Liệu Covid-19 có “biến mất” tại Việt Nam như Nhật Bản?

GD&TĐ - Mặc dù có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cao, nhưng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng.

Việt Nam tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng trong tuần qua.
Việt Nam tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng trong tuần qua.

Theo các chuyên gia, Nhật Bản ghi nhận sự sụt giảm trong số ca mắc Covid-19 có thể là vì một số lý do chưa giải thích được như: Cơ địa, enzyme, hay gen châu Á khiến virus nhân đôi chậm hơn.

Phòng vệ cá nhân

Hiện tượng số ca mắc Covid-19 giảm ở các nước châu Phi và Nhật Bản đã khiến các chuyên gia ngạc nhiên. Số ca mắc tại những khu vực này giảm “ngoạn mục” với chỉ hàng chục ca mỗi ngày. Trong khi đó, số người tử vong giảm còn vài trường hợp. Trái lại, hàng loạt quốc gia dù có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn đang vật lộn với dịch bệnh, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ về hiện tượng này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) dẫn chứng: “Tờ Los Angeles Times đăng một bài phân tích nói rằng, thành công của Nhật Bản có thể là do các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn và nhanh chóng, hạn chế các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, yêu cầu về nhà sau 8 giờ tối vào cuối tháng 8, cùng với thói quen đeo khẩu trang của người dân Nhật Bản”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh của Việt Nam, gần 100% người trên 18 tuổi đã được phủ vắc-xin Covid-19, tiêm đủ liều. Song, hiện tượng Covid-19 suy yếu không xảy ra như Nhật Bản.

“Tôi cho rằng, Covid-19 biến mất ở Nhật Bản là do ý thức phòng vệ cá nhân. Hiểu biết chính là vắc-xin tốt nhất trong lúc này. Phòng vệ cá nhân là vắc-xin hiệu quả nhất thời điểm này”, bác sĩ Phúc nhận định.

Yếu tố về gen?

Theo thống kê của Bộ Y tế trong một tuần qua, Việt Nam liên tục ghi nhận số ca nhiễm trong 24 giờ ở ngưỡng 9.000 - 10.000, tăng cao so với khoảng thời gian cuối tháng 10. Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với SARS-CoV-2, các địa phương vẫn tiếp tục được yêu cầu đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) nhận định, có một số lý do có thể góp phần vào sự sụt giảm trong số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản.

Trước hết, tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 ở người Nhật Bản là 70% (so với chưa đến 60% tại Mỹ). Ngoài ra, một số yếu tố khác bao gồm ngày nghỉ lễ đã qua, thời tiết tốt hơn khiến nhiều người ra ngoài trời. Người dân Nhật Bản cũng có ý thức chấp hành và kỷ luật tốt.

Bên cạnh đó, bệnh nền (béo phì, cao huyết áp) của người Nhật Bản cũng ít hơn so với các nước khác. Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có hệ thống y tế tốt (thuộc top 10 trên thế giới). Theo PGS Trần Huỳnh, còn một số lý do khác chưa giải thích được như: Cơ địa, enzyme, hay gen châu Á khiến virus nhân đôi chậm hơn.

Tại châu Phi, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp, song, khu vực này cũng chứng kiến sự sụt giảm trong số ca mắc Covid-19. Theo PGS Huỳnh, lý do có thể là vì dân số trẻ (trung bình 20 tuổi) nên ít bị nhiễm, mau bình phục và ít lây lan hơn.

Ngoài ra, dân số tại đây thường sống rải rác, ít tập trung nơi đô thị. Người dân cũng có hệ miễn dịch mạnh. Họ bị phơi nhiễm các bệnh nguy hiểm thường xuyên như sốt rét nên có kháng thể tốt. Một số yếu tố khác bao gồm: Dân số thường ở ngoài trời hơn trong nhà; Gen và cơ địa; Ít bệnh lý nền hơn các nước khác.

“Chúng ta thấy Covid-19 có thể giảm hẳn thật sự. Covid-19 gần như biến mất. Mặc dù chưa biết con số ca nhiễm thấp tại Nhật sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng chúng ta đã thấy có hy vong cuối đường hầm khi có thêm nghiên cứu về thuốc chống virus, độ phủ vắc-xin tăng cao, thêm hiểu biết về hệ miễn dịch và các phát hiện về SARS-CoV-2/Covid-19”, PGS.TS Trần Huỳnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.