Liên thông phải được trả lại đúng bản chất

Liên thông phải được trả lại đúng bản chất

(GD&TĐ)- Trong thời gian qua, đào tạo liên thông bị biến tướng, biến dạng, đi sai mục tiêu, khiến đào tạo liên thông biến thành một loại hình đào tạo mà thực ra theo Luật nó chỉ là biện pháp tổ chức đào tạo giúp người học bảo lưu kết quả đã học nhằm rút ngắn thời gian, công sức, tiền bạc. Liên thông cần phải được trả lại đúng với bản chất và giá trị thực của nó – ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định với Báo Giáo dục và Thời đại.

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: gdtd.vn
Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: gdtd.vn

PV. Phải chăng, thông tư 55 quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ra đời là nhằm trả lại cho liên thông về đúng bản chất như ông đã nói ở trên?

Ông Bùi Anh Tuấn: Ngày 25/12/2012, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng,  đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 7/2/2013; thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học và Điều 2 Thông tư số 43/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường cao đẳng.

Bắt tay vào làm từ năm 2011, lẽ ra ban hành vào giữa năm 2012 nhưng đến cuối năm 2012 thông tư 55 mới chính thức ban hành được. Từ những ý kiến đóng góp rộng rãi của xã hội khi dự thảo thông tư được đưa lên mạng lấy ý kiến hay từ nhiều cuộc hội thảo cấp Bộ, cấp trường, ý kiến của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội …, ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến và thông tư chính thức có nhiều thay đổi theo hướng hợp lý hơn, khoa học hơn so với dự thảo ban đầu. Điều đó cho thấy ban soạn thảo đã rất thận trọng khi ban hành thông tư này.

Còn về lý do ra đời của thông tư 55, trước hết vì Quyết định 06 sau một thời gian triển khai đã xuất hiện nhiều điểm chưa hợp lý và không bao quát được hết thực tế đào tạo liên thông hiện nay.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2013, Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực. Những văn bản không đúng với tinh thần của Luật này đều phải rà soát, sửa đổi. Gần 40 văn bản phải rà soát, biên soạn mới theo tinh thần nói trên. Việc ban hành Thông tư 55 không chỉ là một trong những lộ trình phải làm khi Luật Giáo dục Đại học chính thức đi vào cuộc sống mà còn nhằm thực hiện kết luật Hội nghị Trung ương 6 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.

Nhưng lý do quan trọng nhất ra đời thông tư 55 chính là đòi hỏi từ thực tế cuộc sống. Trong thời gian qua, đào tạo liên thông đã bị biến tướng, biến dạng, bị đi sai mục tiêu, sai những giá trị đúng của đào tạo liên thông, làm đào tạo liên thông biến thành một loại hình đào tạo trong khi nó chỉ là một biện pháp tổ chức đào tạo giúp người học bảo lưu kết quả học tập nhằm rút ngắn thời gian, công sức, tiền bạc. Vì sự biến tướng này mà tự nhiên xã hội lại có 2 loại bằng chính quy, bằng chính quy thông thường (với kỳ thi 3 chung) và bằng chính quy liên thông. Hai loại văn bằng chính quy do cùng trường cấp ra, nhưng chất lượng và giá trị thực lại khác nhau rất xa.
 
Không chỉ có vậy, trong quá trình triển khai đào tạo liên thông, nhiều trường đã không tuân thủ các quy định hiện hành. Có trường rõ ràng đào tạo vừa làm vừa học nhưng lại công bố đào tạo cấp bằng chính quy; đào tạo ngoài trường, ngoài giờ cũng cấp bằng chính quy để thu hút người học. Bên cạnh đó, theo quy định, liên thông từ TC lên ĐH. Từ TC nghề lên CĐ và ĐH, từ CĐ nghề lên ĐH phải được Bộ cho phép nhưng nhiều trường không đủ điều kiện để thực hiện, đào tạo chui. Khi Bộ công khai danh sách 16 trường được đào tạo liên thông này, người học và xã hội đã phát hiện thêm nhiều trường sai phạm khiến dư luận xã hội bức xúc.

Hay về nói riêng về chương trình đào tạo, bản chất của liên thông không phải là xây dựng riêng cho nó một chương trình đào tạo mà chỉ là bảo lưu kết quả học tập của giai đoạn trước. Nhưng trên thực tế, hầu hết các trường mà Bộ khảo sát đều xây dựng một chương trình đào tạo liên thông riêng với chuẩn đầu ra thấp hơn chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chính quy, rồi trong quá trình thực hiện đã cắt xén chương trình đào tạo, không chú ý tới các điều kiện đảm bảo chất lượng… Tất cả những điều đó khiến cho chất lượng đào tạo liên thông thấp và thực tế, nhiều nhà tuyển dụng đã nói không với tấm bằng liên thông, quyền lợi của người học không được đảm bảo.

Mở hơn nhưng chú trọng siết chặt chất lượng


PV. Một số dư luận cho rằng, quy định đào tạo liên thông mới làm khó cho người học, cho nhà trường, Bộ GD&ĐT có phản hồi thế nào về thông tin này?

Ông Bùi Anh Tuấn: Thực chất quy định mới có cái chặt chẽ hơn, nó đi vào chất lượng hơn, nhưng lại có nhiều cái rất mở.

Quy chế mới mở ở chỗ không quy định cùng ngành nghề đào tạo mới được học liên thông; các môn thi tuyển sinh do các trường lựa chọn đối với tổ chức thi cho người học ra trường 3 năm; cũng không quy định khá, giỏi mới được thi; cũng không quy định phải xác nhận thâm niên công tác của nơi công tác; người học có quyền lựa chọn có thể thi ngay cũng có thể sau 36 tháng mới dự thi…vv. Điều hay nữa là, theo quy định mới, nếu học liên thông chính quy, trường phải thu học phí theo kiểu chính quy, học liên thông vừa làm vừa học thì thu đúng theo vừa làm vừa học.

Tuy nhiên, điểm nhấn của thông tư 55 là nâng cao chất lượng, trả lại đúng giá trị cho người học, trả lại đúng sứ mệnh cho nhà trường.

Mục tiêu tồn tại của các trường TC, CĐ, CĐ nghề, TC nghề không phải là để đào tạo liên thông mà là cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, nhưng rất tiếc có nhiều trường đã biến mục tiêu đào tạo của mình thành đào tạo liên thông. Xã hội hiện có cần những người tốt nghiệp TC, CĐ nghề không? Rõ ràng là rất cần và thực tế nhà nước và xã hội đã đầu tư mà đầu tư cho các trường này mà đầu tư cho các trường nghề là rất tốn kém. Nhưng nếu các trường này, không bám theo sứ mạng, mục tiêu đào tạo của mình là cung cấp nhân lực cho xã hội mà lại chạy theo liên thông, cho liên thông làm mục tiêu liên thông thì cần phải xem xét lại.

Không chỉ có vậy, vì chạy theo mục tiêu đào tạo liên thông, nhiều trường còn thay đổi cả chương trình đào tạo cho sát với trường liên thông nhằm liên thông cho dễ, biến trường thành trường mình thành cơ sở đào tạo liên thông cho trường ĐH.

Như vậy, mục tiêu đào tạo, sứ mạng nhà trường bị vi phạm, bị bóp méo, không còn đúng với bản chất nữa.

Còn với người học, nếu vào học TC, TC nghề, CĐ nghề thì không phải qua thi đầu vào, ngay cả thi CĐ điểm đầu vào thấp hơn thi ĐH. Với đầu như vậy, sau khi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và học liên thông dễ dàng để có được tấm bằng ĐH. Rõ ràng là so với những sinh viên vào ĐH phải kinh qua một kỳ thi 3 chung rất khó khăn, vất vả là điều không công bằng. Trách nhiệm chung của chúng ta là cần lấy lại sự công bằng.

Thông tư 55 ra đời sẽ quy định chặt chẽ hơn, giúp các trường thực hiện đúng sứ mạng, trả lại đúng giá trị cho người học để khi họ cầm tấm bằng cảm thấy tự hào.

PV. Hiện nay các trường TC, CĐ, nhất là TC nghề, CĐ nghề đang gặp khó khăn trong tuyển sinh, với quy định này, chắc chắn việc tuyển sinh sẽ khó khăn hơn?

Ông Bùi Anh Tuấn: Nhà trường không phải tồn tại chỉ bằng đào tạo liên thông vì liên thông chỉ là một trong sô nhiều nguồn tuyển sinh của nhà trường. Các trường có đào tạo chính quy làm chuẩn, bên cạnh đó còn được phép đào tạo vừa học vừa làm, được phép đào tạo CĐ, đào tạo từ xa. Loại hình đào tạo của các trường khá phong phú, nếu chỉ tập trung vào đào tạo liên thông là sai trong định hướng và chiến lược phát triển. Nếu có trường nói liên thông là nguồn tuyển và đào tạo chủ yếu là quyết định đến tồn tại của trường thì trường đó cần phải xem lại mục tiêu đào tạo, chiến lược, giá trị của trường.

Nếu trường CĐ, TCCN. TC nghề, CĐ nghề tồn tại chỉ vì mục đích đào tạo liên thông thì liệu có cần phải đầu tư phát triển các trường đó nữa hãy không, hay để các trường ĐH, CĐ lấy thêm sinh viên bằng cạnh hạ bớt điểm xuống để tuyển thêm, chất lượng sẽ tốt hơn?

Các CĐ, TC đào tạo nghề tồn tại là có sứ mệnh riêng, để cung cấp nhân lực cho xã hội, đừng nói rằng họ tồn tại để đào tạo liên thông vì như vậy sẽ sai lầm.

Chúng ta đã trải qua một giai đoạn phát triển nóng, thực hiện chưa đúng về liên thông. Giờ đây, xã hội đòi hỏi chúng ta phải hiểu đúng, hiểu đúng rồi các trường phải làm đúng. Mong rằng, người học cũng hiểu đúng và làm đúng. Có như vậy chúng ta mới lấy được niềm tin của xã hội, lợi ích của người học, lợi ích bền vững của nhà trường mới được đảm bảo.

Quy chế mới không phải là đóng cửa con đường đại học của các bạn, mà tạo ra con đường rộng mở hơn, đảm bảo lợi chính đáng và hợp pháp của các bạn. 

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.