Lo sợ nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn, Châu Âu tính cách vượt qua 'mùa đông lạnh giá'

GD&TĐ -Từ ngày 1/8, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện kế hoạch cắt giảm 15% khí đốt theo “Tiết kiệm cho mùa đông an toàn” - chương trình tiết kiệm khí đốt quy mô lớn tại EU.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT
  1. Chương trình kêu gọi người dân các nước EU tự nguyện điều chỉnh hoạt động của lò sưởi và máy điều hòa không khí trong 6 tháng tới nhằm giảm tác động từ nguồn cung của Nga.

Hội đồng các bộ trưởng EU cho biết: “Mục đích của cắt giảm nhu cầu khí đốt là để tiết kiệm trước mùa đông, nhằm sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung từ Nga bị gián đoạn và nước này tiếp tục sử dụng năng lượng như một loại vũ khí”.

Từ khi Ủy ban Liên minh châu Âu công bố “Tiết kiệm cho mùa đông an toàn”, nhiều quốc gia trong khối đã phản đối kế hoạch này. Đi đầu là Hungary, quốc gia duy nhất phản đối gay gắt thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ khí đốt của EU và chỉ trích thỏa thuận là “vô nghĩa và không thể thực hiện”. Không đồng tình với các kế hoạch chung, Hungary đã tự xoay xở để “cứu mình khỏi mùa đông lạnh giá”.

Ngày 29/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban thông báo Hungary sẽ ký kết với Nga về việc mua thêm 700 triệu m3 khí đốt. Thỏa thuận dự kiến được ký trong mùa hè và Hungary sẽ có một mùa đông an toàn, không nhất thiết phải cắt giảm khí đốt như các quốc gia khác.

Theo sau là Tây Ban Nha, quốc gia đã phải hứng chịu tác động lớn sau khi Algeria đe dọa cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Tây Ban Nha và Nga vượt qua Algeria trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên lớn thứ hai của Tây Ban Nha. Nước này cho biết sẵn sàng tham gia thỏa thuận nhưng sẽ cắt giảm chỉ 7% thay vì 15%.

Đồng quan điểm với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cho rằng cắt giảm 15% khí đốt là một thỏa thuận “không thông minh”. Nước này lưu ý rằng họ sử dụng rất ít khí đốt của Nga so với các nước như Đức, Italy và đang chịu hạn hán kéo dài.

Ngay cả quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga như Áo cũng bày tỏ lo ngại trước tính khả thi của thỏa thuận cắt giảm 15% khí đốt. Thủ tướng Áo Karl Nehammer lý giải nếu thỏa thuận này khiến nền kinh tế Đức suy giảm, nó cũng sẽ tác động đến nền kinh tế Áo và dẫn đến thất nghiệp hàng loạt.

Trong khi đó, Italy khẳng định nước này không cần phải cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong mùa đông vì Italy đã giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga kể từ chiến dịch quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Italy Roberto Cingolani lạc quan tin rằng, Italy là quốc gia duy nhất có khả năng nhanh chóng tiến hành đa dạng hóa nguồn cung khí đốt chỉ trong ít tuần; từ đó nước này sẽ chịu ít tác động hơn so với các nước EU khác trong trường hợp Nga quyết định dừng hoạt động các dòng khí đốt sang lục địa này.

Nhìn chung, ngoại trừ Hungary bỏ phiếu chống, các nước EU đã nhất trí về kế hoạch cắt giảm 15% khí đốt nhưng điều này đã gây chia rẽ sâu sắc trong khối và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và nền kinh tế khu vực. Việc cắt giảm trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 vốn không dễ dàng và tính khả thi của nó ngày càng mơ hồ.

Tuy nhiên, thời gian đã điểm, các nước đang bắt đầu thực hiện theo thỏa thuận. Liệu kết quả của thỏa thuận này sẽ xoay chuyển châu Âu và tác động của nguồn nhiên liệu Nga lên các nước EU như thế nào, thế giới sẽ phải chờ đợi trong 8 tháng tới đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ