Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre:
20 - 30% học sinh Bến Tre không có nhu cầu thi ĐH
Nếu tính toán theo con số của các kỳ thi tại Bến Tre một số năm gần đây, số thí sinh không có nhu cầu thi vào các trường đại học, cao đẳng chiếm khoảng 20 - 30%.
Một năm, Bến Tre có khoảng từ 11.000 đến 12.000 thí sinh lớp 12 tốt nghiệp; như vậy, số lượng các em không thi đại học vào khoảng trên 1.000. Con số này là đủ cho một Hội đồng thi.
Nếu với số lượng thí sinh ước tính như trên, tôi cho rằng, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015, việc tổ chức cụm thi tại địa phương cho những thí sinh không có nhu cầu vào đại học, cao đẳng là cần thiết, giúp các em tiết kiệm chi phí và đỡ vất vả trong việc đi lại.
Nếu Bến Tre có tổ chức cụm thi địa phương vào năm 2015 và với số lượng thí sinh tham gia như trên, sẽ phải tổ chức tại thành phố. Như vậy, bán kính xa nhất thí sinh phải di chuyển để thi vào khoảng 50 cây số.
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia nếu tổ chức tại cụm thi tại địa phương.
Từ nhiều năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bến Tre làm rất tốt, rất nghiêm túc. Có cử thanh tra cắm chốt, thanh tra lưu động trong các hội đồng coi thi; chấm thi cũng như vậy. Đoàn thanh tra đột xuất của Bộ GD&ĐT cũng nhận định Bến Tre tổ chức thi nghiêm túc.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015, Bến Tre dự định sẽ chỉ đạo khảo sát nguyện vọng của học sinh để có hướng tổ chức kỳ thi này thật tốt.
Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum:
Kỳ thi sẽ nghiêm túc, công bằng bởi không nhiều áp lực
Trong năm học 2014 - 2015, tỉnh Kon Tum có tổng số 4.133 học sinh lớp 12. Trong đó có 1.382 học sinh là người dân tộc thiểu số; 500 em học hệ giáo dục thường xuyên.
Dựa trên năng lực học tập của học sinh tại địa phương, Sở GD&ĐT dự kiến sẽ có khoảng 1/3 học sinh thi tốt nghiệp tại cụm địa phương.
Về nguyên tắc, bất cứ kỳ thi nào trong hệ thống giáo dục, yếu tố công bằng, chính xác luôn được đặt lên hàng đầu. Bản thân tôi cũng tin tưởng rằng kỳ thi tốt nghiệp tổ chức tại cụm thi địa phương cũng đảm bảo tính chính xác, công bằng. Bởi những lý do sau đây:
Mục đích của kỳ thi tổ chức tại địa phương là để các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp, ngoài điểm của 4 môn thi còn có kết quả học tập cùng điểm khuyến khích. Do vậy, kỳ thi sẽ không có nhiều áp lực cho nên sẽ nghiêm túc, công bằng.
Cũng do kỳ thi không có quá nhiều áp lực nên những cán bộ, giáo viên tham gia coi và chấm thi sẽ thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình.
Trách nhiệm của người đứng đầu ngành GD&ĐT tỉnh (Giám đốc Sở GD&ĐT) sẽ chỉ đạo và thực hiện kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Để tổ chức kỳ thi tại địa phương diễn ra nghiêm túc, Sở GD&ĐT Kon Tum sẽ triển khai các biện pháp sau:
Giám đốc Sở tổ chức quán triệt cho cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi nhận thức rõ mục đích, yêu cầu kỳ thi và trách nhiệm của mình để làm tốt công tác thi.
Tổ chức kỳ thi theo đúng quy chế thi của Bộ GD&ĐT; tăng cường công tác thanh tra, giám sát kỳ thi.
Tổ chức hội đồng coi thi tập trung tại các nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đi lại thuận lợi... để đảm bảo kỳ thi an toàn. Đồng thời, tạo điều kiện cho việc quản lý, chỉ đạo, thanh tra, giám sát công tác thi chặt chẽ.