Nhân 90 năm phong trào Thơ mới (1932-2022): Nhớ rừng của Thế Lữ trong sinh quyển Thơ mới

GD&TĐ - Có thể khẳng định hình tượng hổ trong bài thơ Nhớ rừng là đóng góp riêng biệt, độc đáo của Thế Lữ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay trong cùng tháng này, Tứ Ly (Hoàng Đạo) tiếp tục hợp lực công kích, châm chích Nguyễn Nhược Pháp cũng vẫn với lối phê bình bỡn cợt, bông lơn, cực tả, quy kết tếu táo:

“Ông Nguyễn Nhược Pháp bình phẩm quyển Mấy vần thơ của Thế Lữ trong báo An Nam mới có bàn trong bài Nhớ rừng không có thi tứ kỳ dật, và đoán ngay rằng ông Thế Lữ tự ví mình với con hổ nằm trong vườn bách thú.

Ý chừng ông Pháp mới đọc được môn “bói nhâm” của ông thầy tướng. Ông Thế Lữ không biết cho như thế, lại đi phàn nàn với Thạch Lam, khăng khăng một mực bảo rằng mình không tự ví mình với con hổ ấy. Thạch Lam bèn phân trần như vậy.

Nhưng ông Nhược Pháp lại khăng khăng một mực bảo rằng ông Thế Lữ tự ví mình với con hổ! Đoạn, tha hồ ông chế giễu Thế Lữ (Thạch Lam) đã tự khen Thế Lữ... Tuy trong bài của Thạch Lam không thấy khen bài Nhớ rừng là tuyệt tác.

Nhưng sự thực, Thế Lữ không thể khen Thế Lữ được... vì Thạch Lam là Thạch Lam, mà Thế Lữ là Thế Lữ, cũng như Thế Lữ là Thế Lữ mà Nhược Pháp là Nhược Pháp, tuy hai người cùng làm thơ cả.

Chỉ có tôi là không làm thơ. Tuy vậy, trong bài ông Nhược Pháp, tôi xét thấy hai điều: Một là, ông bảo nếu bài Nhớ rừng không có ngụ ý ví von thì là một sự vô ích: Vì ta không biết rằng con hổ kia đó tư tưởng, có linh hồn hay không?

Nhưng ông lầm, cũng như ông đã bói Nhâm lầm. Ông đã từng đọc quyển Le livre de la jungle của Kipling rồi đấy chứ? Theo ông thì nó cũng vô lý quá mất. Hai là, ông bảo: Ông Thế Lữ không thấy sự ví von trong những bài thơ của cụ Yên Đổ và Lê Thánh Tông thì thật ngây thơ.

Tôi thú thực với ông, tôi có cái tật là chỉ mến những thi sĩ ngây thơ, tôi yêu Villon hơn Sully Prud’ homme, yêu Verlaine hơn Paul Valery... Còn ông, ông lý luận quá, lý luận đến nỗi tôi muốn nhủ ông một điều: Là ông làm thầy kiện hơn là làm thơ.

Nói thế không phải là tôi khen bài Nhớ rừng là tuyệt bút đâu! Tôi phải nói trước ra thế để ông khỏi phải bói Nhâm một lần nữa, và bảo rằng Tứ Ly với Thế Lữ cũng chỉ là một: Thế Lữ: Thạch Lam: Tứ Ly - T.L: T.L: T.L” (Thế Lữ, Nguyễn Nhược Pháp và Thạch Lam. Phong hóa, số 146, ra ngày 26/4/1935).

Cuối cùng, Thạch Lam trở lại đánh vu hồi, đẩy cao thủ pháp tếu táo logic hình thức, đùa cợt, cười cợt, chủ ý chọc giận:

“Trong số báo trước, vì thấy Nguyễn Nhược Pháp cứ ở ngoài mà “giương con mắt bênh cái oai rừng thẳm” - nghĩa là con hổ nằm trong cũi – tôi có ý khích ông ta thử vào trong với nó, xem lúc bấy giờ con hổ đối với ông có phải là một con vật “thường thường” nữa không.

Ông Nguyễn Nhược Pháp có vào chơi với hổ không thì không biết - nhưng theo ý tôi thì ông có vào. Bằng cớ đâu mà biết được như vậy? Đại phàm con người ta ở đời, nếu đã trải qua một cuộc kích thích mạnh mẽ trong tâm trí, thì tính thường đổi khác trước.

Ví dụ như gặp sự buồn rầu, đau đớn quá thì hay thành ngớ ngẩn, có sự vui mừng quá thì sinh nhảy nhót, có sự sung sướng quá thì hay sinh dễ dãi, vân vân... Mà gặp sự gì sợ hãi quá thì hay đâm ra lẩm cẩm.

Ông Nguyễn Nhược Pháp chính đã bị như thế. Có lẽ khi trông thấy con hổ, ông ta cảm động quá - xin nhớ đây không phải là cái cảm động của một nhà văn cao hứng - thần kinh bị xúc động một cách quá mãnh liệt, sau khi ở chuồng hổ lập cập bò ra, ông đã thành một người khác hẳn. Mà cái người này, chết thay, lại không phải là người thông minh.

Sợ quá hóa giận - và hóa lẩn thẩn nữa - ông trở về định tâm trí viết một bài trong báo An Nam mới để trả lời tôi về cái cách đã xui dại ông. Nhưng đến khi viết đến chữ “hổ” ông lại nghĩ đến con hổ, ông lại nghĩ đến sự nguy hiểm hôm nọ, ông lại sợ. Chân tay ông run lên, mắt ông hoe hoe, mồ hôi ra như tắm, óc rối loạn cả.

Nhà thơ Thế Lữ.

Nhà thơ Thế Lữ.

Vì vậy ông mới đoán bậy rằng Thạch Lam là Thế Lữ. Thật là một cái hân hạnh. Thạch Lam bỗng tự dưng trở nên một thi sĩ. Nhưng Thạch Lam không muốn thế, Thạch Lam chỉ muốn làm Thạch Lam mà thôi. Vả Thạch Lam là Thạch Lam, Thế Lữ là Thế Lữ.

Ông Nguyễn Nhược Pháp sợ đến nào lại lẫn hai người làm một được? Hoặc giả ông có chút dụng ý gì không biết. Nhưng kể ra ông có dụng ý thì dụng, ông cũng không thể làm cho Thạch Lam không là Thạch Lam được.

Cũng như tôi, tôi không thể nào làm cho ông Nguyễn Nhược Pháp hóa ra hổ được vì là ông lại sợ hổ và đã bị hổ làm cho sợ. Tôi mong rằng từ đây trở đi, trước khi viết một bài gì, ông hãy nhớ uống một liều “Kalmine” đã.

Và, khổ, xin ông đừng sợ nữa, thật tội nghiệp” (Ông Nguyễn Nhược Pháp với con hổ Bách thú. Phong hóa, số 146, ra ngày 26/4/1935).

Trợ lực nối lời cuộc luận bình đậm màu sắc tán tụng vị nghệ thuật, nhà thơ Tú Mỡ góp vui bẻ lái, lật cánh bằng bài thơ giễu nhại, mượn cớ châm biếm xã hội Nhớ thời oanh liệt (Lời than của một ông tham mới. Nhại bài con hổ Nhớ rừng của Thế Lữ) (Phong hóa, số 156, ngày 4/10/1935):

Ngậm một khối căm hờn

trong buồng giấy,

Ta ngáp dài, trông ngày tháng dần qua.

Khinh bọn phán già lẩm cẩm,

ngẩn ngơ,

Giương mục kỉnh giễu cái oai

tham biện.

So chiếc “lương mới” nhỏ nhen,

bần tiện,

Chỉ xứng với người chữ kém tài không.

Liệt ngang hàng cùng với bác

“lông tông”,

Ngồi đọc báo ở buồng bên, vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thuở vênh vang hống hách

những ngày xưa.

Nhớ Cao đẳng tràng, đài các nguy nga,

Là chốn năm xưa ta học tập.

Ngày hai buổi, trên giảng đài cao ngất,

Ta bước chân lên, dõng dạc,

đường hoàng.

Ta là một thiếu niên anh tuấn

Việt Nam,

Đến hấp thụ lấy văn minh Âu, Á.

Để tạo một tương lai kha khá,

Mong mai sau công toại, danh thành.

Chiếm một chỗ làm có lợi, có danh,

Trong một công sở, ta bình sinh

toại chí.

Nhớ những đêm thanh, ta nằm

ngẫm nghĩ,

Luống say sưa trong giấc mộng

kê vàng.

Ta mơ mòng sung sướng, vẻ vang:

Vợ đẹp, con khôn, cuộc đời đầy đủ.

Nhìn đời, thấy những mầu hồng rực rỡ,

Lòng trẻ trung ta hy vọng chứa chan!

Ta nhớ những tiểu thư xinh đẹp,

giầu sang,

Đợi ta với những của hồi môn to kếch:

Hàng mớ vốn riêng, hàng lô nhà gạch,

Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!

Nay ta ôm mối hận ngàn thâu,

Giận thời buổi đảo điên kinh tế.

Khiến cho chức “quan tham” ta rẻ ế,

Lương toèn hoen mỗi tháng

năm mươi đồng.

Bao năm trời đèn sách chẳng đền công,

Đồng tiền ít, thân danh thấp kém.

Cuộc tình duyên, nghĩ càng hổ thẹn,

Cụ Tơ Hồng khéo hắt hủi,

khéo cay chua!

Để ta phòng không lạnh lẽo, âm u!

Biết bao cảnh phong lưu, lạc thú,

Mà ta xây trên chiếc lương “tham cũ”,

Chỉ là những “lâu đài bên nước

Y-pha-nho”.

Ta chẳng mong thấy bao giờ.

Nghĩ nông nỗi trong lòng ta chết điếng,

Chỉ có tiếng, nhưng không có miếng.

Cũng công danh mà thiên hạ

chẳng ai vời,

Nghĩ buồn tênh cái tham lương mới

của ta ơi!

Chớm về đông, khi tổng thuật cuộc diễn thuyết về Thơ mới của Vũ Đình Liên ở tận Nam Định, Lê Ta (Thế Lữ) vẫn không quên nhắc nhớ, liên hệ, đá xoáy câu chuyện thơ hổ hôm nào: “Trong bài nói chuyện của ông, có nhiều đoạn bình thơ mới. Mà lúc bình thơ mới là lúc đáng chú ý nhất, vì ông biến hóa nhanh chóng hơn. Đọc đến bài Con hổ than thân, ông có vẻ hục hặc căm tức, dữ tợn y như một con hổ thật. Một con hổ biết nói, đang “gặm một khối căm hờn trong… hội Trí tri”.

Con hổ biến ra người tình nhân lãng mạn khi đọc thơ của ông Thái Can; biến ra một ông hộ pháp, khi nhắc đến thơ Huy Thông; một ông hộ pháp khổng lồ có hai “tay vô cùng to rộng” để ôm ghì lấy… thính giả” (Ông Vũ Đình Liên diễn thuyết về thơ mới. Phong hóa, số 161, ra ngày 8/11/1935).

Dư âm bài thơ con hổ tràn sang cả năm sau với bài tản văn, tán văn, bình văn, hài đàm của nhà văn Tứ Ly (Hoàng Đạo):

“Có một nhà văn sĩ Pháp làm một quyển truyện rất lý thú. Ông bịa ra một nhà thông thái có cái tài thay đầu, đổi ruột như ông Hộ pháp của Bồ Tùng Linh, tác giả bộ Liêu trai chí dị.

Nhà thông thái một hôm tinh nghịch lấy bộ óc người thay vào bộ óc bò để thí nghiệm. Con bò có bộ óc người kia có trí phán đoán, có tình cảm của một người nhưng lại có thân thể của một con bò.

Lúc ban đầu, con bò kia còn tìm hết cách để làm cho người ta biết rằng ta có bộ óc người. Nhưng không có tay để ra hiệu, không có tiếng để tỏ nỗi lòng, nên chỉ khiến cho người chung quanh cho là một con bò kỳ dị, điên cuồng.

Sau cùng, thấy không ai hiểu mình, bò ta sinh ra chán nản, buồn bã… May gặp được một con bò cái biết yêu đương nên con bò có óc người kia quên những nỗi đắng cay, tủi nhục mà sống một đời nhẫn nhục, lặng lẽ của một con bò thường…

Hôm nay, tôi lên phỏng vấn cầm thú vườn bách thảo, trong trí không khỏi nghĩ ngợi đến câu chuyện thương tâm của con bò óc người kia.

Gió nhẹ nhàng thổi lá khô xuống đường.

Sau những chòm lá xanh thẫm, những mẩu trời xanh nhạt. Ánh mặt trời đùa ở trong những đám cây âm u khiến cho tôi tưởng mình ở trong rừng thẳm. Tôi tìm đến chuồng hổ, con hổ mà thi sĩ Thế Lữ đã ra cái lòng nhớ rừng mà thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã cho là Thế Lữ.

Đứng trước chuồng, nếu không có chấn song sắt, chắc cũng sợ hết hồn. Hổ ta trông thấy, vươn vai, ngáp một cái rồi nói ngay rằng:

- Tôi không phải là Thế Lữ.

Nói cho đúng thì cũng không cần đến câu trả lời của ông ba mươi. Cứ trông ngay cái mõm ông cũng đủ biết rồi.

Tôi hỏi:

- Ngài có nhớ rừng không?

Không trả lời, hổ ta chạy lại chỗ xương bò vứt ngổn ngang, vờn một miếng thịt lớn.

Ý ngài muốn cho chúng ta một bài học: Ở rừng hay bị cũi, điều cốt nhất là miếng ăn. Sự yên lặng của ngài thật có ý nghĩa vậy. Người chúng tôi cũng thế: Cốt nhất là ăn. Cũng vì ăn mà Nhật đem quân sang chiếm Mãn Châu, cũng vì ăn mà máy bay Ý liệng bom xuống đô thành nước Á. Người ta ghét nhau, đánh đập nhau, giết nhau cũng vì ăn cả.

Hổ ta như đoán được ý tôi, bèn bảo tôi rằng:

- Chỉ khác một điều là tôi nhai được xương, còn loài người các ông chỉ ăn được thịt nấu chín, mềm nhũn…

- Đấy là phần đông loài người. Nhưng cũng có một số hạng người ăn được một thứ rắn hơn xương mà ngài nhai cũng đến gãy răng thôi…

- Thứ gì vậy?

- Thưa. Là tiền bạc ạ.

Hổ vươn vai, nhếch bộ râu bạc cười đáp:

- Cái đó tôi xin chịu loài người các ông. Cũng như người ta bảo tôi là một loài thú độc ác vô chừng. Nhưng không! Tôi bất đắc dĩ mới phải độc ác đấy thôi. Trời sinh ra tôi phải ăn thịt hươu, nai, cừu hay người để sống thì tôi ăn thịt, chứ loài người giết chúng tôi hay giết hại lẫn nhau chỉ vì cái thú giết…

Tôi chỉ biết đứng im, giương mắt nhìn con vật thông minh kia nói tiếp:

- Nhưng có độc ác mới có linh. Chỉ vì tôi ăn thịt được các ông nên các ông mới sợ hãi tôi, kính cẩn tôi, có khi lại thờ phụng tôi nữa. Tôi không phải là con hổ, mà là ông cọp, ông rừng, ông ba mươi… Còn con nai hiền lành, con bò nhẫn nhục kia thì các ông lại cho là loài súc vật ngu xuẩn… Coi thế thì sức mạnh là hơn cả. Các ông nên theo cường quyền, các ông nên độc ác như tôi… Nhưng tôi khuyên các ông thực là vô lý, vì các ông còn độc ác hơn tôi nhiều…

Tôi sợ đứng lâu, loài người sẽ hóa ra loài hổ mất, đành quay sang mấy chuồng gấu dở hơi. Nhưng có lẽ ông Lê Công Đắc đã mua hết rồi hay sao nên không thấy một con nào nữa” (Chơi vườn Bách thú (Hai phút với mãnh hổ). Phong hóa, số 170, ra ngày 10/1/1936).

Không chỉ được phẩm bình, trao đổi, nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau, hình tượng hổ và bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ còn sớm được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường ngay đương thời phong trào Thơ mới.

Trong đề mục “Xét về mấy thi sĩ hiện đại và các tác phẩm của những nhà ấy, âm luật, đề mục và thi hứng của những nhà ấy”, nhà sư phạm Dương Quảng Hàm đi sâu thống kê, phân tích:

“Có khi cả bài dùng một lối câu nhưng xen vào một ít câu ngắn hơn hoặc dài hơn. Thí dụ, Nhớ rừng

(khổ thứ 3):

8 chữ: Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

8 chữ: Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan;

9 chữ: Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn,

9 chữ: Ta lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới?

9 chữ: Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội,

8 chữ: Tiếng chim ca giấc ngủ ta

tưng bừng?

9 chữ: Đâu những buổi chiều lênh láng máu sau rừng,

8 chữ: Ta đợi tắt mảnh mặt trời

gay gắt.

8 chữ: Để chiếm lấy phần tối tăm

bí mật?

8 chữ: Than ôi! Thời oanh liệt nay

còn đâu?”…

Vũ Ngọc Phan tập trung lý giải vai trò của âm thanh, tiết tấu và nhịp điệu câu thơ: “Nay các nhà làm thơ mới không phải bó buộc trong các luật ấy, nên dễ lựa chọn các âm các thanh cho phù hợp với tình ý trong câu thơ, như dùng những tiếng có âm thanh mạnh mẽ để diễn những tình cảm mãnh liệt, v.v… Thí dụ: Mấy câu thơ sau này tả cái oai lực dũng mãnh của con hổ ở trong rừng có những tiếng (in nghiêng) đọc lên có giọng mạnh mẽ.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thuở tung hoành, hống hách

những ngày xưa.

Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả cây già,

Với tiếng gió gào ngàn,

với giọng nguồn hét núi.

Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên, dõng dạc,

đường hoàng”…

Đồng thời nhấn mạnh vị thế bài thơ trong tương quan hệ thống chủ điểm, chủ đề và hình tượng trữ tình thơ Thế Lữ: “Trong khi giãi bước trên đường đời, tác giả nhận thấy những cảnh chán ngán hoặc buồn rầu, hoặc sự tàn ác của nhân loại (Ác mộng), thói giả dối của người đời (Lời mỉa mai); hoặc nỗi “chán chường” của cuộc ăn chơi (Đêm mưa gió), nỗi “mê tơi” của đời trụy lạc (Trụy lạc); hoặc cảnh “trơ vơ” của gái giang hồ (Bên sông đưa khách), cảnh thất thế của kẻ ngang tàng (Nhớ rừng) (mượn lời con hổ mà tả):

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển

bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh

nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng.

Đâu những chiều lênh láng máu

sau rừng,

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt:

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!”...

(Việt Nam văn học sử yếu. Nha Học chính Đông Pháp Xb, Hà Nội, 1943)

*

Bên cạnh các biểu tượng linh vật theo thập nhị địa chi và những trăng, gió, mây, mưa, sông, biển, ong, bướm, chim, cá, con thuyền, con tàu, con đường… có thể khẳng định hình tượng hổ trong bài thơ Nhớ rừng là đóng góp riêng biệt, độc đáo của Thế Lữ.

Thi giới và độc giả đánh giá cao chất thơ đích thực, tính sáng tạo, nguồn cảm xúc và ý nghĩa thanh lọc của tứ thơ. Hình tượng hổ trong bài thơ Nhớ rừng khơi mở nhiều trường liên tưởng, nhiều cách đọc “liên văn bản”, nhiều cuộc trao đổi, tranh luận và trở thành hiện tượng thơ thực sự sinh động, tiêu biểu trong sinh quyển phong trào Thơ mới 1932 - 1945. 

(Tiếp theo và hết)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ