Lê Văn Công - Huy chương Bạc Paralympic 2020: “Đừng bỏ cuộc, vinh quang sẽ đến”

GD&TĐ - Hình ảnh lực sĩ Lê Văn Công quật cường trên thảm đấu để mang về tấm HCB Paralympic 2020 khiến bất cứ ai cũng phải xúc động.

Lê Văn Công (bên trái) giành HCB trong sự tiếc nuối khi chỉ kém VĐV giành HCV người Jordan về chỉ số phụ cân nặng cơ thể.
Lê Văn Công (bên trái) giành HCB trong sự tiếc nuối khi chỉ kém VĐV giành HCV người Jordan về chỉ số phụ cân nặng cơ thể.

Nhưng ngoài thành tích ấn tượng trên sàn đấu, Công còn được biết đến với nhiều nghĩa cử đẹp, một tấm gương nghị lực, truyền cảm hứng trong cuộc sống.

Chiến thắng “quý như vàng”

Tuy đang là đương kim vô địch Paralympic và giữ kỷ lục thế giới ở hạng cân 49kg nam, lực sĩ Lê Văn Công không được đánh giá quá cao tại kỳ Paralympic Tokyo 2020 lần này. Bởi lẽ không chỉ đã bước sang tuổi 37, lực sĩ quê Hà Tĩnh chỉ mới vừa trở lại tập luyện vào cuối năm 2020 sau khi trải qua quá trình điều trị chấn thương dai dẳng ở vai trái kéo dài tới 2 năm với các tổn thương đa dạng ở vai và xương cánh tay như viêm khớp cùng đòn trái, viêm gân trên, gân dưới vai, phù tủy xương và nang xương dưới sụn chỏm xương cánh tay.

5 tuần trước khi lên đường tới Tokyo, Công mới có thể hoàn thành khối lượng tập luyện hàng ngày, trong đó có 4 tuần tại Trung tâm HLTTQG TPHCM, còn 1 tuần tập luyện tại Nhật Bản.

Vậy nên, Công không thật sự tự tin, và anh cho rằng việc tham dự   Paralympic Tokyo 2020 theo thư mời đích danh chỉ vì danh dự của nhà đương kim vô địch, góp mặt cho đủ số lượng.

Lãnh đạo đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam và BHL đội tuyển cử tạ cũng chỉ trông chờ vào ý chí, nghị lực của Công, nhất là ở hạng cân 49kg lần này, anh sẽ chạm trán những đối thủ đáng gờm như Qarada Omar (Jordan), Adesokan (Nigeria) hay Kayapinar (Thổ Nhĩ Kỳ).

Mặc dù vậy, trên thảm đấu, hình ảnh Lê Văn Công mạnh mẽ, quật khởi của 5 năm về trước xuất hiện. Anh giữ sự tập trung cao độ ở các lần cử để rồi, chinh phục thành công ba mức tạ 165kg, 170kg và 173kg. Đô cử Việt Nam và Qarada Omar (Jordan) là 2 người có thành tích tốt nhất ở hạng cân 49 kg, cùng đạt mức tạ 173 kg.

Theo quy định của BTC, trong trường hợp có 2 VĐV trở lên có cùng thành tích thì VĐV nào có trọng lượng cơ thể nhẹ hơn sẽ giành chiến thắng. Đô cử người Jordan giành HCV do có trọng lượng cơ thể thấp hơn Công đúng… 1 lạng (47,21kg so với 47,31kg).

Không bảo vệ được ngôi vô địch 5 năm trước nhưng Lê Văn Công đã thi đấu đầy quyết tâm, thực hiện tốt đấu pháp với khả năng thực hiện chuẩn xác ở mọi trọng lượng tạ, anh đã có được chiến thắng “quý như vàng”, thể hiện ý chí kiên cường của một VĐV thể thao khuyết tật ở đẳng cấp thế giới, nhất là sau giai đoạn sức khỏe sa sút và chỉ tập cầm chừng.

Trước đó, đô cử quê Hà Tĩnh phải sử dụng thuốc giảm đau trước khi lên thảm đấu. Và sau khi nhận được tin vui từ lãnh đạo đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo 2020, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã gửi lời chúc mừng toàn đoàn và Lê Văn Công.

“Tôi từng nghĩ đến việc nâng đòn tạ lên cao hơn để vượt qua sự đeo bám của Omar Qarada. Nhưng điều này là không thể, do tôi đang bị chấn thương vai và mới tập trở lại 4 tuần trước Paralympic. Thành tích tập tốt nhất của tôi trước khi sang Nhật Bản chỉ là 160kg.

Tôi đã nỗ lực hết mình, cố gắng nương theo thành tích đối thủ. Tôi cũng không ngờ mình đạt 173kg. Tiếc là trọng lượng cơ thể của tôi nặng hơn đối thủ nên vuột mất HCV. Thi đấu xong, thuốc tê hết tác dụng, tôi đau đến ăn cơm không nổi”,  Lê Văn Công chia sẻ.

Sau khi nghỉ thi đấu gần 2 năm, từ chấn thương vai phải năm 2018, cách đây khoảng 5 tháng, Lê Văn Công gặp phải chấn thương vai trái. Bác sĩ cho biết Công cần 6 tháng để hồi phục nhưng anh nén đau sớm trở lại tập luyện để rồi giành HCB Paralympic Tokyo 2020.

Đó là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, bền bỉ và khát vọng chiến thắng luôn bừng sáng trong con người Lê Văn Công. Thành công đó cũng là sự nối tiếp cho VĐV đã ghi tên mình vào bảng vàng của thể thao người khuyết tật bằng những thành tích ấn tượng, giành 3 HCV quốc tế trong 4 tháng cuối năm 2017 trước khi bị chấn thương, 4 năm liên tiếp thiết lập 4 kỷ lục thế giới mới.

Lê Văn Công tham dự giải Vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới 2017, diễn ra ở TP Mexico City (Mexico), với vị thế nhà vô địch Paralympic Rio 2016 hạng 49kg, đồng thời nắm giữ kỷ lục thế giới 183kg.

Tại giải đấu này, đô cử Việt Nam với mức cử thành công 181 kg đã vượt qua các đối thủ để giành tấm HCV quý giá, trong đó có nhà vô địch thế giới 2016 Adesokan Yakubu (Nigeria).

Chưa hết, ở lần cử đặc biệt, dành cho VĐV nắm giữ kỷ lục thế giới, đô cử của Việt Nam đã nâng thành công mức tạ 183,5kg, qua đó phá kỷ lục thế giới do chính anh thiết lập 1 năm trước tại Paralympic Rio 2016 (183kg).

Trước khi thiết lập kỷ lục thế giới mới tại Mexico, đô cử Việt Nam giành HCV tại các đấu trường ASEAN Para Games 9 và Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 5, cùng diễn ra vào tháng 9/2017.

Ngoài ra, tại ASEAN Para Games 2013, Công lập kỷ lục mới của đại hội với thành tích 176kg, phá kỷ lục châu Á đồng thời bắt kịp kỷ lục thế giới khi ấy do chính Adesokan Yakubu nắm giữ.

Năm 2014, Lê Văn Công liên tiếp tạo ra 2 kỷ lục thế giới 181,5kg rồi 182kg, giành HCV ASEAN Paragames VII, Asian Paragames 2014. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, điều đặc biệt là kỷ lục Paralympic (183kg) và kỷ lục thế giới 183,5kg mà Lê Văn Công thiết lập trước đây vẫn chưa ai có thể xô đổ.

Lê Văn Công trong một lần sửa chữa đồ điện gia dụng.

Lê Văn Công trong một lần sửa chữa đồ điện gia dụng.

Người có trái tim nhân hậu

Đô cử Việt Nam luôn tập trung cao độ ở các lần cử.

Đô cử Việt Nam luôn tập trung cao độ ở các lần  cử.

Bên cạnh thành tích ấn tượng trên sàn đấu, mang về nhiều chiến tích cho thể thao Người khuyết tật Việt Nam, Lê Văn Công còn được biết đến với nhiều nghĩa cử đẹp, một tấm gương nghị lực vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống. Anh không chỉ sống cho riêng mình, người bị liệt 2 chân mà vẫn luôn dành tình thương, sự sẻ chia cho những mảnh đời bất hạnh.

Năm 2019, đô cử người Hà Tĩnh quyết định bán đấu giá tấm HCV World Cup 2016 được 125 triệu đồng và dùng toàn bộ số tiền này để giúp đỡ một bệnh nhân chữa trị căn bệnh hiểm nghèo. “Tôi đi lên từ khó khăn gian khổ nên rất đồng cảm với những hoàn cảnh như thế. Chia sẻ, giúp đỡ được điều gì thì tôi làm, không bao giờ hối tiếc”, Công   cho biết.

Hai đợt dịch Covid-19 năm ngoái ảnh hưởng nặng nề đến giới thể thao khuyết tật nói riêng trong khó khăn chung của xã hội. Vậy nên, vừa thu hoạch đợt sản phẩm đầu tiên là giống ngô “Nữ hoàng đỏ” - có rất nhiều công dụng như chống sưng viêm, ngừa tiểu đường và béo phì, tốt cho hệ tim mạch, làm chậm quá trình lão hóa - Lê Văn Công đã chuyển ngay khoảng hơn 1 tấn ngô đến đội tuyển thể thao người khuyết tật thành phố Đà Nẵng và sau đó còn gửi tới trang trại trẻ mồ côi tại TPHCM.

Câu chuyện về tấm HCV được đấu giá và nhiều nghĩa cử đẹp của Lê Văn Công đã lan tỏa mạnh mẽ tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái. Theo ông Nguyễn Quang Hảo, phụ trách đội tuyển thể thao người khuyết tật Đà Nẵng, việc làm của lực sĩ Lê Văn Công rất có ý nghĩa, vượt hơn cả giá trị thực của những thùng quà mà anh gửi đến đồng đội cùng cảnh ngộ.

Mặc dù hoàn cảnh cá nhân và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng cậu ấy vẫn nghĩ đến mọi người thực sự là một hành động nhân văn. “Của ít lòng nhiều, một chút quà gửi đến mọi người chia sẻ lúc khó khăn và cũng là để giới thiệu nông sản mới với cộng đồng”, Lê Văn Công thành thật chia sẻ.

Mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai nên Lê Văn Công ra đời với hai chân bị teo tóp. Khi bắt đầu có những nhận biết về cuộc sống, chàng trai quê Hà Tĩnh từng chọn cách trốn biệt trong góc nhà hàng năm trời vì mặc cảm thân thể tàn phế. 20 tuổi, anh mới ý thức được trách nhiệm của bản thân và quyết định rời Hà Tĩnh vào TPHCM.

Anh khởi nghiệp với nghề âm thanh, ánh sáng và sửa chữa loa đài, ampli từ nhiều năm, rồi phải làm thêm cả dịch vụ môi giới bất động sản và gần đây nhất là cùng bạn bè đầu tư trồng nông sản sạch gồm rau, củ và bắp tại huyện Củ Chi.

Đó là những tháng ngày đầy gian nan và trong anh luôn chất chứa mặc cảm. Thế rồi, từ một lời giới thiệu của bạn bè cùng cảnh ngộ, anh đến với thể thao và gắn bó với môn cử tạ nhờ có đôi tay to khỏe lạ thường.

Trải qua muôn vàn khó khăn, có những lúc tưởng chừng phải giải nghệ, song với nguyên tắc sống “tàn nhưng không phế” và khát vọng cháy bỏng vươn lên, Lê Văn Công đã vượt qua rất nhiều thử thách để trở thành chàng trai vàng của đội tuyển cử tạ Người khuyết tật Việt Nam.

Trong cuộc sống cũng như tập luyện, Công luôn lan tỏa thông điệp cho các đồng nghiệp, những người có hoàn cảnh khó khăn rằng “hãy cố gắng tập luyện, đừng bỏ cuộc, vinh quang sẽ đến với các bạn”.

“Tôi hy vọng tấm huy chương vàng này sẽ giúp những con người kém may mắn nhìn vào và có thêm động lực để phấn đấu” - Lê Văn Công nói như thế năm 2016, sau khi trở      thành người đầu tiên trong lịch sử giành HC vàng cho Việt Nam ở một kỳ Paralympic.

Người ta thường nói “phía sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ” thật không sai! Đằng sau vinh quang của Lê Văn Công còn là hình bóng của người vợ mà anh hết mực yêu thương, chị Chu Thị Tám.

Đồng cảm và luôn sẻ chia với chồng, chị Tám chấp nhận bỏ hết những đam mê hoài bão của riêng mình, toàn tâm lo cho chồng trong sinh hoạt đời thường và trong những cơn đau do chấn thương.

Nếu không có sự hy sinh, chấp nhận lùi lại phía sau để chỉ lo việc kiếm sống và nuôi dạy hai con nhỏ của chị hơn 10 năm qua, Lê Văn Công khó có thể tập trung cho rèn luyện để giành được những thành tích như ngày hôm nay.

Nói về bí quyết thành công của mình, lực sĩ Lê Văn Công khiêm tốn chia sẻ: “Đó là hậu phương. Tôi may mắn có người vợ đảm đang và những đứa con ngoan. Hậu phương luôn là nguồn cổ vũ, động viên tôi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, là niềm tự hào lớn nhất của tôi trong mỗi chiếc huy chương”.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng sửa chữa điện tử của Lê Văn Công dần vắng khách chỉ hoạt động cầm chừng, việc trồng nông sản cũng phải dừng lại vì không có người chăm sóc và việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức khó khăn khi TPHCM thực hiện quy định giãn cách xã hội.
Công cho biết: Với người bình thường, việc lao động mưu sinh cuộc sống đã khó, còn với người khuyết tật thì khó khăn còn nhiều gấp bội. Trong hơn một năm qua, cuộc sống cũng trở nên khó khăn hơn nhiều vì chẳng có thu nhập gì thêm ngoài khoản tiền lương VĐV, nhưng rất may là vẫn còn một chút tích lũy từ trước đó nên vẫn cố gắng để thu xếp cuộc sống, lo cho các con học hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.