Hướng dẫn nêu rõ, việc tích hợp phải đảm bảo nguyên tắc: Nội dung giáo dục về lịch sử Đảng bộ địa phương phải trở thành nội dung bắt buộc trong chương trình học của một số môn và hoạt động, phải được thực hiện trong kế hoạch dạy học, giáo dục của nhà trường.
Mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương ở các cấp học phải phù hợp với mục tiêu giáo dục của các cấp, bậc học tương ứng, góp phần thực hiện mục tiêu chung của giáo dục phổ thông.
Giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, được triển khai theo hướng tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáo dục chính khóa, ngoại khóa, phù hợp với đặc trưng của môn học, không làm thay đổi mục tiêu và nội dung của môn học, bài học, đảm bảo tự nhiên, nhẹ nhàng, tránh gây nặng nề, ngược lại góp phần vào việc tạo nên sự gắng bó nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống.
Nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương (tỉnh, huyện) được tổ chức dưới 2 hình thức: tổ chức hoạt động ngoại khóa và lồng ghép vào dạy học vào môn Lịch sử ở THCS, THPT
Chủ đề tích hợp lịch sử Đảng bộ địa phương bao gồm: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên và Lịch sử Đảng bộ các huyện, thị xã và thành phố.
Việc tích hợp nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương được thực hiện ở mức độ chủ yếu là liên hệ thực tế ở góc độ tích hợp bộ phận (liên hệ chỉ một phần của bài học ở mức độ trung bình). Riêng các hoạt động ngoại khóa cần thực hiện ở mức độ tích hợp toàn phần.
Ở mỗi trường THCS, THPT ngoài việc tích hợp nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên thì phải tích hợp thêm nội dung lịch sử Đảng bộ huyện (thị xã, thành phố) trên địa bàn trường đóng.
Riêng các trường THCS, tùy vào điều kiện thực tế, ngoài việc tích hợp nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên, lịch sử Đảng bộ huyện (thị xã, thành phố) có thể tích hợp thêm lịch sử Đảng bộ xã (phường, thị trấn) nơi địa bàn trường đóng.