Không có quá nhiều ràng buộc pháp lý, thao tác đơn giản, đặc biệt mức lợi nhuận cao, rất cao, thậm chí “trên trời” - là những lý do chủ yếu khiến hàng loạt các “sàn” giao dịch, kinh doanh hoặc các loại “tiền ảo” liên tục xuất hiện rồi biến mất nhưng vẫn có rất nhiều người “dính bẫy”.
Coolcat là một trong những ví dụ. “Luật chơi” của Coolcat rất đơn giản đó là có 6 gói bảo hiểm để người tham gia lựa chọn với cam kết bảo hiểm 100% vốn và nhận lãi mỗi ngày. Gói thấp nhất có trị giá 1,3 triệu đồng, mức lãi 60.000 đồng/ngày và gói cao nhất là 210 triệu đồng, mức lãi lên tới 9,7 triệu đồng/ngày.
Nhà đầu tư mua gói nào thì đăng ký, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân do Coolcat đưa ra. Sau đó, mỗi ngày vào app dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo bitcoin... lên hoặc xuống. Đoán đúng nhà đầu tư sẽ nhận 73% tiền thắng, đoán sai sẽ bị trừ tiền. Đặc biệt, khi nhà đầu tư thua liên tiếp 6 lần thì phải dừng để các chuyên gia của
Coolcat chơi hộ ván thứ 7 với cam kết tỷ lệ thắng lên tới 80 - 90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền bù 100% số tiền nhà đầu tư đã thua 6 lần trước.
Với những cam kết này, đương nhiên nhà đầu tư luôn “nắm đằng chuôi”, vậy nhưng thực tế thì nhiều nhà đầu tư đã phải làm đơn tố cáo app đầu tư tài chính này vì không thể truy cập được cho dù những “dấu hiệu bất thường” đã quá rõ ràng.
Ví dụ như việc app này không có sẵn trên các “chợ” ứng dụng App Store, CH Play do có thể vi phạm các chính sách nên không được phát hành hoặc chủ ứng dụng có ý định “ăn xổi” nên mới không tham gia.
Một vấn đề nữa đó là Coolcat sử dụng biểu đồ giá của bitcoin, vàng, ngoại tệ... làm căn cứ để người chơi dự đoán giá tăng hay giảm và kết quả được công bố chỉ sau 30 giây.
Đây là kiểu đầu tư quyền chọn nhị phân tiềm ẩn nhiều rủi ro, thường chỉ được sử dụng ở những sàn giao dịch uy tín. Hơn nữa thời gian 30 giây là không khả thi để dự đoán thị trường và kết quả có thể bị thao túng.
Qua sự việc của app Coolcat và những sự việc khác đã xảy ra thời gian gần đây có thể thấy điểm chung là nhiều người dù không hiểu về nguyên lý, bản chất của đầu tư tài chính cũng như các sản phẩm tiền ảo nhưng vẫn tham gia chỉ vì yếu tố lợi nhuận - dù chỉ ở dạng kỳ vọng, lời hứa hoặc cam kết sẽ nhận được khi tham gia góp vốn, đầu tư.
Những yếu tố, cơ sở pháp lý để những sàn, những loại tiền này được phép hoạt động cũng như cơ sở nào để mức lợi nhuận như đã cam kết chưa có, chủ yếu theo kiểu “mỡ nó rán nó” nên chắc chắn phần thua thiệt thuộc về người chơi - dù về lý thuyết họ “nắm đằng chuôi”.
Hiện nay, nước ta chưa có khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ, chi tiết để điều chỉnh các hoạt động này. Tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp, rủi ro và hệ lụy tiêu cực khó lường của các loại hình đầu tư này, đã có một số biện pháp được đưa ra.
Như Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự. Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ, điều cần thiết là phải có và phải xác định được tình trạng pháp lý của các loại hình đầu tư này như thế nào.