Ở năm thứ 13 của sự kiện thường niên này, gần 20 tác phẩm của điện ảnh tài liệu trong nước và 7 quốc gia châu Âu khác được trình chiếu theo hình thức xen kẽ một phim Việt và một phim nước ngoài.
Các buổi chiếu phim mở cửa tự do nhằm thu hút khán giả đến với thể loại này.
Nhiều năm nay, phim tài liệu nước ta tham dự các liên hoan phim tài liệu quốc tế và đoạt giải cao đã không còn là chuyện xa lạ. Nhưng để tổ chức một liên hoan phim tài liệu theo đúng chuẩn quốc tế, với đầy đủ ban bệ và hệ thống giải thưởng có lẽ vẫn còn là điều nằm trong dự định.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự phát triển, thay đổi của thể loại này trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, đặc biệt khi có sự tham gia của đội ngũ làm phim tài liệu độc lập.
Đặc thù của dòng phim này là tính “trực tiếp”. Nhân vật, câu chuyện, sự phát triển của tình huống truyện nằm trong dòng chảy đời sống khách quan, khó có thể áp đặt, sắp xếp. Ê-kíp thực hiện được tối giản.
Đạo diễn có thể kiêm quay phim, dựng phim, biên kịch; theo đuổi nhân vật theo đuổi câu chuyện từ năm này sang năm khác. Do đó, từ lúc chuẩn bị đến khi hoàn thiện, một dự án phim phải mất vài năm. Song bù lại, tác phẩm luôn đem tới trải nghiệm chân thật sống động.
Chính sự phát triển của điện ảnh tài liệu trực tiếp với sự tham gia của các nhà làm phim độc lập trẻ tuổi đã đem tới cho phim tài liệu nước ta một luồng sinh khí mới. Nó mở ra cho người xem những cảm xúc chân thực.
Nó tác động lại những nhà làm phim tài liệu theo phong cách truyền thống. Nó đặt ra yêu cầu phải đổi mới. Đổi mới để không bị rơi vào lạc hậu, xơ cứng với chính đời sống. Đổi mới để bắt kịp nhịp vận động, những cách thể hiện phong phú của phim tài liệu thế giới.
Nếu để ý một chút, ta sẽ nhận ra ngay những thay đổi của giới làm tài liệu truyền hình, hay các đạo diễn ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - địa chỉ đỏ của phim tài liệu nước nhà - thể hiện ở sự kiệm lời hơn, dồn nén hơn, chăm chút trong cách kể chuyện bằng hình ảnh, cố gắng hạn chế “phát thanh hóa” phim tài liệu.
Và tất nhiên, để làm được như vậy đòi hỏi nhiều công sức và thời gian ở hiện trường cũng như khâu dựng phim, hậu kỳ phim.
Phim tài liệu vốn đã kén khán giả. Đổi mới để gần hơn với đời sống, để sự thật cuộc sống ùa vào, với những vấn đề, những hình ảnh và âm thanh từ chính hiện trường – đó là một hướng đi đúng và rộng mở.
Thế nên, nếu có khó khăn vất vả, thì thành quả gặt hái được cũng rất đỗi ngọt ngào. Điều này không phải lý thuyết mà đã được chứng thực. Không tin, bạn hãy nhờ Google kiểm tra mà xem!