Lo thêm điểm trường lẻ vì học sinh mất chế độ

GD&TĐ - Sợ học sinh “quên” đến trường, những ngày cận kề năm học mới giáo viên lặn lội vào tận làng vận động, đưa các em ra lớp. Giáo viên lo lắng nếu không kêu gọi được kinh phí hỗ trợ bữa ăn cho học trò thì phải mở lại các điểm trường lẻ. Khi đó, học sinh sẽ theo cha mẹ lên nương rẫy và ngại đến trường học chữ.

Bữa cơm của học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Măng Cành.
Bữa cơm của học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Măng Cành.

Đưa học sinh ra điểm trường chính

Để chuẩn bị cho năm học mới, mấy ngày nay các thầy, cô giáo Trường PTDT Bán trú Tiểu học Măng Cành (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) đã đến dọn dẹp trường lớp, chuẩn bị đón học sinh ra lớp.

Thầy Trần Thông - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, những ngày cận kề năm học mới, giáo viên sẽ chia nhau vào từng làng tuyên truyền và vận động phụ huynh đưa con em ra lớp.

Năm học 2021 - 2022, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì toàn trường chỉ còn 11/255 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Mất chế độ, nhiều phụ huynh “ngại” cho con ra lớp. Chính vì vậy, nhà trường đã bố trí cho học sinh về học tại các điểm trường thôn. Tuy nhiên, nhà xa nên nhiều em phải mang cơm theo để ăn vào buổi trưa. Nhưng vì cuộc sống khó khăn nên cơm trưa của học trò chủ yếu là rau, một số em ăn cơm với đường, nhộng đất…

Năm học này, học sinh lớp 3 sẽ thực hiện Chương trình GDPT 2018 và bắt buộc học Tin học, Tiếng Anh. Do đó, nhà trường sẽ đưa các em ra điểm chính học tập nhằm tiếp cận với trang thiết bị cần thiết. Riêng những khối lớp khác các em vẫn học ở điểm trường thôn.

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thầy Thông cho hay, năm học này dự án “Nuôi em” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ bữa trưa với trị giá 17 nghìn đồng/em/ngày cho học sinh bị mất chế độ ở điểm trường chính. Chính vì vậy, nhà trường thường xuyên động viên và khích lệ học sinh đến trường.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ để bữa cơm của học sinh ở điểm trường lẻ được đủ đầy hơn. Đồng thời, phụ huynh cũng đồng hành hỗ trợ rau, củ quả và củi để giúp đỡ nhà trường.

“Đối với những điểm trường lẻ, cơ sở vật chất đã hư hỏng, xuống cấp nhiều nên đơn vị đã báo cáo lên các cơ quan, ban ngành. Hiện, Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông đã có kế hoạch sửa chữa để bảo đảm cơ sở vật chất cho học sinh trong năm học mới”, thầy Thông nói.

5 giờ sáng hoặc 6 giờ tối mỗi ngày, giáo viên điểm trường Kon Du, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Măng Cành lại cùng nhau vào các làng để vận động gia đình, học sinh ra lớp.

“Sở dĩ giáo viên phải đi giờ đó bởi đa số người dân làm nương rẫy từ sáng đến tối mới về nhà. Ngày hè, học sinh cũng theo cha mẹ lên nương nên ít khi có mặt ở nhà. Chính vì vậy, giáo viên phải tranh thủ đi sáng sớm hoặc chiều tối mới hy vọng có thể gặp được các em. Thế nhưng, nhiều em khi thấy thầy cô thì bỏ chạy vào rừng vì ngại đến lớp học tập. Do đó, giáo viên phải đi nhiều ngày mới có thể động viên học sinh đến trường”, cô Trần Thị Dung, giáo viên điểm trường Kon Du chia sẻ.

Theo cô Trần Thị Dung, giáo viên điểm trường Kon Du, năm học 2022 - 2023 sẽ có 12 học sinh lớp 3 của điểm Kon Du ra trường chính học tập nhằm bảo đảm Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, công tác vận động khá khó khăn, bởi học sinh đa số không muốn sống xa cha mẹ, gia đình. Riêng 25 em ở lại sẽ tiếp tục mang cơm đến trường vào buổi trưa để ở lại học chữ.

“Năm học vừa rồi có mạnh thường quân hỗ trợ một phần chi phí để bữa cơm của học sinh được đủ đầy hơn. Tuy nhiên, năm nay khi nguồn kinh phí đó không còn, những bữa cơm của học trò tại Kon Du có lẽ sẽ đạm bạc hơn.

Tôi cũng mong rằng, cơ sở vật chất ở điểm trường lẻ sẽ được sửa chữa và có đầy đủ thiết bị dạy học. Từ đó, học sinh học Chương trình GDPT 2018 sẽ không phải học xa nhà mà vẫn bảo đảm chất lượng”, cô Dung bộc bạch.

Giáo viên tại huyện Kon Plông đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Giáo viên tại huyện Kon Plông đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Lo lắng bữa trưa của học trò

Năm học mới cận kề, thế nhưng cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) vẫn đau đáu nỗi lo về bữa trưa cho học trò.

Cô Phượng kể, năm học 2021 - 2022, Phòng GD&ĐT đã kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ từ dự án “Nuôi em” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ đó, 140 em học sinh ở làng Đăk Asên, Srắt và Hà Nừng nhận được hỗ trợ 17 nghìn đồng/em/ngày. Mặc dù, khoản tiền này đã góp một phần giúp học sinh tiếp tục đến trường nhưng thầy cô vẫn cố gắng kêu gọi, cân đối thức ăn và gạo để bảo đảm các em đều no bụng khi đến lớp.

Thế nhưng, nếu năm học 2022 - 2023 không còn được nhận hỗ trợ từ dự án “Nuôi em” thì nhà trường không thể tổ chức bán trú cho học sinh. Cô Phượng đã tính đến việc xin mở lại 5 điểm trường lẻ để đưa học sinh về thôn. Khi đó, điểm trường ở thôn Srắt là nơi xa nhất, khi giáo viên phải vượt hơn 10km để đến được làng. Tuy nhiên, khi vào điểm trường, giáo viên vẫn phải tranh thủ đi sớm về khuya để đến nhà vận động học sinh ra lớp.

“Nếu mở lại các điểm trường trong thôn, sáng học sinh đến lớp trưa lại về nhà thì rất khó duy trì sĩ số. Bên cạnh đó, với Chương trình GDPT 2018 nếu các em học tập tại điểm trường thôn thì không thể thực hiện được. Chính vì vậy, hiện, nhà trường đang kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ bữa trưa cho 100 học sinh mất chế độ hỗ trợ… nhằm động viên các em đến trường. Như vậy mới có thể duy trì được những lớp học bán trú và giúp các em phát triển toàn diện”, cô Phượng bộc bạch.

“Năm học vừa rồi có mạnh thường quân hỗ trợ một phần chi phí để bữa cơm của học sinh được đủ đầy hơn. Tuy nhiên, năm nay khi nguồn kinh phí đó không còn, những bữa cơm của học trò tại Kon Du có lẽ sẽ đạm bạc hơn”. - Cô Trần Thị Dung, giáo viên điểm trường Kon Du (Măng Cành - Kon Tum)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.