Linh hoạt nhân rộng Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Với những giá trị ưu việt mà Mô hình Trường học mới (VNEN) đã mang lại, trong năm học mới này Hà Nội tiếp tục nhân rộng Mô hình Trường học mới tại các quận huyện trên thành phố.

Lớp học theo Mô hình VNEN tại Trường TH Nhật Tân (quận Tây Hồ)
Lớp học theo Mô hình VNEN tại Trường TH Nhật Tân (quận Tây Hồ)

Mang lại hiệu quả giáo dục tích cực

Tại Hà Nội, trong năm học 2014 – 2015 (năm thứ ba thực hiện thí điểm theo Mô hình Trường học mới), ngành GD&ĐT Hà Nội triển khai mô hình với 58 lớp học VNEN tại 15 đơn vị quận, huyện. Với hình thức khuyến khích, vận động, Hà Nội thực hiện mỗi quận, huyện thí điểm ít nhất tại 2 trường, và mỗi khối thí điểm ít nhất tại 2 lớp để các thầy cô giáo dễ học hỏi trao đổi kinh nghiệm. Trong đó các quận tích cực áp dụng mô hình này là Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên.

Qua quá trình thí điểm tại các nhà trường, mô hình cũng đã khẳng định được tính khả thi, tiên tiến với xã hội. Các chuyên gia, các nhà khoa học, giáo viên và cha mẹ học sinh đã có niềm tin về hướng đi cũng như cách làm của VNEN đối với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Có dịp đến thăm các lớp học tham gia Mô hình VNEN tại các quận huyện của thành phố Hà Nội, như các trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì), An Dương, Tứ Liên (Tây Hồ) và Trưng Trắc (Hai Bà Trưng) mới thấy rõ những thay đổi trong từng hoạt động cụ thể của thầy, của trò. 

Các giáo viên tham gia đứng lớp đều chia sẻ: Những thay đổi này xuất phát trước hết từ sự điều chỉnh thiết kế nội dung bài học. Mỗi bài học được thiết kế theo một vấn đề, chia làm ba bước: 

Đầu tiên là HS tự học để nắm được kiến thức; bước thứ hai là HS vận dụng những kiến thức được học để giải quyết nhiệm vụ trực tiếp; bước thứ ba là ứng dụng những kiến thức đó vào điều kiện thực tế của nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Theo đánh giá của các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp, việc thiết kế và triển khai những nội dung dạy học theo cách thức như vậy đã làm thay đổi việc tiếp cận kiến thức của HS và phương pháp giảng dạy của giáo viên. 

Trong quá trình học, HS học theo nhóm, giáo viên quan sát, hướng dẫn từng nhóm hoàn thành các bước theo yêu cầu bài học và kịp thời hỗ trợ những em gặp khó khăn.

Tiếp tục triển khai nhân rộng

Bước vào năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có chủ trương nhân rộng Mô hình VNEN trên phạm vi toàn thành phố. Trong công văn gửi các Phòng GD&ĐT, Sở đã hướng dẫn mở rộng thêm trường tiểu học áp dụng Mô hình Trường học mới. Theo đó, Hà Nội có chủ trương tiếp tục nhân rộng thí điểm VNEN ở 100% các quận, huyện, thị xã.

Chia sẻ về việc áp dụng Mô hình Trường học mới tại thành phố Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: 

Tất cả các trường tiểu học đều có thể áp dụng và nhân rộng Mô hình Trường học mới theo 1 trong 2 hình thức: Áp dụng thí điểm ở một số khối lớp hoặc một số lớp của từng khối (mỗi khối lớp (tối thiểu là hai lớp) trong nhà trường); Áp dụng toàn trường cho tất cả khối lớp từ khối 2 đến khối 5 theo Mô hình VNEN như Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì). 

Vì vậy trong văn bản hướng dẫn, Sở GD&ĐT yêu cầu các Phòng GD&ĐT căn cứ nhu cầu, điều kiện của địa phương đăng ký nhân rộng mô hình theo một trong các hình thức nói trên.

Để đảm bảo nhân rộng Mô hình VNEN, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tuyên truyền Mô hình VNEN cho giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng. 

Việc áp dụng nhân rộng mô hình phải là hoạt động hoàn toàn mang tính tự nguyện của các trường. Vì vậy cần tuyên truyền vận động để giáo viên tự nguyện, tâm huyết; Cha mẹ học sinh tự giác, tham gia một cách tích cực và chủ động. Phòng GD&ĐT báo cáo với UBND các quận, huyện để có cơ sở hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, hoặc được phép vận động dưới hình thức xã hội hóa cho các nhà trường áp dụng nhân rộng mô hình; Tham mưu với UBND các cấp hỗ trợ nguồn kinh phí để mua tài liệu của giáo viên và học sinh đáp ứng yêu cầu dạy học mới.

Nội dung áp dụng của Mô hình Trường học mới sẽ bao gồm cơ sở vật chất lớp học sắp xếp theo mô hình hoạt động nhóm, có góc học tập, góc thư viện, góc cộng đồng, trang trí theo chủ điểm thân thiện với học sinh; Tổ chức và quản lý lớp học theo Hội đồng Tự quản và các Ban chuyên môn của học sinh; Tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục; Thực hiện chương trình, tài liệu, sách hướng dẫn và sách giáo khoa theo hướng dẫn của Dự án Mô hình VNEN do Bộ GD&ĐT chỉ đạo và triển khai.

Trong năm học mới này, Sở GD&ĐT Hà Nội có chủ trương triển khai nhân rộng mô hình này tại 6 trường THCS của Hà Nội. Quận Cầu Giấy sẽ có 3 trường; quận Long Biên có 2 trường và quận Hoàn Kiếm có 1 trường. 

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn về Mô hình Trường học mới cho cán bộ và giáo viên THCS trước năm học mới, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - chỉ đạo: 

Mô hình VNEN sẽ được triển khai theo hướng mở. Không phải triển khai tất cả các khối, không phải tất cả các môn. Môn nào tốt, khối nào tốt thì triển khai trước.

Đề án cho bậc THCS chỉ tập trung vào việc tập huấn khoảng 2.000 cán bộ, giáo viên trong tổng số 3 - 4 vạn giáo viên tham gia chương trình này. 

Tuy nhiên, các nhà trường, thầy cô giáo có thể tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn thực hiện mô hình này ở hàng ngàn trường tiểu học các năm trước và sử dụng tài liệu của Bộ GD&ĐT sử dụng chung cho giáo viên, học sinh, phụ huynh để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ