Nam Định hướng dẫn quy trình xử lý khi có F0 trong trường học

GD&TĐ - Ngày 25/2, liên ngành Giáo dục & Đào tạo - Y tế tỉnh Nam Định đã ban hành hướng dẫn về quy trình xử lý tình huống nếu phát hiện F0 trong trường học trên địa bàn.

Công tác an toàn phòng dịch là ưu tiên hàng đầu của các nhà trường tại Nam Định.
Công tác an toàn phòng dịch là ưu tiên hàng đầu của các nhà trường tại Nam Định.

Theo đó, liên ngành Giáo dục & Đào tạo - Y tế Nam Định yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động phòng chống dịch theo nguyên tắc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm các ca nhiễm, cách ly và khoanh vùng kịp thời không để lây lan trong trường học. Đảm bảo môi trường an toàn, thích ứng linh hoạt trong trường học, hạn chế tối đa gián đoạn trong hoạt động dạy và học. 

Khi phát hiện F0 trong trường học, giáo viên cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Sau đó y tế trường kết hợp y tế địa phương tiến hành điều tra xác định các F1 và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 cho toàn bộ học sinh lớp đó. Nếu cho kết quả dương tính với Covid-19 thì được xác định là F0 và xử lý theo quy định của ngành y tế. 

Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với Covid-19, những em này đi học trở lại bình thường. Nếu là F1 và test nhanh âm tính, các em này sẽ được cách ly và theo dõi y tế tại nhà 5 ngày và xét nghiệm nhanh hoặc PCR ngày thứ 5 đối với học sinh là F1 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo quy định. Những trường hợp có kết quả âm tính vào ngày thứ 5 được đi học trở lại. 

Học sinh thường xuyên thực hiện "5K" khi tới trường để phòng dịch.
Học sinh thường xuyên thực hiện "5K" khi tới trường để phòng dịch. 

Cũng theo hướng dẫn liên ngành, địa phương sẽ chỉ khoanh vùng F0 theo diện hẹp. Việc tạm dừng học tập trung được khoanh vùng với những học sinh ngồi cùng bàn và bàn trên, bàn dưới của F0; hay cùng lớp; cùng tầng; cùng khối nhà; toàn trường… tùy theo tình huống F0 và kết quả điều tra ca lây nghiễm thứ phát và F1. 

Riêng đối với trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có 1 trường hợp F0 thì cho toàn bộ học sinh trong lớp, giáo viên, người chăm sóc trẻ (F1) tạm nghỉ, cách ly, xét nghiệm sàng lọc, tổng vệ sinh, khử nhiễm. Sau 3 ngày xét nghiệm sàng lọc và đánh giá lại để quyết định tổ chức học trở lại nếu không phát hiện lây nhiễm thứ phát.

Nếu có lây nhiễm thứ phát thì tiếp tục sàng lọc các đối tượng vào ngày thứ 5, ngày thứ 7 để phân lọc F0, F1 và có thể tổ chức học trở lại cho các trường hợp âm tính. Các trường hợp F0, F1 được xử lý theo quy định... 

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Nam Định, cho đến nay, tỉ lệ tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 của khối Phòng Giáo dục: Học sinh từ 12 – 15 tuổi là 96,8%; giáo viên là 97,8%; tỉ lệ tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 của học sinh khối THPT, GDTX là 97,6%, của giáo viên THPT, GDTX là 98%. Hiện tại, ngành giáo dục tỉnh Nam Định đang triển khai hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho giáo viên, mũi 2 cho học sinh và tiếp tục khảo sát nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ