“Liều thuốc tinh thần” trong trường học

GD&TĐ - Hoạt động tư vấn tâm lý vô cùng cần thiết trong mỗi nhà trường, giống như “liều thuốc tinh thần” giúp học sinh vượt qua những khủng hoảng tâm lý.

“Liều thuốc tinh thần” trong trường học

Ông Phan Xuân Quyết - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên – nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về công tác chỉ đạo hoạt động tư vấn tâm lý học đường trong trường học tại Hưng Yên.

- Ông có thể chia sẻ thực trạng tổ chức tư vấn tâm lý học đường trong các trường học của Hưng Yên hiện nay?

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 187 trường mầm non, 170 trường tiểu học, 171 trường THCS, 37 trường THPT và 2 trường phổ thông nhiều cấp học. Mạng lưới GD&ĐT Hưng Yên tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh.

Do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống tâm lý học sinh nói chung, học sinh trung học nói riêng có những biến động to lớn với nhiều biểu hiện đáng lo ngại. Các em thường gặp những khúc mắc trong học tập, tâm sinh lí, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè… Nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời, rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc: nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường,... thậm chí tự tử, gây án mạng.

Trong những năm gần đây, các cấp quản lý giáo dục đã quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, tại điều 16 mục 1 có nêu chức danh “cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh”;

Tại điều 31 mục 6 nêu rõ: Giáo viên làm công tác tư vấn cho học sinh là giáo viên trung học được đào tạo hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ tư vấn; có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh và học sinh để giúp các em vượt qua những khó khăn gặp phải trong học tập và sinh hoạt.

Trong hoạt động này, mỗi địa phương đang có những bước đi và cách làm khác nhau.

Đối với Hưng Yên, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các giải pháp thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong các nhà trường, ngành GD&ĐT cũng chú trọng triển khai các nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh: Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV; công tác tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em, quan tâm giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em, học sinh.

Hằng năm, Sở GD&ĐT Hưng Yên đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác tư vấn tâm lý học sinh. Nội dung này được lồng ghép trong các hướng dẫn nhiệm vụ năm học, các văn bản hướng dẫn thực hiện các kế hoạch, đề án, các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Trên cơ sở các văn bản quán triệt, chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc đã nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện, cụ thể:

10/10 phòng GD&ĐT đã triển khai và quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo của Sở về công tác tư vấn tâm lý học sinh, công tác phòng chống bạo lực học đường, đến cán bộ quản lý trong ngành; chỉ đạo các trường triển khai quán triệt đến 100% cán bộ, giáo viên và học sinh trong huyện.

Các đơn vị nhà trường đã tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý, đồng thời lồng ghép các hoạt động này và công tác giáo dục học sinh vào các hoạt động của nhà trường, các hoạt động dạy học, các giờ chào cờ đầu tuần, các tiết tham gia hoạt động ngoại khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp.

- Bộ GD&ĐT ban hànhThông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Hưng Yên đã triển khai Thông tư này như thế nào?

Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông có hiệu lực thi hành từ ngày 2/2/2018. Sở GD&ĐT Hưng Yên đã giao cho phòng Chính trị, tư tưởng chủ trì hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các đơn vị giáo dục trực thuộc trong tỉnh tổ chức thực hiện Thông tư này tại các nhà trường.

Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về chế độ chính sách để hỗ trợ, động viên cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm thực hiện công tác tư vấn tâm lý.

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư vấn tâm lý học sinh đối với cán bộ, giáo viên có liên quan (giáo viên phụ trách kiêm nhiệm, giáo viên làm công tác Đoàn ,đội, giáo viên chủ nhiệm...).

- Các trường phổ thông được yêu cầu bố trí phòng tâm lý riêng. Địa phương có gặp khó khăn khi triển khai yêu cầu trên? Giải pháp tháo gỡ khó khăn đó là gì?

Tại Hưng Yên, nhiều trường cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu trang thiết bị, phòng học hoặc các phòng làm việc nên nếu bố trí một phòng riêng để làm phòng tư vấn tâm lý thì còn nhiều trường chưa đủ điều kiện.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn của địa phương là: Những trường chưa có phòng riêng làm phòng tư vấn tâm lý thì tạm thời sử dụng cùng với phòng của Đoàn, Đội hoặc phòng họp hội đồng hoặc khắc phục các phòng nào đó của trường sao cho phù hợp để đảm bảo công tác tư vấn cho học sinh vẫn đạt được yêu cầu là giữ được bí mật riêng tư của mỗi cá nhân học sinh.

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của địa phương về thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông? Phương hướng triển khai công tác này trong thời gian tới?

Sở GD&ĐT Hưng Yên xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học sinh để chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực đủ chất lượng phục vụ hoạt động tư vấn tâm lý học sinh.

Sở cũng chỉ đạo các nhà trường thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh của nhà trường, quy định chức năng, nhiệm vụ, phổ biến về mục đích, nội dung của hoạt động tư vấn tâm lý học đường để giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh hiểu và có cái nhìn đúng đắn với những học sinh tìm đến Phòng tư vấn.

Tổ tư vấn tâm lý cần có mạng lưới cộng tác viên là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách, cán bộ lớp để nắm bắt tình hình nhằm chủ động tư vấn hay tư vấn phòng ngừa; không thụ động chờ học sinh tự đến nhờ tư vấn.

Các thành viên Tổ tư vấn tâm lý chủ động giới thiệu đến học sinh hoạt động của phòng tư vấn tâm lý qua trang tin điện tử của trường, trả lời thắc mắc của học sinh qua thư điện tử… tạo cho học sinh có nhu cầu và kích thích nhu cầu sử dụng tư vấn tâm lý học đường để nâng cao chất lượng cuộc sống, học tập của các em

Phòng tư vấn tâm lý cần bố trí ở nơi kín đáo, lịch sự tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho học sinh khi đến liên hệ. Nên trang bị một số sách, báo mà học sinh ưa thích trong phòng này.

Ngoài việc tư vấn riêng khi học sinh có nhu cầu, Tổ tư vấn tâm lý cần tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo để tư vấn chung cho học sinh (tư vấn truyền thông) và tạo điều kiện để học sinh được đối thoại nhiều hơn.

Tổ tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong và ngoài nhà trường khi thấy cần thiết có sự hỗ trợ đặc biệt.

Không chỉ tư vấn cho học sinh mà còn phải tư vấn cho cả cha mẹ học sinh để họ biết cách quản lý con cái và phát hiện sớm những tâm tư, biểu hiện của học sinh thì việc tư vấn cho học sinh mới thực sự hiệu quả.

Giáo viên tư vấn hoặc Tư vấn viên phải thân thiện, khéo léo gợi mở để học sinh “trải lòng” và phải giữ bí mật thông tin mà học sinh tiết lộ. Làm sao để học sinh tin tưởng và thích đến Phòng tư vấn tâm lý vào giờ ra chơi hay lúc rảnh rỗi để trò chuyện và được thấu hiểu.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.