Cơ hội hay kỳ vọng ở Liên hoan phim quốc tế?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - TPHCM sẽ tổ chức Liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên vào tháng 4/2024. Thông tin này thu hút sự quan tâm của người yêu điện ảnh trong nước.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Như vậy, ngoài Liên hoan Phim Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm một lần và mang tính “nội địa”, thì đến thời điểm này chúng ta đã có 3 liên hoan phim quy mô quốc tế, gắn với tên gọi các thành phố lớn.

Đó là Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (định kỳ 2 năm một lần, đã tổ chức được 6 lần), Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng (đã tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5 vừa qua) và Liên hoan Phim quốc tế TPHCM (thường niên).

Sự bổ sung 2 liên hoan phim quốc tế mới gần đây đã giải tỏa được phần nào ý kiến thắc mắc, nhu cầu đặt ra ở nhiều diễn đàn hội thảo khi muốn có thêm các sự kiện điện ảnh lớn trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Còn nhớ lần đầu diễn ra sự kiện Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (2010), những người làm nghề và công chúng đã vô cùng náo nức, tin tưởng vào một sự thay đổi, cú “lột xác” ngoạn mục của điện ảnh nước nhà, cũng như cơ hội phát triển về văn hóa, du lịch.

Song đã hơn 10 năm trôi qua, sự thay đổi có tính cách mạng ấy vẫn chưa xảy ra. Mỗi một lần liên hoan phim, bên cạnh sự kỳ vọng là nỗi lo về khâu tổ chức thế nào cho chu đáo mới mẻ mà không bị “lạm chi”.

Các kinh nghiệm rút ra sau mỗi lần tổ chức hẳn không ít, song chưa có một sự đánh giá toàn diện về mức độ thành công của sự kiện so với mục tiêu đặt ra, những cơ hội nào đã tới với điện ảnh nói riêng cũng như với ngành công nghiệp văn hóa nói chung.

Với Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng vừa qua cũng vậy. Chưa tổ chức thì truyền thông rất thu hút. Tổ chức xong rồi thì trống chiêng tắt lặng. Một số giải thưởng được trao cũng không có tính thuyết phục, cho thấy sự kém sang trọng ở một liên hoan phim vốn được trông đợi là tầm vóc, mới mẻ.

Tất nhiên, đầu tư cho văn hóa nghệ thuật là sự đầu tư lâu dài, không phải công việc ngày một ngày hai. Cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà các hoạt động này đã đưa lại. Song nếu chỉ đặt ra các mục đích chung chung như: Cơ hội giao lưu hợp tác, cơ hội phát triển, cơ hội quảng bá… thì đến bao giờ mới hái được hoa, gặt được quả?

Thứ hạng của một nền điện ảnh nằm ở tầm vóc của các tác phẩm. Muốn phát triển điện ảnh, muốn dùng điện ảnh như một phương tiện để phát triển kinh tế thì ngoài những hoạt động bề nổi, quan trọng nhất phải là sự đầu tư chiến lược từ cái gốc, từ cái bên trong.

Điện ảnh Việt hiện nay đụng vào đâu cũng thấy thiếu, mà thiếu nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, đào tạo điện ảnh thì hời hợt, các hãng phim lớn của Nhà nước thì cầm cự, hãng phim tư nhân để sống được phải chạy theo thị hiếu thị trường, tạo ra các sản phẩm mì ăn liền.

Vậy nên, Liên hoan phim quốc tế là cần thiết. Nhưng đừng hoan hỉ và kỳ vọng quá nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.