Tiện thể hỏi chuyện thưởng Tết, thầy cười bảo chuyển đề tài. Tò mò hỏi kỹ, bên kia đầu dây vọng lại tiếng thở dài: Điều kiện trường thì anh biết rồi, địa phương cũng khó khăn lắm, lấy đâu kinh phí mà thưởng Tết. Cũng cố lo cho anh em mỗi người gói quà trăm nghìn mà cũng đang đau đầu đây.
"Đành lòng vậy, cầm lòng vậy"
Cách đây ít năm, tôi đã có dịp lên trường của thầy công tác. Ngôi trường liên cấp 1 – 2 (thực ra cả mầm non nữa) xập xệ như dãy nhà kho cũ, nằm sát ven biên, vì nhiều lý do mà chúng tôi sẽ không nêu lại địa danh cụ thể ra đây.
Nhớ nhất tâm sự của thầy hiệu trưởng ngày ấy: Các buổi họp hội đồng, thầy cô chỉ uống nước lọc, vì không dám mua cả trà, để dành kinh phí công đoàn mua mỳ tôm thay bữa trưa cho các thầy cô nhà xa phải ở lại trường những khi có cả hai buổi dạy trong ngày.
Chỉ cách thành phố Lạng Sơn sôi động chưa đầy 40km, nhưng Cao Lộc rõ là một huyện vùng cao nghèo, xã nơi trường đóng chân càng nghèo. Mà Lạng Sơn thì cũng chỉ được thành phố và khu vực cửa khẩu Tân Thanh, còn lại cũng không hề có khu công nghiệp hay thương mại gì to tát.
Bởi thế, chẳng cứ Cao Lộc, mà sự hạn chế về kinh phí là nét chung của cả ngành GD Lạng Sơn, cũng như đối với hầu hết các tỉnh miền núi, vùng cao khác. Trao đổi sơ lược, thầy hiệu trưởng lại thở dài: “Sợ nhất Tết, anh ạ. Cán bộ giáo viên trong trường với nhau thì quá hiểu rồi, cũng chẳng ai đòi hỏi, nhưng mình là lãnh đạo. Tết đến, chia tay nhau người ở lại người về xuôi, chẳng nhẽ năm nào cũng cái bắt tay suông thì khó coi. Mà quà cáp, nếu có thì lại các anh em bên đồn Biên phòng hỗ trợ, gần như năm nào cũng vậy, càng khó coi nữa”.
Sợ Tết! Đó là tâm sự của rất nhiều cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục vùng khó khi trao đổi về việc lo Tết cho đội ngũ của mình. “Nói thật, cứ nghe rục rịch tới Tết là ban giám hiệu chúng tôi lại toát mồ hôi vì chẳng biết xoay xở vào đâu.
Muốn lo cho anh em lắm, nhưng trường học thì làm gì có nguồn thu gì, vùng miền núi này anh cũng biết rồi, nhìn đâu cũng thấy khó khăn, thôi thì mỗi người đành tự lo lấy vậy” – thầy Trần Lễ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) chia sẻ.
Tuy vậy, đó không phải là điều thầy lo lắng nhất. Đã hơn 30 năm gắn bó với học sinh vùng sâu vùng xa, chứng kiến nhiều cảnh học sinh chưa Tết đã nghỉ học, tranh thủ nghỉ Tết rồi… bỏ học luôn, phần lớn chỉ vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn; mỗi năm Tết về, dù không chút kinh phí để tặng thưởng giáo viên, nhưng các thầy vẫn tìm mọi cách để có được chút quà mang đến chúc Tết những gia đình học sinh khó khăn nhất, động viên gia đình tiếp tục cho các em được theo học.
Thầy Lễ tiết lộ: Kinh phí ở đâu? Là ở tiền lương của chính giáo viên đấy, mỗi tháng trích lại một khoản nhỏ vào quỹ công đoàn, cuối năm có chút ít gọi là tự ta tặng ta, còn đâu trích ra mua quà thăm hỏi học sinh khó khăn, chứ làm gì còn nguồn nào khác nữa.
Nhắc đến chuyện lo Tết cho cán bộ giáo viên, thầy Trịnh Xuân Dũng - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Mậu Đức (huyện Con Cuông – Nghệ An) cũng không khỏi lo lắng.
Giống như tâm sự của thầy Trần Lễ, thầy Trịnh Xuân Dũng cho biết làm lãnh đạo ai chẳng muốn năm hết Tết đến có chút gì đó cho anh em, không nhiều thì cũng phải gọi là để khích lệ tinh thần, nhưng cơ sở giáo dục thì lấy đâu ra nguồn thu. Ai một lần lên đến huyện Con Cuông miền Tây xứ Nghệ hẳn sẽ nhớ mãi về sự hắt hiu của cái nghèo đè nặng nơi vùng biên này.
Và cũng như với rất nhiều cơ sở giáo dục khác nơi vùng khó, các thầy cô lại tìm cách tự… tặng quà cho mình, bằng cách công đoàn hàng tháng trích lại một số tiền nhỏ từ lương giáo viên, để làm sao cuối năm chắt chiu lại mỗi cán bộ giáo viên cũng có được khoảng 150 – 200.000 về quê ăn Tết.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Gắn bó lâu năm với ngành Giáo dục, mỗi khi Tết đến, tôi cũng thấy chạnh lòng. Ngành Giáo dục luôn chịu thiệt thòi hơn so với nhiều ngành khác về khoản thưởng Tết, nhưng biết làm sao hơn vì khó tìm ra nguồn”.
Được biết tại Cà Mau, Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, UBND tỉnh có trích ngân sách tặng cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh (trong đó có giáo viên) mỗi người 500.000, là món quà Tết “khấm khá” nhất từ trước tới nay, nhưng cũng chỉ được năm đó.
Sang Tết Giáp Ngọ 2014 thì đúng là những lời chúc mừng suông và cái Tết Ất Mùi 2015 này thì không có lời hứa hẹn gì. Lẽ đơn giản: Như rất nhiều địa phương khác trong nước, Cà Mau là một tỉnh nghèo, hàng năm vẫn phải nhờ tới phần ngân sách hỗ trợ lớn từ Trung ương.
Dễ hiểu vì sao mà ở một địa phương cũng còn rất nhiều khó khăn khác là Quảng Ngãi, thầy Nguyễn Ngọc Tựu, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT phải lắc đầu: “Không có nguồn thu thì đành chịu, chứ không ai được phép lấy ngân sách ra để thưởng Tết cả”.
“Mơ thưởng cao, đã không theo nghề giáo”
Đó là khẳng định của thầy Hữu Cường, hiện đang công tác tại điểm trường Nà Rò của Trường Liên cấp xã Nam Cao (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) khi nói về chuyện thưởng Tết. Nếu ai đó nói ra điều này, hẳn phần lớn chúng ta sẽ cho là… sáo rỗng, hay là ngoại giao.
Thế nhưng, với thầy Cường thì chắc chắn đó là một tâm sự thật, tâm sự của một người sắp bước sang năm thứ 17 gắn bó với giáo dục vùng cao.
Chúng tôi càng chắc chắn đó là câu nói thật lòng của thầy, khi biết rằng vì say mê với sự nghiệp trồng người trên non cao này, đã có không ít cái Tết, thầy xung phong ở lại điểm trường lẻ, một mình heo hút trên núi cao, vừa là giữ trường giữ lớp, vừa để ấm lòng bà con dân tộc, thấy rằng ngày Tết mà thầy giáo cũng không về nhà thì chẳng nhẽ vì chút khó khăn mà mình để con em tranh thủ nghỉ Tết rồi.. nghỉ học luôn.
Nói hy sinh cũng đúng, bởi sự say mê với nghề của thầy đã đánh đổi bằng hạnh phúc riêng, khi người vợ ở quê không còn kiên nhẫn được với ông chồng quanh năm vắng nhà để say theo tiếng đọc bài ê a của trẻ nhỏ.
Gật gù với câu nói tâm gan của thầy Cường, thầy Hoàng Đức Đình – phụ trách điểm trường Phiêu Cò 1 (cũng của Trường Liên cấp xã Nam Cao) góp chuyện: Nhưng bọn mình có phần thưởng lớn mà không phải ai cũng có, đó là tình cảm của bà con địa phương.
Người ở lại trực ngày Tết thì không nói làm gì, chắc chắn là bà con tranh nhau mời về nhà cùng vui những ngày xuân. Còn ai về quê ăn Tết cũng có quà hết. Cảm động lắm, có khi chỉ là mớ rau rừng, ít măng tre, dăm tấm bánh hay xâu cá suối khô mà bà con đã để dành từ trong năm, mang biếu các thầy cô mang về ăn Tết. Chỉ cần vậy thôi cũng đã thấy ấm lòng rồi...
Thầy Đình người dân tộc Tày, năm nay tròn 42 tuổi. Thầy đã lên với Phiêu Cò được 14 năm; ngày mới lập gia đình và nhất là những năm con còn nhỏ, hàng tháng thầy vẫn bố trí về thăm nhà tại thành phố Cao Bằng cách đó gần 200km.
Con đến tuổi vào mẫu giáo, thầy bàn với vợ (cũng là giáo viên) gửi con lại cho ông bà nuôi, cả hai vợ chồng lên Bảo Lâm, vào Phiêu Cò dạy học, lập nên một tổ ấm nhà giáo nhỏ trên đỉnh cao quanh năm mây mù này.
Tâm sự về tiền thưởng hay các mức thưởng, thầy thật thà: “Mình giáo viên cắm bản vùng cao, vất vả thì vất vả thật, nhưng cũng phải nói thật luôn là thu nhập đâu thấp. Lương hai vợ chồng, mỗi tháng cũng trên chục triệu, trừ chi phí và gửi về cho ông bà định kỳ, vẫn để dành được ít nhiều, vì thế cũng có cái Tết tươm tất như ai.
Hơn nữa cái giữ chân chúng tôi là tình yêu nghề và tấm lòng của đồng bào, chứ đúng như thầy Cường nói, nếu mơ có thưởng cao, thu nhập cao thì đã chẳng theo nghề giáo rồi”.
Nghe lời tâm sự của thầy Đình, không hiểu sao trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh cô Nga, giáo viên phụ trách mầm non ở điểm trường Phiêu Cò 2, cách điểm trường Phiêu Cò 1 gần 3 giờ đồng hồ cắt rừng lội suối.
Đã gần 5 năm gắn bó với vùng cao Bảo Lâm, cuối năm học 2013 –2014, cô Nga được Phòng GD&ĐT huyện bố trí cho xuống vùng thuận lợi hơn, nhưng cô cương quyết xin ở lại, với lý do duy nhất: Không thể xa được các em nhỏ trên vùng cao này.
Nhớ khi chúng tôi lên điểm trường, cô một mình lặn lội ra đón đoàn, cứ tưởng đã gần đến nơi, hóa ra đi thêm cả tiếng đồng hồ. Hỏi cô sao vất vả thế, cô cười: “Nghe ngoài trường chính báo các anh vào, em đã hồi hộp đợi cả buổi, sốt ruột quá ra đón. Ngày em vào, đồng bào cũng ra đỉnh đèo này đón, nay em cũng ra đây đợi các anh”.
Không lâu sau khi đến điểm trường, tôi đã hiểu vì sao cô sốt ruột: Những gói quà của nhóm chúng tôi mang lên dành tặng đồng bào vùng cao trước Tết là điều các cô chờ đợi, chờ đợi cho đồng bào chứ chẳng phải cho mình.
Cũng không nhiều nhặn gì: Ít bánh kẹo, quần áo mới, sách truyện… nhưng cô bảo đó là niềm mơ ước của phần lớn trẻ nhỏ vùng sơn cước này. Nhìn các cô hối hả sắp quà để mang chuẩn bị mang vào bản, gần như không để ý gì đến những món quà chúng tôi dành tặng các cô, mới thấy tình cảm đó là thật lòng. Cái thật đến chân chất như sự nguyên sơ của núi rừng, của những người không màng đến lợi ích của mình.
Trước khi cùng chúng tôi vào bản, cô Nga nói nhỏ như thay lời cảm ơn: Năm nay các cháu nhỏ có Tết sớm rồi, chúng em cũng yên tâm, chứ không ít ngày nữa mình về quê ăn Tết trong lòng cũng cứ áy náy không yên được.
Về chuyện thưởng Tết, cô Nga cười: “Giáo viên mầm non như chúng em nhiều nơi còn vẫn phải chịu chế độ hợp đồng, trong khi chúng em được vào biên chế thế này còn đòi hỏi gì nữa. Mà như thế này chẳng phải phần thưởng sao, tình cảm bà con, rồi sự quan tâm của các anh các chị lên tận đây tặng quà Tết cho đồng bào và cán bộ giáo viên vùng cao thế này, còn phần thưởng nào lớn hơn nữa”.
Bao giờ mới không còn là "giấc mơ"?
Vẫn biết chuyện thưởng Tết cho giáo viên, từ rất lâu đã là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”; nhưng dường như nói mãi cũng để nói mà thôi, bao nhiêu năm vẫn không có thay đổi gì.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, chuyện thưởng Tết trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, vì dù ít ỏi đi chăng nữa thì đó cũng là một “khoản” đáng kể đối với không ít gia đình.
Tuy nhiên, đối với đội ngũ giáo viên, thưởng Tết vẫn là điều gì đó quá xa vời, hệt như giấc mơ giáo viên sống được bằng đồng lương vậy…
Kết quả khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình tiền thưởng Tết năm 2015 từ các tỉnh thành cả nước và cộng đồng doanh nghiệp với 2,5 triệu lao động thuộc 63 tỉnh, thành cho thấy:
Mức thưởng Tết Nguyên đán 2015 trung bình khoảng một tháng lương (khoảng 5 triệu đồng/người). Mức thưởng này tăng 15% so với mức thưởng Tết Nguyên đán 2014.
Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Mùi thấp nhất được doanh nghiệp báo cáo chỉ ở mức 30.000 đồng/người. Trong khi đó, mức cao nhất là 583 triệu đồng/người, thuộc về doanh nghiệp tại TPHCM.
Hãy bỏ qua sự chênh lệch lớn giữa mức thưởng cao nhất và thấp nhất. Con số thưởng Tết Ất Mùi trung bình một tháng lương (khoảng 5 triệu đồng/người) là số tiền cũng không phải là nhỏ nếu nhìn vào mặt bằng chung của xã hội trong bối cảnh khó khăn này. Với người giáo viên, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng cao…, số tiền đó là cả một cái Tết tạm gọi tươm tất.
Cũng là người lao động làm công ăn lương, thậm chí còn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý, nhưng khi đem ra so sánh với những cán bộ, công nhân viên hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp, thậm chí là ngay cả những đơn vị hành chính sự nghiệp, được khoán biên chế đều có tiền thưởng Tết, thưởng lương tháng 13 thì đó thực sự là một nghịch lý khó hiểu. Nếu may mắn dạy ở trường có nguồn ngân sách khấm khá thì thưởng Tết có cao cũng chỉ được 1 - 2 triệu đồng.
May mắn hơn nữa được công tác ở thành phố lớn thì còn có nhận sự “quan tâm” của phụ huynh học sinh đối với người thầy của con em mình mỗi dịp lễ tết. Còn lại, gần như chỉ là sự an ủi. Nhất là ở những cơ sở giáo dục vùng khó khăn, 1 – 2 trăm nghìn đã là nhiều, nếu được địa phương quan tâm thì còn thêm được túi quà nhỏ, còn không chỉ được cái bắt tay suông.
Thực tế cũng không thể trách các nhà trường về vấn đề này. Hiện nay, các trường trong hệ giáo dục phổ thông đều hoạt động theo nguồn kinh phí phân bổ của ngân sách địa phương, được tính toán dựa trên bản kế hoạch thu chi của trường trong năm và không có khoản nào được gọi là “tiền thưởng Tết”.
Cuối năm, nếu chính quyền địa phương “quan tâm” được chút nào hay chút đó theo kiểu hỗ trợ, mà không phải ở đâu cũng có. Còn khoản “thưởng Tết”, cứ tạm gọi như vậy, như cái mức ít ỏi một hai trăm nghìn, phần lớn chỉ là một khoản ít ỏi được lấy ra từ quỹ của Công đoàn trường, do chính các thầy cô trích lại lương để đóng góp trong năm.
Còn nhớ trước Tết Kỷ Sửu năm 2009, trong thư gửi lãnh đạo các địa phương về việc chăm sóc đội ngũ giáo viên, GS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - (khi đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), cũng đã chỉ rõ:
“…Trong khi nhiều doanh nghiệp từ quỹ khen thưởng, từ lợi nhuận của mình có thể thưởng hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng cho công nhân, nhân viên, người lao động; thì gần một triệu thầy cô giáo mầm non và phổ thông không có thưởng Tết”.
GS Nguyễn Thiện Nhân đã “thiết tha đề nghị” (nguyên văn câu chữ) Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố, quận, huyện “bằng khả năng tối đa của mình, góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy cô giáo tại quận, huyện, tỉnh, thành phố mình sống, để ít đi những giọt
nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến”. Thế nhưng, thực tế đang chỉ ra rằng, nỗi buồn thưởng Tết giáo viên vẫn nguyên vẹn như ngày nào.
Đành rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, chuyện tự thu tự chi, tự hoạch định kinh tế là điều hết sức bình thường; có thu thì mới có chi.
Nhưng với hệ thống giáo dục quốc dân là lĩnh vực mà chúng ta vẫn cương quyết chống thương mại hóa, nếu không được tạo một cơ chế “ngoại lệ” trong vấn đề chi để động viên người lao động, thì sự tôn vinh của xã hội đối với nghề giáo có phải chỉ là vỗ tay suông?
Nghề giáo được coi là một nghề cao quý và được nhìn nhận là nền tảng cho sự phát triển xã hội, là nguồn gốc trí tuệ của đất nước; nhưng xem ra, đó mới chỉ là sự tôn vinh về mặt tinh thần mà thôi. Ít nhất, điều đó cũng thể hiện rõ qua “giấc mơ” thưởng Tết của những nhà giáo mỗi dịp Tết đến xuân về...