Cũng trong năm nay, Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ hai với chủ đề “Nhịp cầu châu Á” sẽ diễn ra vào đầu tháng Bảy, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 7 sẽ diễn ra trong quý IV.
Như vậy, một năm chúng ta có ba liên hoan phim quốc tế tổ chức ở ba thành phố lớn. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội có nhịp độ hai năm một lần. Hai liên hoan phim kia dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng là sự kiện thường niên. Chi phí cho mỗi hoạt động như vậy không nhỏ.
Đối với ngành điện ảnh, đây quả là những sự kiện lớn đầy sôi động, hứa hẹn mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác phát triển; đồng thời đặt nền móng cho rất nhiều mối quan hệ trong các lĩnh vực khác, hướng tới phát triển, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa.
Và tất nhiên, để hiện thực hóa những “tầm nhìn”, “sứ mệnh” ấy thì cần lộ trình dài hơi. Vì đầu tư cho nghệ thuật và văn hóa không thể một sớm một chiều.
Thế giới đang có hàng nghìn liên hoan phim hàng năm, nhưng những liên hoan phim uy tín thì chỉ ở hàng chục. Số còn lại rơi tõm vào khoảng lặng. Trong số còn lại ấy có các liên hoan phim ở nước ta hay không?
Thực tế với Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, dù đã qua 6 lần tổ chức nhưng vẫn lạ lẫm với người dân của chính đất Thủ đô. Khách đến khách đi ào như gió cuốn. Các kế hoạch hợp tác chìm vào im lặng.
Ba liên hoan phim, về cơ bản không khác nhau về mục đích và nội dung, cách thức tổ chức. Danh sách các phim Việt tham gia cũng chỉ loanh quanh một số phim thương mại và một số phim nghệ thuật. Sự ồn ào nhiều hơn là lắng đọng.
Trong thế giới hội nhập, khi Internet phủ sóng toàn cầu, các nền tảng chiếu phim trực tuyến nở rộ thì giới làm nghề cũng như khán giả trong nước được cọ xát với nhiều tác phẩm điện ảnh lớn cùng thời điểm với khán giả thế giới. Những thông tin điện ảnh được cập nhật liên tục. Không có chuyện chúng ta lạc hậu với thế giới.
Tác phẩm là sự nhận diện. Con người là trung tâm. Trong những năm qua, việc đào tạo người tài cho điện ảnh liên tục được đặt ra. Song nhìn vào mặt bằng các phim chiếu rạp sẽ thấy gương mặt rời rạc, nhỏ lẻ, nghèo nàn của điện ảnh nước nhà.
Vậy nên, trong bối cảnh kinh tế và văn hóa nước ta hiện nay, có cần thiết phải ồn ào đầu tư cho quá nhiều liên hoan phim? Có cần phải chạy theo bề nổi mà bỏ quên những điều thiết thực và gần gũi làm nên xương sống của một nền điện ảnh?