Nhân 90 năm phong trào Thơ mới (1932-1945): Vị thế Phan Khôi và một lối “Thơ mới”

GD&TĐ - Trong suốt thời Thơ mới, Phan Khôi còn có nhiều lần phát biểu, trao đổi, luận bình về thơ ca đương thời. Trên thực tế, vừa khi Nam Trân trình làng những bài thơ in báo ban đầu, ông đã được xếp hạng “thi nhân”.

Tản Đà và Phan Khôi.
Tản Đà và Phan Khôi.

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Nhà khảo cứu và phê bình cựu trào Ngọa Du Nhân Phan Khôi đã trân trọng giới thiệu với nhiều hy vọng và tiếc nuối về sự ra mắt của Nam Trân trong bài Thơ của Nam Trân: “Đầu năm 1935, báo Tràng An ra đời; năm bảy kỳ đầu tiên đó người ta thấy những bài thơ dưới ký tên Nam Trân.

Nhiều bạn làng văn ở Huế tin rằng Nam Trân sẽ từ nay nổi tiếng như phao trên thi đàn và thơ của Nam Trân sẽ được gặp luôn luôn trên tờ báo mới ấy. Không ngờ, trải qua một thời gian chẳng phải vắn vỏi gì mà cái điều sở nguyện của người ta vẫn chưa thấy toại; rồi thơ Nam Trân từ đó cũng tuyệt tích trên báo Tràng An (Sông Hương, số 3, ra ngày 15/8/1936)…

Tuyển dẫn bốn bài (Trước chùa Thiên Mụ; Huế, mưa dầm; Huế, mùa hạ; Huế, mùa hạ II), Ngọa Du Nhân trịnh trọng khẳng định: “Tôi dám chắc bạn đọc khi vồ lấy bốn bài nầy ở đây được rồi, cứ ngâm đi ngâm lại mà không thấy chán.

Liền đó, bạn phải nhận cho tác giả của nó là một thi nhân số một số hai ở hiện thời, liệt vào với bọn Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, không đến làm cho mình phải thẹn, vẫn biết rằng tài điệu riêng mỗi người mỗi lối, cảm hứng mỗi người đi mỗi đường”...

Nhân đây xin thưa rằng, nhan đề các bài thơ trên được Ngọa Du Nhân dẫn nguyên theo báo Tràng An mà sau này Nam Trân đưa vào tập Huế, Đẹp và Thơ có cải dạng một vài chữ.

Lấy dẫn chứng từ bốn bài thơ trên, Ngọa Du Nhân đã từ điểm nhìn ngôn từ nghệ thuật mà đi sâu bình phẩm: “Bài Trước chùa Thiên Mụ là rập theo điệu bài thơ Đằng Vương các của Vương Bột, nhưng cái hay không phải toàn ở điệu. Nó hay ở một bài thơ mà như một bức họa. Ông nào vẽ giỏi, thử theo từng câu mà vẽ ra xem, khắc thấy trước mắt một cảnh đẹp thiên nhiên... Nam Trân hạ những chữ trong bài thơ của mình, bằng một cách táo tợn mà ngộ nghĩnh.

Như chữ “đẩm” trong câu “Tiếng hát ông ngư đẩm bóng cây”, chữ “sừng” trong câu “Đồi thấp sừng trăng dỏi dỏi soi”, chữ “đánh đổ” trong câu “Đánh đổ giấc ngủ ngày”, chữ “trỏn trẻn” trong câu “Mặt trăng vàng trỏn trẻn” đều là những chữ có vẻ khác thường, ít ai hạ được như thế... Không dám mếch lòng thi sĩ khác, nhưng tôi phải nói thật rằng tôi không ưa thơ họ bằng thơ Nam Trân. Luận thơ, tôi trọng nhất ở chữ “chân”.

Có phải không, hoặc tả cảnh, hoặc ngôn tình, trong thơ Nam Trân cũng dễ tìm thấy chữ “chân” hơn thơ của người nào? Ai đã qua Huế một năm, phải chịu những bài Mùa hạ, Mưa dầm là không cãi được lấy nửa lời”...

Đề cao thơ Nam Trân nhưng Ngọa Du Nhân cũng công bằng và thẳng thắn chỉ ra những bài, những câu theo ông là chưa đạt: “Tôi khen Nam Trân hạ chữ ngộ nghĩnh, không phải là tôi không thấy ông ta dùng chữ còn chỗ sống sượng đâu. Như câu “Như luồng khói nhẹ lên lên mãi”, câu thì hay, mà phải chữ nhẹ để vào đó có hơi ngớ ngẩn.

Phải có thứ khói nào nặng thì mới nói như thế được chớ? Tôi muốn đổi lại là “Nhẹ như luồng khói...” mà tôi cho là dễ nghe hơn. Nam Trân lại có một chỗ trong thơ ông ta làm cho tôi không đồng ý được nữa, là cách bỏ vận. Không vận thì thôi, chớ đã có, tôi nói, phải gieo cho đúng. Nam Trân thì:

Xao xác đồng chiêm uống giọt sương,

Sương pha màu sữa dưới trăng mờ.

Lều tranh xám xịt bâu sườn núi,

Sau dãy rào tre khúc rậm, sưa.

Ấy là bốn câu đầu của bài Cảnh quê. Tôi phải lấy làm lạ sao đã nhả ra được những câu thơ như thế mà lại không chịu săn sóc đến vận một chút để được an toàn hơn!”...

Rồi Ngọa Du Nhân Phan Khôi bộc lộ rõ tính cách của mình khi bày tỏ thái độ trước câu chuyện thơ và đời Nam Trân: “Dù thế nào, trên con đường thơ mai sau, tôi có hy vọng ở Nam Trân lắm lắm. Một thi nhân đáng biểu dương như thế ai nỡ để cho mai một đi trong hoạn trường là chỗ để mai một cái thiên tài của người ta!”...

Khi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939) qua đời, Phan Khôi viết bài Tôi với Tản Đà thi sĩ đầy nghĩa tình, thẳng thắn, chân thực. Ông kể về những năm tháng sơ giao đầy ấn tượng, thiên về một phía Phan Khôi hướng về Tản Đà:

“Vừa rồi Tản Đà thi sĩ về chầu Trời (nói thế cho oai và cũng cho có sách, nghĩa là dùng điển ở thơ ông)! Nghe tin, tôi cảm động lắm. Muốn tỏ tình đối với ông, tôi nghĩ nên có câu đối phúng hoặc hùn vào các báo một số tiền quyên giúp gia đình.

Rút cục, hai thứ đều không có, vì lâu nay tôi không đặt câu đối nữa và cũng nghèo như ông vậy. Tôi quyên bằng cái cách tỏ tình bằng “cây nhà lá vườn”, mà mãi đến hôm nay tôi mới nhớ ra: Viết một bài trên báo kể sự quan hệ giữa ông và tôi từ trước, là một cách tiện đủ về mọi phương diện!

Tôi biết ông Nguyễn Khắc Hiếu từ năm 1918, khi tôi bắt đầu ở Hà Nội viết cho tạp chí Nam phong. Một đêm mùa xuân lạnh ngắt, tôi đương nằm đọc sách ở cái gác của nhà báo ấy ở Hàng Bông, tức là ngụ sở của ông Nguyễn Bá Trác bấy giờ. Bỗng có khách vào. Ông Trác giới thiệu cùng tôi: Đây, ông Nguyễn Khắc Hiếu. Tôi như có điện chạy trong người, ghê rợn, vùng đứng dậy!

Thật thế. Cái tên Nguyễn Khắc Hiếu bấy giờ không phải vừa, đối với tôi lại càng long trọng lắm. Tôi nghe mà rùng rợn lên, có thế thật.

Số là sự trứ tác bằng quốc ngữ hồi đó còn ít lắm, ít lắm nữa là về mặt sáng tạo. Thế mà trước kia đọc Đông Dương tạp chí tôi đã thấy những bài như Cái chứa trong bụng người của ông; lần ấy đến Hà Nội lại vừa gặp Giấc mộng con của ông xuất bản, tôi không thể nào không phục ông là tay đại tài.

Tôi phê bình riêng trong trí thế này: “Anh Quỳnh anh Vĩnh chỉ viết theo sách, theo tư tưởng của Tây; chứ đến thằng cha này hắn viết ra tư tưởng của hắn, chính hắn mới là tay sáng tạo!”…

Rồi những kỷ niệm một thời bè bạn, khi cả hai ông mới ngoài ba mươi tuổi, cùng làm báo và cùng tếu táo, nhiều tài ba và cũng thật nhiều sự kiêu ngạo, tự tin và tự tín:

“Năm 1921, tôi trở lại Hà Nội mới bắt đầu cùng ông chơi thân. Kể ra tôi lúc ấy “hay rượu” lắm, uống nhiều mà không say, lại sính thơ, đến nỗi viết ra cuốn Nam âm thi thoại, nhờ hai cái đó mới bén với Tản Đà thi sĩ được.

Lần thứ nhất tôi uống với Tản Đà tại một quán ở hàng chả cá. Từ chín giờ sáng đến một giờ chiều, nói hết chuyện ấy sang chuyện khác, uống hết chai ấy sang chai khác, rồi hai chúng tôi thấy tâm đầu ý hiệp lắm, dần dần trở nên đôi bạn thiết.

Năm ấy Hữu thanh tạp chí ra đời, Tản Đà làm chủ bút. Ông muốn tôi có chân trong toà soạn lắm, nhưng bị có người ngăn cản phải thôi. Tuy vậy, trong mấy tháng đó hai chúng tôi cứ vài ngày lại hội riêng để uống rượu và đàm luận cùng nhau, và tôi cũng có viết bài cho tạp chí ấy.

Chỗ chúng tôi hội là cái gác ở phố bờ sông, gần cột đèn; đến sau là cái gác của nhà báo Hữu thanh; cũng có mấy lần ở nhà cô đào Hàng Giấy.

Cái lối đánh chén của ông Hiếu kề cà mất thì giờ lắm, tôi không chịu được, nên ít khi tôi ngồi trọn bữa rượu với ông. Ông đem hoả lò để ở bàn mà tự làm lấy món ăn; có khi mãn một tiệc ăn, người nhà phải thay than trong hoả lò đến năm sáu bận. Thường thường một mình ông vừa ăn uống lại vừa viết nữa.

Ông cho có thế mới là thú. Có lần ở tại cái gác Hữu thanh, ông viết giấy mời tôi đến lúc mười giờ đêm, rồi uống mãi cho đến hai giờ sáng. Lần khác ở nhà cô đào Lân, ông và tôi, và một người bạn của ông nữa, chừng như ông Tú Tô thì phải, uống từ mười một giờ đến năm giờ sáng mới về.

Có bữa chén ấy không thể nào quên được trong đời tôi. Ông cùng người bạn đến trước, chiếm một cái phòng nhỏ mà rất lịch sự ở trong cùng. Đoạn ông bắt cô Lân phải ăn mặc đàn ông ra đón tôi ở cửa. Cô Lân bấy giờ có tiếng lắm ở Hàng Giấy, cũng gọi bằng Thuỵ Khanh, lại có cô em tên là Đức.

Tuy vậy, hôm ấy ông Hiếu ép cô Lân phải mặc trai ngồi uống rượu nói chuyện với chúng tôi như bốn người đàn ông, chứ không cho cô Đức dự vào. Đến khi người bạn ra về trước, trong tiệc mới xoay lại làm hai cặp.

Tôi còn nhớ trong lúc đó Thuỵ Khanh có một câu đối thách chúng tôi: “Đức bất cô, tất hữu lân”. Nhưng Tản Đà cùng tôi nhìn nhau không đối được! Sau bất đắc dĩ tôi phải xin Thuỵ Khanh bớt cho ba chữ ra “Đức hữu lân”; rồi tôi đối lại: “Dân hưng hiếu” (Dân là một chữ trong bút tự của tôi).

Ông Hiếu làm chủ bút Hữu thanh đâu chừng nửa năm là ông từ chức. Sự ông từ chức, tôi cũng cho là phải, dù tôi, tôi cũng không làm được, huống là ông ấy!

Tôi biết ông Tản Đà là người thông minh, có thiên tài, nhưng không chịu học. Ông tự cho ông như thế là đến nơi rồi, không còn tiến bộ gì nữa; bởi vậy ông thấy đời không được rõ. Biết như thế nên tôi đã thật tình nhịn thua ông đi, ông đòi chém tôi mà tôi chẳng hề cãi lại nửa lời”...

Đến đoạn kết, Phan Khôi đi sâu lý giải về tình bạn, tình người, tỏ bày sự kính trọng, tâm đắc và hoài niệm bậc tài danh kém mình hai tuổi đã sớm về cõi hạc:

“Thế thì làm sao hồi đầu hai chúng tôi hiệp nhau được? Phải chúng tôi hiệp nhau ở cái chỗ đại tiết.

Lần uống rượu ở quán chả cá, chúng tôi thảo luận về cách ở đời của chúng tôi nên làm sao. Ông Hiếu và tôi đều rập nhau nói: “Chúng ta nên gắng làm đại trượng phu!”.

Rồi mỗi đứa đọc đoạn này trong sách Mạnh Tử: “Cư thiên hạ chi quảng cư; lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo; đắc chí, dữ dân do chi; bất đắc chí, độc hành kỳ đạo; phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất; thử chi vị đại trượng phu”, mà cười phá lên và uống cạn chén mình.

Trong khoảnh khắc ấy, chúng tôi thấy chúng tôi hào hoa vô cùng, phong nhã vô cùng, vĩ đại vô cùng thì làm sao chẳng trở nên một đôi bạn đồng tâm cho được? Mà bây giờ đây, tuy một mất một còn, hai chúng tôi cũng vẫn cứ hiệp nhau ở chỗ ấy chứ sao?

Ông Tản Đà ơi! Đại trượng phu!...

Chúng ta có là đại trượng phu không, ông Tản Đà?”...

Trong tư cách nhà phê bình, Phan Khôi cũng có những quan niệm, cách tiếp nhận và cảm thụ riêng, thậm chí không theo kịp bước tiến của Thơ mới qua hiện tượng thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử và vấn đề hình thức câu thơ.

Trên thực tế, Phan Khôi phản biện lại những tiếng nói quy chụp, khẳng định rằng mình chỉ phê những bài thơ, câu thơ cụ thể chứ không phê phán toàn bộ Thơ mới. Với nhan đề Một tai nạn của văn học đặt trong mục “Chuyện hàng ngày”, Phan Khôi dẫn giải:

“Nền văn học Việt Nam mới gầy dựng lên vài chục năm nay, đến nay bỗng dưng gặp một tai nạn lớn. (lược vài đoạn không quan hệ) Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết văn không nghĩa. (lại lược một câu)

Phàm văn, khoan cầu hay đã, trước phải cầu cho có nghĩa. Phải có nghĩa đã, rồi sau mới nói đến hay hay dở. Nhưng hiện nay có một hạng văn sĩ, hình như họ chỉ cầu cho hay, còn có nghĩa hay không, họ không cần. Bởi vậy thường có những câu vô nghĩa trong văn họ mà có lẽ họ gọi là hay đó.

Một tập thơ xuất bản đã lâu, nhan là Tinh huyết, tác giả là Bích Khê, mà đến ngày nay tôi mới đem ra chỉ trích cũng hơi muộn. (lại lược một câu).

Một bài đề là Hoàng hoa trong có những câu như vầy:

Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời,

Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi.

Vàng phai nằm im ôm non gầy,

Chim yên eo mình nương xương cây.

“Lam nhung” là gì? “Xanh nhung” là gì? “Chim yên” là gì? “Xương cây” là gì? Chẳng có nghĩa gì cả. (lược bỏ nhiều câu ở dưới vì đều thế cả)

Không hơi đâu mà kể cho hết cái vô nghĩa của họ… Họ điên chăng? Nếu thế, chỉ có người điên mới hiểu mà thôi.

Coi như trên đó, Thông Reo có hề công kích Thơ mới không? Nếu Thông Reo có công kích Thơ mới thì tôi cũng xin nhận là tôi − Phan Khôi − có công kích Thơ mới.

Không hề! Thật là không hề! Thông Reo chỉ công kích sự viết văn vô nghĩa mà thôi, chứ có hề công kích Thơ mới đâu?

Nguyên văn, Thông Reo nói: “Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết văn không có nghĩa”. Thông Reo nhận cho sự viết văn không có nghĩa là một tai nạn của văn học.

Thế mà đến báo Tiếng dân, báo ấy nói rằng: “Ông Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) cho Thơ mới là cái tai nạn của văn học”!

Thế là Tiếng dân nói sai. Tôi xin cải chính” (Dân báo, số ra ngày 25/6/1941).

Ngay sau đó, Phan Khôi tiếp tục viết bài bào chữa, phản biện, nêu lý lẽ và phân tích rành mạch để khẳng định chính kiến của mình về giá trị Thơ mới:

“Báo Tiếng dân gần đây có hai bài trong hai số tiếp nhau tuyên bố lên rằng ông Phan Khôi, là tôi, đã bắt đầu công kích lối Thơ mới. Tôi thấy mà rất lấy làm ngạc nhiên. Tôi không hề có khi nào phản đối lối Thơ mới cả, cũng chưa từng bắt đầu nghĩ đến việc ấy, sao người ta lại hô lên như vậy?

Tôi là người đề xướng ra Thơ mới, vì bài Tình già của tôi ra đầu hết; nếu lui một bước, tôi không nhận lấy cái danh người đề xướng thì ít nữa tôi cũng là một người trong những người đề xướng Thơ mới, há có lẽ nào mới giáp mười năm mà tôi đã quay lại nó mà phản đối hay sao?

Sợ cho anh em trong làng Thơ mới không rõ đầu đuôi, tin lời báo Tiếng dân rồi chưởi tôi là thằng phản phúc, nên cực chẳng đã tôi phải viết bài nầy đính chính, − đáng thương hại cho ngòi bút của tôi cứ luôn luôn là đính chính.

Trong số 1594 báo Tiếng dân viết rằng: “Ông Phan Khôi trước có hùa vui viết Thơ mới một đôi bài… nay thấy trong làng Thơ mới của bọn trẻ có lắm bài vô nghĩa, trong Dân báo ông Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) có bài dưới mục “Chuyện hằng ngày” (số ra ngày 25/5/1941) cho Thơ mới là một cái tai nạn của văn học, xem đó đủ thấy giá trị Thơ mới ngày nay là thế nào”.

Đoạn đó ở trong “Lời nói đầu” của Việt ngâm thi thoại đăng ở số báo nói trên, dưới ký là Minh Viên.

Tiếp số sau, 1595, ra ngày 12/7/1941, nơi mục “Chuyện đời”, Chuông Mai viết: “Nhà túc học và tay đàn anh trong làng báo là ông Thông Reo (tức Phan Khôi) trước kia giữa phong triều Thơ mới, nhớ như ông có viết một bài về cái đề “mua sò trên xe lửa”…

Nhưng mới đây ông kinh hoảng mà la lớn: “Một tai nạn trong văn học” (bài nầy trong Dân báo ra ngày 25/6/1941), trong bài nầy ông chỉ vạch những câu vô nghĩa trong Thơ mới rất là rành rẽ. Xem đó đủ thấy trưng triệu đổ sụp của Thơ mới. Chuông Mai rất biểu đồng tình với… bạn Thông Reo mà hô lớn rằng: Xứ ta còn sản xuất thứ Thơ mới là một điều vô phúc cho làng văn nước nhà”.

Xem đó, bạn đọc thấy Tiếng dân nói rõ ràng rằng tôi cho Thơ mới là một tai nạn của văn học và Chuông Mai tỏ ý muốn cùng tôi đánh đổ Thơ mới. Mà nói như thế, báo Tiếng dân lấy chứng cứ ở đâu? Chỉ lấy ở bài đăng dưới “Chuyện hằng ngày” trong Dân báo của Thông Reo.

Thông Reo, báo Tiếng dân nói là hiệu của tôi, điều đó rất là vô lý, tôi không nhận. Tuy vậy, cho rằng Thông Reo tức là Phan Khôi nữa, thì cũng nên xem lại thử bài ấy Thông Reo nói những gì” (Dân báo, số 627, ra ngày 23/7/1941)…

Với tư duy sắc sảo, Phan Khôi đã có nhiều trang viết đặc biệt có giá trị về tác giả, tác phẩm và về phong trào Thơ mới. Ông bình luận, trao đổi, tranh luận về thơ theo một cá tính, bản lĩnh và cốt cách riêng. Trước sau ông vẫn gắn bó, đề cao Thơ mới nhưng không phải không có lý khi ông sớm cảm nhận và bước đầu chỉ ra những dáng nét tân kỳ một cách cực tả đã dần hiện diện trong chính nền Thơ mới ấy. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.