“Lộ sáng” tài sản bí mật

GD&TĐ - Trước vụ “Hồ sơ Pandora”, thế giới cũng từng chấn động bởi các vụ rò rỉ tài liệu về tài sản chìm qua vụ “Hồ sơ Panama” (2015) và “Hồ sơ Paradise” (2017).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Gần 12 triệu tài liệu trong vụ “Hồ sơ Pandora” vừa bị rò rỉ đang gây chấn động toàn cầu và là bê bối tài chính mang tính lịch sử, do những thông tin nhạy cảm này đã đưa ra ánh sáng khối tài sản chìm luôn được giấu kín của nhiều chính khách và doanh nhân nổi tiếng thế giới.

Để tránh né sự săm soi của công chúng, những người quyền lực và giàu có tầm cỡ thế giới đã tìm cách cất giữ khối tàn sản khổng lồ của mình tại những nơi được mệnh danh là “thiên đường thuế” như Panama, đảo Sip, quần đảo British Virgin (Anh), tiểu quốc Dubai (UAE)... Điều này đã tạo ra một dòng chảy tài chính ngầm có quy mô “khủng” mà người bình thường không thể tiếp cận.

Nhưng tấm màn che phủ bí mật đã phút chốc bị tung hê qua vụ “Hồ sơ Pandora” vừa qua. Hoạt động tài chính nhạy cảm của 35 nhà lãnh đạo gồm cả các vị quốc vương, tổng thống, thủ tướng đương nhiệm hoặc đã về hưu, cùng hơn 300 quan chức cấp bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng và các tướng lĩnh quân đội, cảnh sát thuộc hơn 90 quốc gia đã lộ ra trước công chúng.

Chỉ riêng những cái tên trong danh sách bị lộ tài sản nói trên cũng đã đủ gây ra quả bom dư luận, trong đó có những chính khách từng gắn liền với quan điểm chống tham nhũng. Phản ứng đầu tiên của các yếu nhân này thường là giải trình và khẳng định tính trong sạch của khối tài sản mình có.

Bên cạnh đó, Hồ sơ Pandora còn công khai cách thức hoạt động của những công ty tài chính quốc tế chuyên bí mật giúp giới siêu giàu thế giới giấu kín tài sản và chỉ phải trả một mức thuế gần như bằng không.

Việc những người giàu thuê trung gian lập các công ty bình phong hay quỹ ủy thác ở nước ngoài giữ hộ tài sản mà không để lộ thân phận đã tồn tại lâu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hoạt động này được giải mật trên diện rộng thông qua các số liệu thực tế trong Hồ sơ Pandora.

Trên phương diện pháp lý, ngành công nghiệp tài chính bí mật phục vụ giới siêu giàu là hợp pháp và đang phát triển mạnh mẽ, trừ những trường hợp rửa tiền và cất giữ tài sản phi pháp.

Tuy nhiên, theo ước tính của tờ Guardian, chưa cần điều tra nguồn gốc khối tài sản bí mật thì việc giới siêu giàu cất giấu tài sản qua các “thiên đường thuế” đã khiến các nước mỗi năm thất thoát khoảng 400 - 800 tỷ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân.

Trước vụ “Hồ sơ Pandora”, thế giới cũng từng chấn động bởi các vụ rò rỉ tài liệu về tài sản chìm qua vụ “Hồ sơ Panama” (2015) và “Hồ sơ Paradise” (2017). Sau hai quả bom tài chính này, các nước đã tiến hành kiểm định và thu hồi hơn 1,3 tỷ USD tiền thất thoát. Vụ Hồ sơ Pandora lần này cũng đang dẫn đến kết quả tương tự và hứa hẹn số tiền thu hồi sẽ còn lớn hơn bởi quy mô của nó.

Trong khi đó, Hồ sơ Pandora cũng sẽ châm ngòi cuộc tranh luận về đạo đức của ngành công nghiệp tài chính nước ngoài bí mật. Việc xác thực tính chính xác của tài liệu và minh bạch của tài sản sẽ còn khiến các nước mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, sự kiện này một lần nữa chứng minh rằng những khối tài sản khổng lồ dù có được giấu kín và tinh vi đến đâu thì cũng giống như “cái kim trong bọc” và việc chúng “lòi ra” chỉ là vấn đề thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.