Lên Nậm Manh mừng lễ hội Mạ Mạ Mê

GD&TĐ - Cứ mỗi dịp tháng 9, tháng 10, là lúc mà đồng bào Khơ Mú ở Nậm Manh tổ chức lễ Mạ Mạ Mê.

Mâm cúng được chia đều cho mọi người cùng uống rượu mừng.
Mâm cúng được chia đều cho mọi người cùng uống rượu mừng.

Khi những vạt lúa trên nương cao đã ngả vàng, người Khơ Mú ở bản Nậm Manh lại tất bật chuẩn bị cho Lễ hội Mừng cơm mới (Mạ Mạ Mê) để tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ, che chở cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng được bội thu. Mâm lễ cúng trong lễ hội Mạ Mạ Mê càng đầy, càng nhiều sản vật thì càng thể hiện sự no đủ, phát đạt của gia đình, làng bản…

Mong mùa bội thu

Bản Nậm Manh, xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có dân tộc Khơ Mú sinh sống, quần tụ. Cuộc sống của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên đã góp phần hình thành nên một hệ thống các nghi lễ nông nghiệp. Các nghi lễ truyền thống này hình thành xoay quanh chu trình sản xuất nông nghiệp từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch.

Cứ mỗi dịp tháng 9, tháng 10, khi các thửa ruộng bậc thang, những nương lúa đã nhuộm sắc vàng cũng là lúc mà đồng bào Khơ Mú ở Nậm Manh tổ chức lễ Mạ Mạ Mê. Đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Khơ Mú. Nó vẫn được lưu giữ theo truyền thống để tạ ơn tổ tiên, các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho mưa thuận, gió hòa, cây trồng tốt tươi và mùa màng được bội thu.

Để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này, từ trước đó một tháng, đại diện các gia đình cùng với trưởng bản, thầy cúng sẽ họp bàn, thống nhất từ việc đóng góp lễ vật cho thầy cúng thực hiện mâm lễ cúng thần linh, ma bản, đến chuẩn bị lương thực thực phẩm cho buổi liên hoan chung. Cùng với đó, phân công thành viên tham gia các hoạt động của phần Hội như: Múa, hát, các trò chơi dân gian trong những ngày lễ.

Trong đó, mỗi gia đình cũng tự phân công thành viên tranh thủ tìm kiếm các đồ lễ khác cho mâm cúng. Đàn ông thường rủ nhau vào rừng săn bắt các loại chim, sóc, chuột, cá suối...

Sản phẩm săn bắt được lấy thịt, sấy khô, cất lên gác bếp để chuẩn bị cho ngày làm lễ mừng cơm mới. Còn phụ nữ chuẩn bị xôi cốm, gạo nếp và hái các loại rau, củ, quả, măng... Tất cả đều là những nông sản được thu hái trên nương rẫy của gia đình.

Đồng bào quan niệm, đến ngày tổ chức mâm lễ càng đầy, càng nhiều sản vật thì càng thể hiện được sự no đủ, phát đạt của gia đình. Ngoài những đồ dâng lễ, đồng bào cũng chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống của dân tộc để tham gia.

Khi lúa đã chín, người Khơ Mú sẽ chọn “ngày lành tháng tốt” để tiến hành thu hái. Trước khi thu hoạch, các gia đình, dòng họ trong bản chọn một đám nương rồi tiến hành làm nghi lễ “gọi hồn lúa” hay “gọi mẹ lúa”, tiếng Khơ Mú gọi là “Mạ Ngọ”.

Trước khi thực hiện nghi lễ gọi hồn lúa, gia chủ đã nhờ anh em trong bản làm kho thóc. Nghi lễ “gọi hồn lúa” sẽ do những người phụ nữ thực hiện. Người dẫn đầu tiến vào đám nương sẽ là người tiến hành nghi lễ. Sau khi chọn được khóm lúa đẹp, nhiều bông, trĩu hạt, người chủ lễ sẽ vừa hái 3 bông vừa khấn gọi hồn lúa:

“Hỡi hồn lúa hãy còn đang rong chơi lưu lạc ở các bản, mường gần xa!, hỡi hồn lúa đang còn mải đi chơi đây đó hãy về đây! Hỡi hồn lúa đang còn vãn cảnh, thăm họ hàng gần, họ hàng xa hãy về đây! Về nhà, về với gốc lúa nơi mình được sinh ra. Hỡi hồn lúa còn đang ăn cỗ với họ hàng ở đám bên cạnh về thôi! Về với tẻ, về với tá, về với kho thóc đẹp đã được dựng mới.

Ồ! hồn lúa đã về! hôm nay, ngày đẹp trời, thời tiết thuận lợi chủ đã nhờ anh em họ hàng trong bản thu hoạch lúa về nhà. Lúa ơi hãy nhanh đầy tẻ, nhanh đầy thúng, sớm đầy kho, mong cho cuộc sống no đủ quanh năm”.

Sau khi khấn gọi hồn lúa xong, những người đi cùng tiến hành thu hoạch, chủ lễ sẽ là người đầu tiên đổ vào sọt đựng lớn hơn. Số thóc lúa thu được sẽ đem về nhà chế biến. Lúa non làm cốm non, lúa ương làm xôi cốm, hạt già thì làm xôi. Sau khi thóc đã chế biến thành cốm, xôi thì dân bản tổ chức ăn mừng lúa mới.

Ông La Văn Sơ, thầy cúng ở bản Nậm Manh cho biết: “Mạ Mạ Mê được tổ chức ngay sau mỗi mùa thu hoạch và thường diễn ra trong 3 ngày. Đây là nghi lễ quan trọng với người Khơ Mú, nên dù điều kiện kinh tế có khó khăn, các gia đình vẫn cố gắng chuẩn bị đủ đầy cho mâm lễ”.

Theo đó, mâm lễ cúng gồm có 1 con lợn, 1 con gà trống và những sản vật của núi rừng đã được chuẩn bị từ trước đó. Thứ không thể thiếu trong mâm lễ cúng là xôi và cốm.

Khi các đồ cúng đã chuẩn bị xong, thầy cúng mặc trang phục truyền thống tự tay bày đồ lễ lên mâm cúng. Các đồ như thịt, cá sẽ được bố trí bầy giữa mâm cúng. Người Khơ Mú cho rằng như vậy sẽ thể hiện sự kính trọng với trời đất, thần linh và những người đã mất.

Những đồ còn lại bày xung quanh mâm cúng. Sau đó, thầy cúng rót 2 chén rượu đặt cạnh nhau để làm lý mời người đã chết. Thắp một cây nến sáp ong trên mâm lễ, các thành viên khác tập trung phía sau để nghe thầy cúng mời thần linh về hưởng thụ đồ lễ và phù hộ cho dân bản.

Kết thúc, thầy cúng sẽ thay mặt dân bản xin phép thần linh để được dùng những đồ dâng lễ. Sau đó, mâm cúng được chia đều cho mọi người cùng uống rượu mừng. Tất cả đều vui vẻ chúc mừng cho nhau mạnh khỏe, vạn sự tốt lành, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

Trong nhịp chiêng trống vang vọng, những chàng trai, cô gái Khơ Mú với trang phục truyền thống say mê, uyển chuyển với điệu múa truyền thống. Giữa không khí vui tươi, phấn khởi ấy, họ gửi gắm ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa, thần linh sẽ che chở bảo vệ mùa màng, lúa ngô, hoa màu sẽ sinh sôi nảy nở.

Thầy cúng tự tay sắp mâm lễ.

Thầy cúng tự tay sắp mâm lễ.

Những người phụ nữ hái lúa về làm cốm.

Những người phụ nữ hái lúa về làm cốm.

Gìn giữ truyền thống văn hóa

Trước đây, Mạ Mạ Mê được người dân thực hiện tại gia đình sau mỗi vụ mùa. Năm nay, lễ hội Mạ Mạ Mê được huyện Nậm Nhùn phục dựng với quy mô liên xã.

Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Phục dựng Lễ hội Mạ Mạ Mê của người Khơ Mú là việc làm cần thiết, góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Lai Châu”.

“Bản sắc dân tộc của người Khơ Mú là năm nào chúng tôi cũng phải làm. Phải làm đúng thủ tục thì các cháu, con mới có sức khỏe, làm ăn thuận lợi, phát lộc phát tài. Nghi thức này đã có từ ngày xửa ngày xưa rồi nên chúng tôi không thể bỏ được. Thấy ông bà, cha mẹ của mình làm thế nào mình cũng thực hiện theo” – thầy cúng La Văn Sơ cho biết.

Bà Vàng Thị Sang, bản Nậm Manh chia sẻ: “Lễ hội “Mừng lúa mới” là truyền thống của đồng bào Khơ Mú chúng tôi. Đây là dịp mà từ ngày xưa mỗi gia đình vẫn hay thực hiện khi chuẩn bị thu hoạch một vụ lúa mới. Tôi thấy rất vui khi lễ hội được phục dựng lại”.

Tách hạt để làm cốm.

Tách hạt để làm cốm.

Nấu xôi cốm.

Nấu xôi cốm.

Giã cốm con.

Giã cốm con.

Ngay trong năm đầu phục dựng, lễ hội Mạ Mạ Mê của đồng bào Khơ Mú tại huyện Nậm Nhùn đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn cũng như du khách tới tham gia. Đặc biệt, sau khi tổ chức xong nghi thức “gọi hồn lúa”, người dân và du khách đã hòa mình vào phần hội, cùng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như: Đẩy gậy, kéo co, bịt mắt đánh chiêng...

Chị Vàng Thị Yêu, bản Nậm Manh cho biết: “Tôi thấy rất vui khi được tham gia lễ hội. Sau sự kiện phục dựng lễ hội lần này, tôi sẽ tuyên truyền đến mọi người để gìn giữ nét văn hóa dân tộc của mình”.

Ông Hà Văn Ruệ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Các sản phẩm của Lễ hội “Mạ Mạ Mê” sẽ trở thành tài liệu lưu giữ góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khơ Mú nói riêng và cộng đồng các dân tộc của huyện nói chung.

Đồng thời, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, nhân dân về vai trò và vị trí của văn hóa đối với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.

Cũng theo ông Ruệ, đây còn là dịp để người dân giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, khơi dậy niềm tự hào truyền thống dân tộc. Qua đó, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian của dân tộc Khơ Mú được bảo tồn, phát triển. Tạo nên đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành xây dựng, phục dựng một số lễ hội đặc trưng của đồng bào các dân tộc như: Mìn Loóng Phạt của dân tộc Cống, lễ hội Khèn Mông, lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ... Tới đây, huyện sẽ tiếp tục phục dựng thêm một số lễ hội như: Mừng cơm mới của dân tộc Cống, dân tộc Mảng, tiến hành các lớp trình diễn trang phục dân tộc của một số dân tộc ít người. Ông Vũ Tiến Hóa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.