Lo cho an sinh xã hội

GD&TĐ - Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm là một trong 5 nhóm nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo hướng dẫn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, trên cơ sở nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Theo đó, người lao động đáp ứng một số tiêu chí sẽ được hỗ trợ với mức từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.

Cụ thể: Lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng với điều kiện là làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đang thuê trọ từ ngày 1/1 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động ký trước ngày 1/1/2022 và đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước lúc doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.

Người quay trở lại thị trường lao động sẽ được hỗ trợ một triệu đồng/tháng/người, tối đa 3 tháng với điều kiện là làm việc trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đang phải ở nhà thuê, ở trọ từ ngày 1/1 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên và thời điểm ký ngày 1/1 - 30/6/2022; đang tham gia BHXH bắt buộc hoặc có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp tại tháng liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Dự thảo nêu rõ, người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 5 ngày.

Trường hợp có ý kiến phản ánh hoặc cần xác minh thêm, thời hạn giải quyết trong 2 ngày. Trước ngày 15 hằng tháng, doanh nghiệp gửi danh sách đề nghị hỗ trợ tới cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 ngày.

Hồ sơ gửi về UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chậm nhất là 31/7/2022. Sau 2 ngày, UBND cấp huyện sẽ trình lên UBND cấp tỉnh. Đến 2 ngày kế tiếp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt và cập nhật kết quả vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Người lao động nhận hỗ trợ sau 2 ngày nữa, khuyến khích qua tài khoản ngân hàng.

Gói hỗ trợ, có tổng kinh phí khoảng 6.600 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, được kì vọng sẽ góp phần kéo lao động trở lại thành phố làm việc. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ này vừa là san sẻ khó khăn với người lao động, vừa giúp doanh nghiệp ổn định, sản xuất kinh doanh.

“Việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân là vấn đề liên quan tới chế độ chính sách, do đó cần phải được thực hiện nhanh chóng, không để sót, lọt và chi đúng đối tượng” - ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm người lao động cần được hỗ trợ nhất khi vừa quay trở lại làm việc nên phải chờ thêm hai tháng nữa để dự thảo hoàn thiện, rồi ban hành và áp dụng, xét duyệt sẽ kéo dài thêm khó khăn vốn dĩ đã chồng chất.

Hay có ý kiến cho rằng cần giảm bớt thủ tục, chẳng hạn như không cần phải tự làm đơn, hoặc băn khoăn liệu nhóm đối tượng làm việc cho các doanh nghiệp nằm ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp có được hỗ trợ không?...

Những ý kiến đó và sẽ còn thêm ý kiến khác chắc chắn sẽ được xem xét thấu đáo bởi bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm là một trong 5 nhóm nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.