đình và dòng tộc ủng hộ, tạo cho họ môi trường yên tĩnh, không ai quấy rầy. Trai gái, lúc cao hứng có thể âu yếm, vuốt ve nhau theo phương thức “dưới không nên, trên thoải mái”.

Con trai người Cơ Tu đi sim thường mang theo cây đàn tình (abel) để cùng bạn gái vừa chơi đàn vừa hát trong không gian riêng, trữ tình và lãng mạn. Song họ vẫn giữ được sự quan hệ trong sáng, không chàng trai nào vi phạm ngưỡng được quy định của các sơn nữ Cơ Tu.

Người Cơ Tu có câu: Chưa bắt được nhiều thú, giết được cọp, bắn rớt con dộc, bổ dọc cây làm hòm sao vội cưới vợ, đẻ con sớm.

 

Trong quá trình đi sim, nhiều gia đình người nữ rất quý các chàng trai đến nhà. Có gia đình còn mời “chàng” uống rượu, làm gà thết đãi trước khi đi sim với con gái nhà mình. Và nhà trai cũng vậy. Họ cũng tỏ ra quý mến các cô gái và thường dành cho họ cử chỉ thân mật. Theo phong tục, thanh niên nam nữ chưa lập gia đình đều có quyền đi sim. Mỗi người có thể đi sim với nhiều bạn khác giới nhưng các “chàng” phải canh giờ về nhà trước khi trời sáng.

Người Cơ Tu thoải mái trong việc để nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau nhưng họ phản đối việc chửa hoang và ngoại tình. Ngày trước, hôn nhân của người Cơ tu mang tính trao đổi mua bán với người con gái nên con trai lấy vợ phải cho nhà gái nhiều của cải. Nếu quan hệ bất chính (têng tu) thì bị luật tục xử lý nghiêm khắc. Nếu chửa hoang, hình phạt nhẹ nhất cũng phải cúng bằng gà trống lông trắng và ché rượu cần. Thông thường làng phạt phải đủ heo trắng to, dê trắng, trâu trắng. Khi sinh con đẻ cái phải sinh đẻ ngoài rừng đến khi 6 tháng mới được về nhà.

Già làng Alăng Avel thi thoảng mang cây đàn Abel ra chơi cùng bạn gái để nhớ lại một thời trai trẻ, ông đã đi sim

Già làng Alăng Avel thi thoảng mang cây đàn Abel ra chơi cùng bạn gái để nhớ lại một thời trai trẻ, ông đã đi sim

Giới trẻ không còn hào hứng

Già làng Alăng Avel (87 tuổi), ở thôn Tà Làng, xã Bhalêê (Tây Giang – Quảng Nam) cho biết: Bạn tình dễ tìm, nhưng bạn đời để sống trăm năm thì hơi khó, nhất là trai nghèo. Trước đây, người Cơ Tu khi sinh con gái đã có người “đặt cọc” (c’la), coi như đã có chủ.

Người Cơ tu coi con gái là quà quý trong gia đình. Gia đình nào sinh được nhiều con gái là hạnh phúc lớn cho gia đình, dòng họ. Đối với người con trai nghèo, không có của thì rất khó lấy được vợ. Có trường hợp người con trai phải đi “ở rể”(tr’xâl), hoặc họ phải hiến khoảnh rừng hay đoạn sông suối cho nhà gái hay là phải mượn đồ đạc của người khác sau này hứa trả bằng con gái đầu lòng cho chủ nợ. Nếu hai vợi chồng không sinh được con gái thì đời sau con cháu tiếp tục trả món nợ này.

Trường hợp nếu sinh được con gái mà đứa con gái ấy sau này không chịu thì bên chủ nợ đòi lại gấp đôi khi mượn. Trường hợp chủ nợ không có con trai, họ vẫn rước cô gái kia về làm con nuôi và từ đó họ gả cho nhà khác để lấy của. Nếu hai bên thực hiện theo điều thoả thuận trước đây thì nhà trai (chủ nợ) vẫn cưới hỏi bình thường và cho tiếp đồ cho nhà gái (bên nợ) không tính toán những thứ đã cho trước đây…”.

Ngày nay, đồng bào Cơ Tu hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Vì thế, các tập tục lạc hậu, rườm rà về ma chay, cưới xin được bãi bỏ và tục đi sim cũng mất dần trong cộng đồng người Cơ Tu.

“Trai gái bây giờ đến với nhau, không thông qua hình thức đi sim nữa. Chúng nó yêu nhau như trên phim ảnh. Đáng buồn là chiều hướng áp dụng phương châm ngược lại câu “Dưới không nên, trên thoải mái…” của người dân Cơ Tu bao đời nay. Rồi mai sau, khi người già mất đi, chẳng biết phong tục lâu đời của dân tộc có được con cháu lưu giữ”, già làng Alăng Avel lo lắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ