Ths.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em, BV Châm cứu TƯ cho biết, nhiệt độ miền Bắc rét sâu về đêm và sáng sớm nên số lượng bệnh nhân nhập viện do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân.
Chị Đỗ Thị H. (42 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ, cách đây gần 1 tháng, chị dậy sớm tập thể dục, vừa mở cửa thì bị gió lạnh lùa vào.
|
Trẻ nhỏ cũng nhập viện do liệt nửa mặt |
“Lúc đầu tôi thấy cơ mặt mình hơi căng, sau đó đau đầu nhiều. Khi về nhà ăn sáng, thấy thức ăn cứ rơi ra không kiểm soát được, nhìn lại phát hiện miệng bị méo mới đi khám”, chị H. kể. Đến nay chị H. đã điều trị hơn 3 tuần nhưng cơ mặt mới cải thiệt được trên 70%.
Tương tự, bé Nguyễn Minh K. (4 tuổi) bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do ra ngoài lạnh đột ngột vào buổi sáng.
Chị Minh, mẹ bé K. chia sẻ, ban đầu chị không nghĩ con mắc bệnh, chỉ nghĩ do lạnh và bị nẻ nên mặt con có chút thay đổi, đến khi thấy con khóc méo mồm mới phát hiện mặt đã bị liệt.
Theo BS Tâm, đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp nhẹ không phát hiện ra bệnh, chỉ khi cười, nói chuyện, ăn uống thấy méo miệng mới đến viện khám.
Trẻ em nhập viện ngày càng nhiều
BS Tâm cho biết, bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ở mọi lứa tuổi, song thời gian gần đây, nhóm trẻ em có xu hướng gia tăng.
Hầu hết bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đều có triệu chứng méo mồm, liệt nửa mặt, mắt không nhắm được, ăn uống rơi vãi, miệng không huýt sáo được…
BS Tâm thuỷ châm và điện châm cho bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 |
Theo BS Tâm, nguyên nhân chủ yếu do cơ thể gặp lạnh đột ngột sẽ gây phù nề dẫn đến chèn ép dây thần kinh trong xương đá (xương sau mang tai) làm mất dẫn truyền giữa thần kinh trung ương ra ngoài, gây liệt.
Khi gặp hiện tượng trên, BS Tâm cho rằng bệnh nhân không cần thiết phải chụp cắt lớp gây tốn kém, thay vào đó chỉ cần làm điện cơ để thăm dò sự dẫn truyền, đánh giá độ liệt.
Để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể áp dụng tây y hoặc đông y, cần điều trị sớm và đúng cách nếu không có thể để lại di chứng liệt cứng, điều trị rất khó khăn.
Trong tây y, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh chống viêm và chống phù nề. Trong đông y sẽ kết hợp nhiều phương pháp như: Điện châm, thuỷ châm, cấy chỉ cagut vào huyệt, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại nhằm làm ôn ấm các huyệt ở mặt. Cùng với đó bệnh nhân tự tập cơ mặt bằng cách tập há mồm, nhai kẹo cao su, giữ ấm cơ thể.
Để phòng bệnh, BS Tâm khuyến cáo người dân không nên ra ngoài trời lạnh đột ngột, không nên đi thể dục quá sớm, phải giữ ẩm cơ thể, không tắm quá muộn.