Trường học hạnh phúc là nơi cả cô và trò đều "muốn đến"

GD&TĐ - Trường học hạnh phúc là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác "muốn đến". Nơi đó là gia đình lớn có niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm, là nơi cả thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc.

Môi trường giáo dục thân thiện tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội)
Môi trường giáo dục thân thiện tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội)

3 tiêu chí của trường học hạnh phúc

Theo cô Đào Thị Thúy Bình - giáo viên Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Quận Cầu Giấy, Hà Nội): Trường học hạnh phúc là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác "muốn đến". Nơi đó là gia đình lớn có niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm.

Với khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường đã và đang đồng hành cùng nhau xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên các tiêu chí về trường học hạnh phúc của các tổ chức giáo dục quốc tế, trong đó có 3 tiêu chí quan trọng, cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Về tiêu chí yêu thương, cô Bình cho biết trong những năm qua, giáo viên nhà trường luôn được tham gia những buổi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy học, năng lực ứng xử sư phạm. Ban giám hiệu luôn quan tâm đến đời sống các cán bộ giáo viên, động viên giáo viên yên tâm công tác.

Để các em học sinh cảm nhận được tình yêu thương, thầy cô luôn cố gắng từng ngày để thay đổi mình, từ những điều nhỏ nhất để mang lại những cảm xúc tích cực, vui vẻ cho học trò. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được nhà trường tổ chức giúp cô trò hiểu nhau hơn, giúp các con xích lại gần nhau, biết đoàn kết, yêu thương và chia sẻ hơn. 

Khung cảnh sư phạm là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng không gian hạnh phúc, yêu thương. Những chậu hoa, những cây xanh ngập tràn từ trong lớp đến lối đi hành lang, những khoảng trống trong nhà trường đều được tận dụng để các con vui chơi, tập luyện thể thao. Môi trường thân thiện đã giúp học sinh cảm nhận được sự yên thương trong mỗi ngày đến lớp.

Sự gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường đã có rất nhiều thay đổi. Phụ huynh học sinh đã nhiệt tình tham gia hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động của trường, của lớp. Ban giám hiệu cũng đã thay đổi hình thức cuộc họp phụ huynh toàn trường, tọa đàm chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của giáo viên tới phụ huynh, giúp phụ huynh thấu hiểu và cảm thông hơn.

Về tiêu chí an toàn, đây là tiêu chí quan trọng vì có an toàn thì học sinh mới có thể yên tâm học tập, cha mẹ học sinh yên tâm gửi gắm con em mình. Hiện nay, Trường Tiểu học Dịch Vọng B ngày càng khang trang, hiện đại và an toàn. Ngoài việc đảm bảo an toàn về thể chất, nhà trường cũng đẩy mạnh việc đảm bảo an toàn về tinh thần cho giáo viên và học sinh, trang bị cho học sinh những kĩ năng cần thiết như phòng chống xâm hại tình dục, phòng cháy chữa cháy, phòng tránh tai nạn thương tích...

Về tiêu chí tôn trọng, tôn trọng được thể hiện ở việc các em được lên tiếng, được lắng nghe, được chia sẻ cảm xúc của mình. Giáo viên luôn tôn trọng từng sự khác biệt, khuyến khích sự khác biệt của từng học sinh nhưng phải trong sự thống nhất. Ban giám hiệu luôn lắng nghe những ý kiến phản hồi từ phía giáo viên để có những thay đổi phù hợp.

Học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, được chia sẻ cảm xúc của mình
Học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, được chia sẻ cảm xúc của mình

Cần sự thay đổi từ nhiều phía

Tuy vậy, việc xây dựng trường học hạnh phúc là không hề đơn giản, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều phụ huynh còn ỷ lại nhà trường, hoặc lại quá khắt khe với nhà trường. Có những sự việc xảy ra nhẹ nhàng nhưng phụ huynh chưa có sự trao đổi với giáo viên mà ngay lập tức phản ánh và thậm chí, họ không làm việc với nhà trường mà đơn thư lên các cấp lãnh đạo.

Cũng có những phụ huynh không hợp tác với giáo viên trong việc dạy con, để con phát triển tự nhiên. Nhiều người vì quá bận rộn nên không có điều kiện chăm lo đến sự phát triển của con, trong khi tâm lí lứa tuổi của các con thay đổi từng ngày. Bên cạnh đó sĩ số học sinh trong lớp đông với nhiều đối tượng học sinh.

Giáo viên vẫn luôn phải chịu những áp lực từ nhiều phía như chịu áp lực từ quản lý nhà trường, từ cấp trên về thi cử, đánh giá học sinh, áp lực thi đua danh hiệu của lớp, của trường. Giáo dục luôn đổi mới, nhiều thầy cô chưa thích ứng kịp thời với những phương pháp dạy học mới, thời gian dành cho công việc nhiều nên chưa thực sự cảm thấy hạnh phúc.

Các em học sinh cũng phải chịu áp lực từ bố mẹ về những mong mỏi điểm số, thành tích. Có những bậc phụ huynh chưa tâm lí, chưa hiểu con, bắt con theo ý muốn của mình. Sĩ số lớp học đông nên đôi khi thầy cô chưa động viên, khuyến khích kịp thời tới các em đó cũng là một sự thiệt thòi, khiến các em cảm thấy không hạnh phúc.

Do đó, theo cô Bình, để xây dựng một ngôi trường thực sự hạnh phúc đòi hỏi mỗi cá nhân phải thay đổi và tự thay đổi, không ngừng hoàn thiện bản thân. Trước hết, giáo viên phải cảm thấy hạnh phúc thì mới có thể tạo ra những sản phẩm là những phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục có hiệu quả, xây dựng được lớp học hạnh phúc.

Giáo viên cần tổ chức nhiều hoạt động phát triển khả năng của học sinh, tạo cho học sinh có cơ hội được chia sẻ nhiều hơn, dành thời gian khích lệ, động viên, và lắng nghe từ học sinh. Hơn thế nữa, giáo viên cần phối kết hợp với phụ huynh học sinh để nắm bắt được tình hình học sinh để có những thay đổi phù hợp, giúp học sinh cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đến trường.

Để xây dựng trường học hạnh phúc thành công, rất cần sự phối kết hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội. Điều đó có nghĩa là mong muốn phụ huynh phải là người hiểu con, cần phải thay đổi cách nhìn nhận về đánh giá, điểm số và thi đua của con, cần thấu hiểu, cảm thông và san sẻ trách nhiệm với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục con em mình.

Ban giám hiệu nhà trường cần quan tâm và thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân giáo viên. Quan tâm, động viên tinh thần giáo viên, nhân viên thông qua các hoạt động công đoàn nhằm gắn kết các thành viên trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ