Lên kế hoạch cho kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Lên kế hoạch cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, mỗi Sở GD&ĐT có một cách riêng giúp nhà trường, thầy và trò sẵn sàng tâm thế cho kỳ thi đầu tiên với hai mục đích.

Lên kế hoạch cho kỳ thi THPT quốc gia

Cho học sinh làm quen trước với Kỳ thi THPT quốc gia

Hướng tới Kỳ thi THPT quốc gia 2015, Sở GD&ĐT Hải Dương đã lên kế hoạch tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về Kỳ thi.

Đồng thời, thực hiện tổng kết, đánh giá và tổ chức rút kinh nghiệm đối với những hạn chế của các kỳ thi, kiểm tra trong năm học 2013 - 2014; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp phù hợp để tổ chức các kỳ thi, kiểm tra chất lượng năm học 2014 - 2015 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Trên cơ sở quy chế Kỳ thi THPT quốc gia và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hải Dương sẽ ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi và các văn bản liên quan khác. Đồng thời, tổ chức tốt các buổi tập huấn về công tác thi để cán bộ, giáo viên nắm vững quy định của quy chế, thực hiện tốt các khâu của kỳ thi.

Trên cơ sở năng lực, nguyện vọng của học sinh, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT, TTGDTX tổ chức tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng kí sơ bộ các môn thi tự chọn phù hợp, đáp ứng hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng.

Đặc biệt, sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng cuối kỳ khối 12 đảm bảo cấu trúc, thời gian, hình thức như Kỳ thi THPT quốc gia để các em học sinh làm quen.

Khẳng định sẽ chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Hải Dương sẽ tổ chức tốt cho người học các cơ sở giáo dục phổ thông và thí sinh tự do trong tỉnh đăng ký dự thi, chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT; cùng các trường ĐH tổ chức coi, chấm thi; xét công nhận tốt nghiệp cho các thí sinh trong tỉnh;

Phối kết hợp với các phòng ban chuyên môn của Sở GD&ĐT để tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ ở nhà trường phổ thông.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo tổ chức thi.

Chủ động lập kế hoạch ôn tập trên cơ sở đăng ký môn thi 

Từ cuối tháng 9, các giáo viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nhận được chỉ đạo xây dựng nội dung, mức độ yêu cầu của bài kiểm tra căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng năng lực đầu ra của từng khối lớp theo quy định trong chương trình của cấp học với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ học sinh.

Sở GD&ĐT Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị hướng dẫn học sinh thực hành tốt các khâu trong kỹ thuật thi trắc nghiệm, như kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, kỹ thuật tô bài làm; tô, ghi mã đề thi, số báo danh; hạn chế mức thấp nhất các sai sót trong việc làm bài trắc nghiệm có thể xảy ra.

Việc kiểm tra, đánh giá được tiến hành thông qua các hình thức khác nhau như: Định lượng (cho điểm), định tính (nhận xét, xếp loại), kết hợp đánh giá của giáo viên, đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá của học sinh.

Các loại hình kiểm tra, đánh giá cần phù hợp với phương pháp dạy và học được áp dụng trong lớp học, và của từng bộ môn.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Thái Nguyên yêu cầu các trường THPT và Trường PTDTNT Thái Nguyên lập kế hoạch chi tiết cho việc ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2015 trong năm học với 4 môn thi tối thiểu gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, học sinh có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Trên cơ sở môn thi của học sinh, các trường chủ động lập kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12.

Sở cũng yêu cầu các trường rà soát lại chương trình toàn cấp cho mỗi môn học, tham khảo các đề thi tốt nghiệp THPT, đề tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT những năm gần đây, từ đó lập ma trận đề kiểm tra và xây dựng ngân hàng đề cho các môn thi tốt nghiệp THPT.

Đề thi cần thỏa mãn các yêu cầu: Đánh giá học sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ học sinh;

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: bài kiểm tra tự luận, thời gian làm bài 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: bài kiểm tra trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.

Đề kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh; trong đó có những năng lực chung và những năng lực riêng đáp ứng cho từng môn học;

Chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức kiểm tra tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra. Tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn.

Được biết, tại Thái Nguyên, hàng loạt các công việc cũng đã được chỉ đạo đến cơ sở nhằm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2015 thành công. Như: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; thực hiện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; quán triệt đầy đủ các văn bản, quy chế thi của bộ GD&ĐT ban hành…

Có thể kể đến việc lên kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ làm thi cho cán bộ, giáo viên tránh những sai sót có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến kỳ thi. Đồng thời, chỉ đạo cơ sở làm tốt việc cho học sinh đăng ký dự thi, đảm bảo dữ liệu chính xác không sai sót, chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT kịp thời, an toàn.

Bên cạnh phối hợp tốt với các trường ĐH tổ chức coi thi, chấm thi; tổ chức xét tốt nghiệp chính xác, bảo đảm thời gian, Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết đã tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ trong các nhà trường…

Đẩy mạnh giáo dục định hướng phát triển năng lực

Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền về kỳ thi mới, Sở GD&ĐT Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị tích cực triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục năm học, kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực cho học sinh khối lớp 12 THPT theo hướng tiếp cận với các yêu cầu đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, quá trình dạy học cần chuyển mạnh từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. 

Quá trình kiểm tra, đánh giá môn học cần tăng cường yêu cầu, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống;

Đồng thời, tăng cường các câu hỏi mở và đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; các môn khoa học xã hội và nhân văn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý không bắt buộc học sinh học thuộc mà phải huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống để làm bài.

Kiểm tra học kỳ I khối lớp 12 THPT năm học 2014 - 2015 tới đây, Sở GD&ĐT Ninh Thuận sẽ tổ chức ra đề kiểm tra học kỳ I của khối lớp 12 THPT cho 8 bộ môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và tiếng Anh. Đây cũng là những môn bắt buộc và tự chọn trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.