Lệ phong ấn cuối năm có từ khi nào?

GD&TĐ - Ở nước ta, nhiều thuyết cho rằng lệ phong ấn, khai ấn có từ thời Trần, tuy nhiên chính sử không ghi lại rõ ràng.

Ấn Hoàng đế chi bảo. Ảnh minh họa.
Ấn Hoàng đế chi bảo. Ảnh minh họa.

Cuối năm, ở triều đình phong kiến xưa thường tổ chức một số nghi lễ như ban lịch, báo cáo và thỉnh tổ tiên về “ăn Tết” (lễ Hợp hưởng), dựng nêu và niêm phong ấn tín, trước khi tiến hành các lễ Trừ tịch, Nghênh xuân.

Ở nước ta, thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã hỏi bề tôi về lễ dựng nêu có ghi trong sách sử nào, quần thần tâu rằng tìm nguồn gốc thì không có, nhưng việc này đã thành truyền thống lâu năm, không nên bỏ, vua cũng nghe theo. Riêng lịch nghỉ Tết của triều đình, thường chính thức bắt đầu sau lễ Phong ấn, đến đầu năm, lại làm lễ Khai ấn, đánh dấu việc đi làm trở lại.

Lệ phong ấn, khai ấn bắt nguồn từ các triều đại phong kiến Trung Quốc thời xưa. Ở nước ta, nhiều thuyết cho rằng những nghi lễ này có từ thời Trần, tuy nhiên chính sử không ghi lại rõ ràng. Thời Lê, trong bộ sách “Lê triều hội điển” cũng có nhắc đến lễ này, nhưng không ghi chi tiết.

Sử sách triều Nguyễn cho biết, lệ phong ấn được bắt đầu từ cuối năm Gia Long thứ nhất (1802). “Đại Nam thực lục” viết rằng triều đình quy định: “Mỗi năm lấy ngày 25 tháng Chạp thì phong ấn, sang năm chọn ngày tốt vào thượng tuần tháng Giêng khai ấn. Ở các nha cũng lấy những ngày ấy phong hay khai ấn triện”.

Theo ghi chép của bộ sử này về năm Gia Long thứ 5 (1806), thì trước đó, ngày phong ấn cũng là ngày ban lịch. Đến năm 1804 đổi sang là phong ấn hôm trước, ban lịch hôm sau. Từ năm 1806 thì quy định lấy ngày mùng 1 tháng Chạp làm ngày ban lịch, thành lệ về sau.

Ấn vàng Đại Việt Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo. Ảnh minh họa.

Ấn vàng Đại Việt Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo. Ảnh minh họa.

Sang năm Gia Long thứ 7 (1808), Bộ Lễ tâu lên vua rằng: “Trước nay đầu năm khai ấn duyệt binh, cuối năm yết lăng, tế Chạp và khóa ấn, đều để tới kỳ mới chọn ngày lành. Nay xin lấy ngày nhất định”. Vua nghe lời tâu, chuẩn định mỗi năm cứ ngày mồng 7 tháng Giêng thì khai ấn, sai quan xuất binh, ngày 13 tháng Chạp yết lăng, 14 tế Chạp, 25 tháng Chạp khóa ấn. Lấy sang năm bắt đầu thực thi.

Lễ Khai ấn được coi là đại lễ của triều đình, do đó, quy chế ban hành đầu triều vua Minh Mạng đặt lễ này ngang với nghi lễ các tiết lớn nhất gồm tiết Vạn Thọ (sinh nhật vua), Chính đán (Tết Nguyên đán), Đoan Dương (mùng 5 tháng 5), các lễ ban cờ mao tiết, xuất quân, thệ trai (tuyên thệ).

Theo đó từ canh năm ngày hôm ấy, sau khi nổi ba hồi trống và phát ống lệnh, hữu ty đặt đại triều nghi ở sân điện Thái Hòa, đặt thường triều nghi ở sân điện Cần Chính. Quan nghi lễ gửi lời tâu lên: “Trong nghiêm ngoài biện”, thì thị vệ rước kiệu vua vào. Điện Cần Chính nổi chuông trống, thì nhà vua lên kiệu. Trên kỳ đài phát chín tiếng trống lệnh, vua ngự lên ngai thì chuông trống ngừng. Các quan làm lễ khánh hạ.

Bên cạnh việc lấy các mốc phong ấn, khai ấn làm lịch nghỉ Tết chính thức của triều đình, thì ngày phong ấn cũng là mốc để tòa Kinh Diên (nơi vua trẻ, các hoàng tử học tập) nghỉ giảng. Sau ngày khai ấn năm sau, Khâm Thiên giám chọn ngày tốt, tâu xin vua cho khai giảng năm mới.

Trong thời gian phong ấn, thì các ấn đều được niêm phong cất kỹ, công văn giấy tờ bình thường đều chờ đến ngày khai ấn mới đóng ấn triện. Theo quy định ban hành cuối năm Minh Mạng thứ 4 (1823), phàm các giấy tờ của các nha môn đáng phải làm mà trong năm chưa làm xong, đều phải làm sớ xin hoãn đến sang năm, sau ngày khai ấn sẽ làm dần.

Đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhà vua lại chuẩn định từ đó về sau phàm hằng năm sau ngày phong ấn, Lục bộ, Nội các và các nha, gặp có dụ chỉ, chương sớ, tất cả những việc cần làm, thì cứ theo lệ tâu lên, dùng ấn vàng mà thi hành, đến ngày khai ấn thì truy dùng ấn triện quan phòng, chưa rõ các chữ năm tháng ngày nào truy dùng để làm bằng chiếu.

Còn với các quan binh được thăng bổ ra làm quan ngoài mà nhận được chỉ vào sau ngày phong ấn, nếu nói thăng bổ có việc quan hệ khẩn cấp thì cho đi nhận chức ngay, còn thì đều cho lưu lại đến tiết Nguyên đán vào chầu mừng vua, chờ đến sau ngày khai ấn mới đi.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), bộ Hộ tâu xin các nơi kho tàng như sở Nội vụ, Vũ khố, kho thuốc súng… các dấu ấn tín ngày Tết không cần phải niêm phong về bộ, mà giao cho quản viên giữ để tiện việc làm công văn xuất, nhập. Nhà vua nói rằng: “Nếu do bộ giữ cả ấn thì đến lúc có việc lại lịch kịch rầy rà. Vậy chuẩn định: Phàm đến cuối năm phong ấn phủ Nội vụ, kho Nội tàng, kho Thương trường thì do bộ Hộ; Vũ khố, kho thuốc súng thì do bộ Binh một viên đường quan trong các bộ ấy đem ấn triện hiện hành ở bộ, hội đồng với quản quan kính cẩn niêm phong; đến ngày khai ấn lại hội đồng xét dấu niêm phong rồi mở niêm phong. Còn lúc việc thường thì niêm phong hay mở phong đều cho quản viên theo việc mà làm”.

Cuối năm 1831, vua Minh Mạng cho rằng từ các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc lúc đầu mới chia đặt quan chức, việc thay thế bàn giao còn bề bộn, chuẩn cho đến ngày 30 tháng Chạp thì phong ấn; ngày mồng 1 tháng Giêng sang năm thì khai ấn. Điều này cũng được áp dụng trong dịp Tết đầu năm Minh Mạng thứ 16 (1835) ở sáu tỉnh miền Nam, khi quân triều đình nhà Nguyễn đang dẹp cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi tại thành Phiên An. Khi đó, vua đòi ngày 30 tháng Chạp phong ấn, đến ngày mùng 1 tháng Giêng lại mở ra dùng ngay.

Nhà vua cũng chuẩn định rằng từ ngày phong ấn đến ngày khai ấn, văn võ đại thần đều được miễn túc trực ban đêm; ngày 30 Tết và 3 ngày Tết Nguyên đán, đều miễn các quan vào trực tiến bài. Tất cả tấu sớ, nếu không phải là việc quan trọng khẩn cấp nên tâu đệ thì đều cho hoãn đến ngày mồng 4 sẽ tiến trình.

Đến thời vua Tự Đức, năm 1874, nhà vua lại cho đổi lịch nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 28 tháng Chạp, đến ngày 8 tháng Giêng khai ấn bắt đầu năm mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.