Đảm bảo được vấn đề tiến độ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc Quốc hội tổ chức một kỳ họp bất thường để bàn các vấn đề quan trọng là “rất đúng và trúng”. Bộ trưởng kỳ vọng Chương trình sẽ có sức lan tỏa lớn, tạo đột phá, nền tảng cho sự phát triển, đảm bảo sàn an sinh tối thiểu, tạo nền tảng cho sự phục hồi thị trường lao động...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022 - 2023. Các nội dung này cơ bản tương đối đồng bộ, quy mô phù hợp. Tuy nhiên, quy mô dành cho an sinh xã hội còn “hơi ít”. Chính sách hiện chủ yếu tập trung đầu tư công, các công trình…
Nói đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ông Dung cho rằng, theo dự thảo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm sẽ là 3.150 tỷ đồng. Nhưng nếu tách ra thì thực chất đào tạo nghề, bồi dưỡng lao động chỉ có khoảng 1.500 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc triển khai sẽ nhanh chóng, đảm bảo được vấn đề tiến độ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bởi trước đó, Chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp với 80 trường chất lượng cao đã được phê duyệt.
Chương trình này trước đó dự kiến phê duyệt đầu tư công, sau đó Chính phủ trình vào Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững với tổng số vốn 11.500 tỷ đồng. Tại kỳ họp thứ 2, chương trình tạm được gác lại để đưa vào đầu tư công nên tính đến nay vẫn chưa bố trí được.
“Dự án có rồi, chương trình có rồi, giờ chỉ điều chỉnh lựa chọn lại cho chuẩn xác. Sau khi Quốc hội quyết, Chính phủ ban hành thì bắt đầu triển khai ngay”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH thông tin.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho biết, đối với giải pháp hỗ trợ người lao động đặt ra 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là mời gọi người lao động quay trở lại làm việc, mục đích thứ hai là giữ chân người lao động. Mục đích thứ nhất đã được nêu rõ trong dự thảo Nghị quyết như hỗ trợ theo tháng, mỗi tháng hỗ trợ 1 triệu, 3 tháng là 3 triệu. Còn với những người đã quay lại làm việc sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, mục đích thứ hai để giữ chân người lao động làm việc lâu dài ở doanh nghiệp tại địa phương chưa rõ và chưa đủ mạnh. Vừa qua khi thị trường lao động bị đứt gãy khiến người lao động gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Đợt bùng phát dịch thứ tư đã khiến 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê khiến mọi người không khỏi xót xa.
Theo bà Thủy, trong các báo cáo của Quốc hội cho rằng, đây là việc đại sự nên không thể để một mình doanh nghiệp, một mình địa phương lo mà phải có Nhà nước chung tay. Do đó, hiện các giải pháp này chưa rõ, chưa đủ mạnh để giữ chân người lao động lâu dài.
Hiện, dự thảo Nghị quyết đang đề xuất khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng chỉ bao gồm những người có quan hệ lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, đợt dịch vừa qua cho thấy, những người lao động ở những khu vực phi chính thức, lao động tự do đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Từ những phân tích trên, bà Thủy đề nghị những vấn đề liên quan đến người lao động như xét nghiệm, tư vấn, hỗ trợ nghề nghiệp cần được làm rõ hơn trong đề án. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người lao động tự do, lao động phi chính thức.
Phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động
Cũng trong tổng thể chung của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, về hỗ trợ lực lượng lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình chuẩn bị, Bộ LĐ,TB&XH đã đề xuất một số nội dung. Đó là hỗ trợ để giữ chân người lao động, thu hút họ quay trở lại làm việc. Đồng thời hỗ trợ cho người lao động tạo được việc làm mới ở địa phương và lực lượng lao động phi chính thức.
Đáng chú ý, về hỗ trợ lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu từ kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 68 đã giao cho địa phương và ban hành sàn và trần tối thiểu - tối đa. Điều này rõ ràng đã đem lại hiệu quả ngay. Cho đến nay có 14 triệu lượt lao động tự do hưởng hỗ trợ.
Bộ trưởng Dung cũng đề cập tới vấn đề nhà ở, nhà trọ cho công nhân. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề an sinh tối thiểu của người lao động, ngoài công ăn việc làm thì họ cần có nhà ở, nhà trọ.
Theo Bộ trưởng, vấn đề nhà ở, nhà trọ cho công nhân, lao động để tính khả thi cao, cần tính đến việc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp. Cụ thể là giảm lãi suất, cho vay xây nhà, hỗ trợ nhà trọ cho người lao động. Việc để doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân, sẽ gắn với người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng việc Samsung hiện nay xây nhà đến đâu, người lao động ở đến đấy. Trong khi nhiều địa phương xây dựng nhà cho công nhân nhưng tính khả thi lại chưa cao.
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Dung cho rằng, khi lập khu công nghiệp, khu chế xuất thì cần có quy hoạch nhà ở cho công nhân. Cần đảm bảo mức an sinh tối thiểu cho người lao động, tránh để tình trạng như vừa qua.
Thông tin thêm về hiệu quả của 2 gói chính sách an sinh xã hội lớn thời gian qua - Nghị quyết 68 và sử dụng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết 2 chương trình này đã hỗ trợ 71 nghìn tỷ đồng. Số lượng người lao động được thụ hưởng là trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Tiến độ giải ngân đều đảm bảo đạt và vượt.