Hungary giục châu Âu nên thành thật về khí đốt Nga

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto nói rằng EU nên trung thực về thực tế của nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, thay vì coi đó là một vấn đề ý thức hệ.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto.

Ông Szijjarto nói với các phóng viên sau chuyến đi tới Moscow: “Người ta đã chứng minh rằng việc mua khí đốt tự nhiên không phải là một vấn đề ý thức hệ, mà là một vấn đề vật chất không thể giải quyết bằng cách nói chuyện.”

EU đã kêu gọi các quốc gia thành viên giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga để đáp lại hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine.

Đức đã kích hoạt “giai đoạn báo động” của kế hoạch khí đốt khẩn cấp, trong khi Ủy ban châu Âu kêu gọi các thành viên giảm việc dùng khí đốt xuống 15% từ tháng 8 đến cuối tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, Budapest cho biết họ có kế hoạch mua thêm 700 triệu mét khối khí đốt từ Moscow để đảm bảo có đủ trữ lượng cho mùa đông. Ông Szijjarto cho biết khối lượng cần thiết chỉ có thể được lấy từ Nga.

“Tôi đã nhận được tin từ các chính trị gia hàng đầu ở Tây Âu trong những tháng gần đây rằng họ đã thu xếp xong tất cả. Họ đã tìm thấy nguồn thay thế, họ đã mua khí đốt từ nơi khác và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Nhưng tại sao họ lại báo động?” – ông Szijjarto nói.

Theo ông, sau một thời gian nữa, mùa sưởi ấm sẽ đến và các chính trị gia phải nói xem có khí đốt hay không và họ không nên “che giấu sự thật” về nguồn cung cấp năng lượng.

Công ty nhà nước Nga Gazprom đã nối lại việc cung cấp khí đốt cho Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 sau 10 ngày tạm dừng để bảo trì. Điều này trước đó đã làm dấy lên lo ngại ở châu Âu rằng Moscow có thể đóng cửa hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt.

Các quan chức Đức cảnh báo việc ngừng giao hàng từ Moscow sẽ ngay lập tức gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Hungary cho rằng EU nên tập trung vào lợi ích của chính công dân của mình thay vì ngày càng tham gia vào cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Áp lực từ Hungary và một số quốc gia thành viên khác đã dẫn đến việc EU miễn trừ cho họ lệnh cấm đối với dầu Nga vốn được công bố hồi tháng 3.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ