Liệu iPhone của bạn đang dùng có phải hàng dựng?

Trước nhu cầu về iPhone của người dùng Việt khá lớn, một số nhóm người đã tận dụng cơ hội này để trục lợi. Ngoài smartphone chính hãng – hàng chuẩn, thì còn có những iPhone giả 100% và iPhone dựng.

Liệu iPhone của bạn đang dùng có phải hàng dựng?

Trong bài viết này chúng tôi xin phép không đề cập đến iPhone giả, mà thay vào đó là iPhone dựng để người dùng có thêm kiến thức lựa chọn cho mình một sản phẩm chính hãng, tránh bị “tiền mất tật mang”.

Thế nào là iPhone dựng?

Hẳn nhiều người trong số chúng ta có thể nghĩ rằng iPhone dựng là đồ rởm, nhưng sự thật không hẳn thế. Có thể hiểu rằng, iPhone dựng là iPhone sở hữu các thành phần chính trên main vẫn là của Apple nhưng có thể đã bị thay một số bộ phận như vỏ, màn hình, pin, camera... do những thành phần này đã bị hỏng hoặc gặp sự cố từ trước đó.

Ngoài ra, mặc dù là main của Apple nhưng nó có thể đã được sửa chữa như hàn lại các bo mạch, chạy lại dây chứ không phải là main nguyên bản 100%.

Cũng cần phải nhắc đến ở đây, main là Bo mạch chủ (motherboard) là một bảng mạch đóng vai trò nền tảng của một bộ máy, được đặt ở vị trí trung tâm thùng máy (case). Nó phân phối điện cho CPU, RAM, và tất cả các thành phần khác thuộc phần cứng của máy.

Quan trọng nhất là bo mạch chủ tạo ra mối liên kết giữa các thành phần này với nhau. Main qua sửa chữa là mainboard bị thay thế các IC hay CHIP từ các mainboard khác sang. Và tất cả các linh kiện IC/CHIP trên mainboard đều là hàng chính hãng Apple, chứ không phải là các linh kiện giả ghép vào.

Tuy nhiên, mainboard đã qua sửa chữa thì chất lượng cũng như tuổi thọ và độ bền là điều không ai dám chắc, do chúng không được lắp ráp bởi đội ngũ kỹ sư của Apple mà là những thợ bên ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, thậm chí là cả Việt Nam.

iPhone hàng dựng ngoài việc sửa chữa và thay thế các thành phần hư hỏng ra thì chúng còn được đóng lại với một bộ vỏ mới, được khắc số Imei trùng với số Imei của máy.

Nếu bạn không am hiểu về máy móc, thì việc mua phải một chiếc iPhone dựng là điều hoàn toàn có thể. Nhiều khi phía bán hàng còn bán iPhone dựng với giá của iPhone xách tay chính hãng.

Hình ảnh phản ánh của một người dùng

iPhone đang dùng bỗng đơ thành “cục gạch”

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi vậy thì bo mạch chủ chính hãng Apple ở đâu ra, liệu có hay không việc tuồn linh kiện iPhone chính hãng ra bên ngoài?

Thời gian gần đây, nhiều người dùng bất ngờ phản ánh hiện tượng iPhone khi được chủ nhân tiến hành reset (cài đặt lại tất cả các cài đặt chung và cài đặt) bỗng nhiên bị “đơ”, không thể điều khiển, màn hình trắng xóa và chỉ còn hiện thị dòng chữ “Thiết bị không xác định”.

Có một số người dùng khi gặp phải hiện tượng này đã cho rằng có thể chiếc iPhone gặp một lỗi gì đó từ hệ điều hành hay việc nâng cấp lên phiên bản iOS 10.3 mới nhất của Apple khiến thiết bị xảy ra sự cố này. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên hơn nữa là những phản ảnh về hiện tượng này trên iPhone lại chỉ xảy đến với những thiết bị là hàng xách tay.

Sự việc này làm nhiều người nhớ lại sự cố trên iPhone xảy ra vào khoảng tháng 10 năm ngoái, người dùng cũng như giới buôn bán iPhone gặp tổn thất nặng nề khi hàng loạt iPhone bản quốc tế bị Apple khóa lại.

Nhưng sự việc lần này có vẻ không giống như vậy, vì iPhone bản lock còn có thể khắc phục được, chứ thiết bị không xác định thì “vô phương cứu chữa”, khiến người dùng vô cùng hoang mang.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu, lỗi này xuất hiện từ ngày 02/04 và đến nay vẫn đang tiếp diễn. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra từ trước đến nay.

Và rất có thể những chiếc iPhone dính lỗi này là hàng dựng và linh kiện của thiết bị là lấy cắp từ trong các nhà máy sản xuất của Apple, nên hãng này đang mở cuộc “càn quét” và tiến hành khóa những thiết bị như vậy.

Tuy nhiên, ý kiến trên vẫn chỉ là giả thiết và không loại trừ khả năng đây chỉ là một lỗi tạm thời từ máy chủ Apple và sẽ được khắc phục trong vài ngày tới.

Người dùng phải làm gì?

Các chuyên gia cho rằng, để tránh rơi vào những trường hợp nói trên, tốt hơn hết là người dùng nên mua hàng iPhone mới, chính hãng từ các đại lý, trung tâm uy tín.

Cần hết sức cẩn trọng khi mua iPhone cũ, không rõ nguồn gốc, vì hiện nay trên thị trường Việt Nam, các phiên bản iPhone bị làm giả, hàng lỗi, hàng dựng khá nhiều, chỉ vì tiết kiệm 1 – 2 triệu đồng, bạn có thể gặp phải những rắc rối không đáng có trong quá trình sử dụng.

Kể cả bạn mua iPhone cũ từ một chỗ quen biết, cũng nên reset bằng cách vào Cài đặt > Cài đặt chung > Đặt lại > Xóa tất cả và khởi động lại máy xem có vấn đề gì không, cần kiểm tra kỹ toàn bộ máy, từ vỏ hộp, số emei và hóa đơn mua hàng nếu có.

Theo XHTT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ