Linh hoạt xử trí khi trường học có F0

GD&TĐ - Sau khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhiều trường phát hiện có giáo viên, học sinh là F0. Nhờ sự chủ động, linh hoạt nên việc phòng chống dịch hiệu quả, không để việc học bị gián đoạn.

Chủ động phòng dịch từ nhà trường giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Chủ động phòng dịch từ nhà trường giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Không bị động

Ngày 7/2, học sinh TP Cần Thơ trở lại trường học trực tiếp. Trong những ngày đầu đã xuất hiện giáo viên, học sinh F0. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của ngành Giáo dục và mỗi nhà trường nên việc khoanh vùng, dập dịch kịp thời, việc học được tiếp tục.

Theo bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), sau 1 tuần thực hiện dạy học trực tiếp, quận ghi nhận 3 trường hợp nghi nhiễm ngay khi phát hiện nguồn lây từ người thân. Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc và kết hợp chặt chẽ với y tế địa phương xử trí các tình huống. Phòng GD&ĐT yêu cầu nhà trường chỉ đạo cán bộ, giáo viên tăng cường công tác giám sát theo dõi học sinh, tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng dịch và xây dựng các phương án xử lý tình huống, không tạo lo lắng cho phụ huynh.

Có con đang học lớp 1, chị Lâm Thị Bé Tư, ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy cho biết: “Ban đầu gia đình tôi có chút lo lắng khi con trở lại trường học trực tiếp, nhất là con tôi chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Khi nghe trường học có học sinh nghi nhiễm lại càng lo lắng hơn. Tuy nhiên, nhà trường thông báo phụ huynh rất chi tiết, chủ động phối hợp với y tế địa phương để xử trí kịp thời, không gây hoang mang trong học sinh, phụ huynh, cộng đồng. Công tác phòng dịch nghiêm, phân luồng học sinh, giãn cách nên chúng tôi yên tâm. Sau gần 2 tuần đi học, hiện nay mọi việc đã ổn định, không còn trường hợp nghi nhiễm”.

Khi học sinh trở lại trường, tỉnh Cà Mau ghi nhận nhiều ca nhiễm trong trường học. Cao điểm, có ngày 26 học sinh và gần 10 giáo viên kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Nhờ sự chủ động, linh hoạt nên giáo viên, học sinh nghi nhiễm được hỗ trợ kịp thời, không trường hợp nào diễn biến bệnh nặng. Nhà trường, giáo viên, học sinh còn lại vẫn đến lớp học bình thường.

Theo ông Phạm Hoàng Gan - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, Sở tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa trường hợp nhiễm bệnh xảy ra trong trường học nhằm tạo sự yên tâm cho cha mẹ, học sinh để duy trì sĩ số hiện tại và vận động thêm các học sinh còn lại đến trường. Các trường tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh, học sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại trường và tại nhà. Bên cạnh đó, các trường tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh đến lớp trong thời gian tới, giúp các em theo kịp chương trình môn học theo quy định, bảo đảm chất lượng.

Các cô Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đón học sinh từ cổng, tránh tập trung đông người khu vực trường. Ảnh: TG
Các cô Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đón học sinh từ cổng, tránh tập trung đông người khu vực trường. Ảnh: TG

Phòng dịch từ bên ngoài

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tỉnh Đồng Tháp chủ động phòng dịch từ bên ngoài nhà trường. Theo ông Bùi Quý Khiêm - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT, từ ngày 7/2, học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 học trực tiếp. Trong 3 ngày đầu, tại trường test nhanh phát hiện 1 học sinh F0, đã xử trí kịp thời theo quy định. Tại nhà riêng, phát hiện 14 học sinh và 10 giáo viên diện F0. Các trường hợp F0 không đến trường, thực hiện việc dạy và học trực tuyến, tình trạng sức khỏe của học sinh, giáo viên diện F0 chỉ có biểu hiện cảm thông thường.

Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp cũng phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lí, nhân viên y tế các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT về công tác phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch như vệ sinh, khử khuẩn; kiểm tra thân nhiệt; chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng cách li y tế tạm thời, vật tư y tế, test nhanh… Tổ chức diễn tập khi có tình huống F0 trong nhà trường. Đặc biệt là thực hiện nghiêm quy trình 6 bước đến trường và quy trình 6 bước xử trí khi có ca nhiễm, nghi nhiễm tại trường...

Nằm ngay trung tâm nội ô TP Cần Thơ, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xem công tác phòng dịch là cực kỳ quan trọng. Các kịch bản phòng dịch được nhà trường triển khai trong tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo đó, trong thời gian học, khi giáo viên phát hiện học sinh có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì đưa đến phòng cách ly ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế phường, cơ quan quản lý và cha mẹ học sinh. Khi giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải đến phòng cách ly ngay để được kiểm tra, theo dõi, cách ly.

Theo thầy Lê Kinh Đô - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, trường thực hiện nghiêm việc chặn đứng các mối nguy cơ theo 4 vòng.

Vòng 1: Thực hiện tốt khâu tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho học sinh và gia đình học sinh cũng như đội ngũ nhân sự nhà trường. Qua đó, để đội ngũ nhân sự và học sinh của trường không có hoặc tránh được nguy cơ nhiễm bệnh ngay từ ở nhà, nơi công cộng.

Vòng 2: Giao kết với phụ huynh và đội ngũ nhân sự nhà trường trong việc kiểm tra xem bản thân học sinh và đội ngũ nhân sự nhà trường hàng ngày trước khi đến trường có dấu hiệu bị nhiễm bệnh mà chưa được xác định không. Nếu có nghi ngờ tuyệt đối không đến trường.

Vòng 3: Thực hiện kiểm tra đo thân nhiệt 100% người vào trường. Kiểm soát chặt chẽ người vào khuôn viên nhà trường (bao gồm cả giáo viên, nhân viên và học sinh). Thực hiện giao nhận học sinh tại cổng trường. Kiên quyết không để người lạ, người có biểu hiện sức khỏe không bình thường vào trường. Học sinh trước khi đến trường phải kiểm tra thân nhiệt và các dấu hiệu bệnh khác ở nhà.

Vòng 4: Thực hiện cách ly ngay nếu có người nghi nhiễm khi ở trường, sử dụng các biện pháp tuyệt đối an toàn trong cách ly để hạn chế khả năng lây lan ở mức thấp nhất.

“Ngành Giáo dục cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, y tế địa phương, cha mẹ học sinh trong việc quản lý các em; Kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; Tuyệt đối không để dịch bệnh xảy ra trong trường học” - Ông Phạm Hoàng Gan - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ