Châu Âu cũng cho phép học sinh đi học lại trước kêu gọi của WHO trong khi nhiều nước châu Á vẫn dạy trực tuyến.
Tại Mỹ, thời gian tựu trường cho năm học 2021 - 2022 do chính quyền bang, liên bang quyết định. Hầu hết học sinh đã đi học trở lại từ tháng 8.
Hệ thống giáo dục Mỹ đang chia rẽ thành hai thái cực. Một mặt, bang New York, Pennsylvania… yêu cầu giáo viên, học sinh, nhân viên các trường phải đeo khẩu trang khi đến lớp nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Mặt khác, bang Florida, Texas, Iowa… quy định không cần đeo khẩu trang tại trường học.
Nhiều phụ huynh tán đồng với kế hoạch của New York, Pennsylvania. Tại những bang cấm đeo khẩu trang, cha mẹ bày tỏ lo lắng cho an toàn sức khỏe của con cái. Trước thềm năm năm học 2021 - 2022, Bộ Giáo dục Mỹ cho biết sẽ nỗ lực duy trì các lớp học trực tiếp, hạn chế tối đa giảng dạy kết hợp nhằm đưa cuộc sống học đường sớm trở lại bình thường.
Trong khi đó, tại châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước tái mở cửa trường học và có biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Tại Đức, học sinh tựu trường từ tháng 8, bất chấp tỷ lệ nhiễm Covid-19 của trẻ em, thanh, thiếu niên đang tăng. Hiện nay, chỉ thành phố Hamburg tổ chức học trực tuyến.
Học sinh được yêu cầu đeo khẩu trang trong lớp học. Một số trường tại khu vực có điều kiện được trang bị máy lọc không khí. Quyết định mở cửa trường học đã vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia, phụ huynh học sinh.
Một số quốc gia như Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch… mở cửa trường học từ tháng 9 với các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang khi đến trường, chia nhỏ sĩ số lớp, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Đặc biệt, tại Italy, giáo viên phổ thông phải có “thẻ xanh” Covid-19, chứng minh đã tiêm chủng đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính, khi đến trường.
Đồng tình với khuyến nghị của WHO, chính phủ các nước châu Âu cho biết, trường học cần phải mở cửa để đáp ứng nhu cầu học tập và tương tác xã hội của học sinh. Việc học trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời, không thể thay thế học trực tiếp. Ngoài ra, học trực tiếp giúp học sinh nâng cao kỹ năng xã hội, giảm thiểu vấn đề về sức khỏe tâm thần và được hưởng phúc lợi xã hội như bữa trưa học đường miễn phí.
Tại châu Á, điểm nóng Covid-19 trên thế giới, một số quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… đã cho phép học sinh trở lại trường. Người dân Singapore ủng hộ quyết định trên vì đất nước đang thử nghiệm mô hình sống chung với Covid-19. Trong khi phụ huynh Ấn Độ, Hàn Quốc chưa muốn con cái quay lại trường khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Indonesia, được đánh giá là khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, cho phép học sinh tại thủ đô Jakarta đi học trở lại vì tình hình dịch ổn định. Các tỉnh, thành phố khác tiếp tục phương án học trực tuyến. Trong khi Thái Lan, Malaysia, Myanmar… chưa có kế hoạch tái mở cửa trường học.
Tại Australia, thời gian tựu trường năm học 2021 - 2022 còn nhiều tranh cãi. Tại các bang lớn như New South Wales, Victoria, học sinh dự kiến trở lại trường vào cuối tháng 10. Một số bang vẫn đang thảo luận phương án. Bộ Giáo dục nước này cho biết, khi tỷ lệ tiêm chủng của các bang đạt 70%, trường học sẽ phải mở cửa, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.