Khẩu hiệu của Liên hoan phim lần này cũng giống với 2 năm trước: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”.
Cách thức tổ chức cũng không khác so với những lần trước: Lễ khai mạc và trao giải - bế mạc được truyền hình trực tiếp, chiếu phim miễn phí tại rạp, giao lưu giữa nghệ sĩ và công chúng, tham quan tại một số điểm trong thành phố.
Cụm từ “công nghiệp điện ảnh” được lưu ý trong chủ đề của hai buổi hội thảo: “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” và “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”.
Có lẽ đến thời điểm này, công chúng đã quen thuộc với cụm từ “công nghiệp điện ảnh” cũng như mục đích gắn điện ảnh với quảng bá du lịch, quảng bá văn hóa, phát triển điện ảnh thành một ngành công nghiệp có khả năng thu lợi nhuận lớn. Trong mọi cuộc hội thảo, “công nghiệp điện ảnh” đều được nhắc đến như một từ khóa “hot”.
Song làm gì để có công nghiệp điện ảnh thì vẫn loay hoay. Những cuộc hội thảo với tên gọi thì hay nhưng nội dung thì tẻ nhạt đơn điệu, tốn công sức và tiền của, không đưa lại một giải pháp khả thi nào để vận dụng vào thực tế. Những bộ phim thực hiện bằng ngân sách Nhà nước vẫn kêu một bài ca về kinh phí ít và không thể phát hành thương mại.
Dòng phim tư nhân thì chất lượng không đồng đều, luôn phải đối diện với bài toán doanh thu. Những phim độc lập xin được nguồn đầu tư từ các quỹ điện ảnh, liên hoan phim trên thế giới cũng ít tiếp cận được với công chúng trong nước. Một nền điện ảnh yếu ớt, thiếu tư tưởng, thiếu thông điệp, thiếu một tầm nhìn có tính chiến lược.
Thiết nghĩ, hệ thống giải thưởng cũng như các liên hoan phim như vậy cũng đã đủ. Điều mà những nhà làm phim mong mỏi, ấy là một môi trường chuyên nghiệp. Môi trường ấy có sự quản lý vận hành thống nhất, có cọ xát nghề nghiệp, có phê bình thảo luận nghiêm túc, có các chợ phim chợ dự án để được cạnh tranh, có các đường hướng phối hợp giữa điện ảnh với các ngành sản xuất, thương mại và du lịch như kinh nghiệm từ các nền điện ảnh khác. Muốn đi xa phải đi cùng nhau là thế.
Hai năm cho một kỳ liên hoan phim. Thiết nghĩ những nhà quản lý cũng cần nhìn lại chặng đường vừa qua điện ảnh nước nhà đã có những bước đi như thế nào, “công nghiệp điện ảnh” đã làm được đến đâu. Từ đó, có những mục tiêu cụ thể, những đích đến cụ thể, trước khi kỳ Liên hoan lần thứ 24 ập đến. Còn không, thì lại vẫn tiếp tục câu khẩu hiệu “công nghiệp điện ảnh”.
Đến bao giờ thì khẩu hiệu trở thành hiện thực?