Dương Triệu Vũ có phát biểu rất hay về vấn đề này: "Nên đánh giá một con người hay chính bản thân qua những gì mình làm và sự hữu ích cho xã hội, chứ không phải cái gì móc lên người".
Trong lúc cả thế giới lên án, bài trừ hành vi xài các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã hoặc động vật bị nuôi nhốt, săn bắt thì cả showbiz Việt đang rất “nhoi” vì những chiếc túi làm từ cá sấu bạch tạng.
Mọi ồn ào khởi đầu từ việc Ngọc Trinh và hai người mẫu ít tên tuổi xách túi Hermès Himalayan Crocodile Birkin dự một sự kiện ở TP.HCM tối 14/3. Sau đó nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường treo dòng trạng thái ám chỉ khả năng những chiếc túi này chỉ là hàng nhái “để đi chợ Bến Thành”. Phía Ngọc Trinh đã phản ứng dữ dội với status.
Dàn chân dài và những chiếc túi hàng tỷ đồng. Ảnh: BM.
Ngay sau đó, truyền thông tiếp tục đăng tải hình ảnh ca sĩ Lê Quyên đi tập nhạc cũng với túi cá sấu bạch tạng. Nhiều nguồn tin cho biết có bảy mỹ nhân làng showbiz Việt sở hữu chiếc túi có giá trị lên đến hàng tỷ đồng này.
Trong bài phỏng vấn với Vogue mới đây, đại diện JaneFinds, nhà bán lẻ túi xách Hermès lớn nhất thế giới, đánh giá Hermès Himalayan Crocodile Birkin là chiếc túi được "thèm muốn nhất thế giới", "cực kỳ hiếm hoi và khó mua".
Thứ nhất, giá mua có thể lên đến 300.000 USD. Với chiếc đắt nhất, toàn bộ phần khung được dát vàng trắng 18 carat. Khóa kéo có 68,4 gram vàng trắng 18 carat, nạm 40 viên kim cương trắng, tổng cộng 1,64 carat. Toàn bộ chiếc túi được làm bằng da cá sấu bạch tạng, loài cực kỳ quý hiếm trên thế giới.
"Năm 2014, toàn nước Mỹ có 50 con cá sấu Nam Mỹ bạch tạng. Da mỗi con chỉ sản xuất được 2 chiếc túi", đại diện JaneFinds nói. Điều đáng nói là những con cá sấu bạch tạng này bị lột da khi còn sống để Hermes có được chất liệu da tốt nhất.
Trước câu chuyện túi Hermes, cư dân mạng Việt Nam cũng từng sôi sục với một chiếc ví cầm tay, nhưng rất bình dân và chỉ có giá khoảng 11 USD. Đó là chiếc ví bà Ho Ching, vợ thủ tướng Singapore, cầm trong chuyến thăm Nhà Trắng, được Tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle đón tiếp long trọng.
Lệ Quyên và chiếc túi tiền tỷ trong sự kiện gần đây.
Chiếc ví là sản phẩm của một học sinh người Singapore, học tại trường Pathlight, ngôi trường dành cho người tự kỷ đầu tiên ở đất nước này. Ngôi trường chỉ bán được 200 chiếc ví trong suốt 4 tháng, nhưng họ đã bán được 200 cái ngay chỉ một ngày sau khi hình ảnh của bà Ho Ching được chia sẻ rộng rãi.
Tương tự, không ít nhân vật quyền lực hàng đầu thế giới, ví dụ như người đàn ông hào hoa Bill Clinton, cũng hết sức giản dị như bà Ho Ching. Có lần, nhà thiết kế lừng danh Martin Greenfield, đến khám phá tủ quần áo của ông Clinton và... thất vọng tràn trề.
Khi mới vào Nhà Trắng, ông Clinton chỉ có vài chiếc áo khoác da, vài bộ vest rẻ tiền, một chiếc áo khoác xấu xí đến mức Martin Greenfield muốn vứt nó ngay đi, và rất rất nhiều bộ quần áo thể thao bằng nỉ.
Ông Greenfield mất nửa tiếng để đo 27 thông số trên cơ thể tổng thống và thậm chí phải dạy ông Clinton từ đầu về cách thắt nơ bướm, mặc áo đuôi tôm và tác chỉnh độ dài của dây đeo quần.
Chiếc túi cho dù là 11 USD hay hàng chục nghìn USD đều có sứ mệnh riêng của nó. Chiếc ví 11 USD của phu nhân thủ tướng thể hiện nhân cách lớn trong sự đơn giản, còn chiếc túi hàng hiệu thể hiện tài năng của nghệ nhân chế tác cũng như tôn vinh vẻ quý phái của quý cô sử dụng.
Chúng ta không nên kỳ thị hoặc hiềm khích với bất cứ xu hướng thời trang nào. Tuy nhiên, túi da cá sấu bạch tạng lại khác, nó góp phần tiêu diệt một cách tàn bạo các cá thể quý hiếm của tự nhiên.
Đó không phải là cái đẹp mà chỉ là sự hợm hĩnh và tầm thường.