Bên cạnh đó, ở đây còn có một điểm nhấn khác được nhắc tới là Lễ hội Naadam rất nổi tiếng.
Lễ hội Naadam diễn ra thường niên là sự kiện thể thao và nghệ thuật trên toàn quốc với sự tham dự của hàng nghìn người Mông Cổ và cũng là điểm thu hút khách du lịch quốc tế. Sự kiện này thường được gọi là “Eriin Gurvan Naadam” - tạm dịch là “Ba trò chơi cho nam giới”.
Ông Buyandelger Ganbaatar, Giám đốc công ty du lịch Nomadic Expeditions, nói với CNN rằng, Naadam thực sự đã có hơn 2.000 năm lịch sử. Ban đầu, nó là một phương tiện chuẩn bị cho chiến tranh, khi các bộ lạc sinh sống ở Mông Cổ thường xuyên tấn công lẫn nhau.
Ông giải thích rằng Naadam có nghĩa là “trò chơi” trong tiếng Mông Cổ và nó bao gồm 3 môn thi đấu chính là đấu vật, bắn cung và đua ngựa. Đây cũng là cuộc tụ họp lớn nhất ở Mông Cổ, với 21 tỉnh đều dành thời gian nghỉ lễ để tôn vinh di sản và văn hóa du mục truyền thống của họ, từ thủ đô Ulaanbaatar đến các thị trấn xa xôi của Gobi.
Theo ông Ganbaatar, trong lễ hội, có thể thấy niềm tự hào, niềm vui và hạnh phúc trên mọi khuôn mặt. Naadam đã trở thành một phần bản sắc dân tộc của người Mông Cổ.
Bắt đầu với Thành Cát Tư Hãn
Mãi đến năm 1921, Naadam mới chính thức được tuyên bố là một ngày lễ quốc gia hàng năm ở Mông Cổ.
Tuy nhiên, trong hàng trăm năm, bộ 3 môn bắn cung, cưỡi ngựa và đấu vật được cho là không thể thiếu để xây dựng các kỹ năng quan trọng cho dân du mục trong vùng cũng như binh lính Mông Cổ.
Theo một số tài liệu lịch sử, vào đầu thế kỷ 13, sau khi Thành Cát Tư Hãn đánh bại kẻ thù và cai trị các bộ lạc Mông Cổ, ông đã tổ chức các trò chơi như một sự kiện ăn mừng.
Cung cấp bằng chứng về điều này có tấm bia của Thành Cát Tư Hãn, một phiến đá có niên đại từ những năm 1200 mang chữ viết Mông Cổ đầu tiên được biết đến. Tấm bia đã mô tả một nhà quý tộc tên là Yesunge, người đã bắn được mục tiêu bằng một mũi tên từ khoảng cách hơn 500 mét.
Năm 2010, Naadam đã được thêm vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. “Naadam của người Mông Cổ có mối liên hệ không thể tách rời với nền văn minh du mục của người Mông Cổ” - văn bản của UNESCO cho biết.
Theo văn bản trên, 3 môn thể thao đó có liên quan trực tiếp đến lối sống và điều kiện sống của người Mông Cổ. Việc truyền dạy chúng theo truyền thống được thực hiện thông qua việc học tại nhà của các thành viên trong gia đình, mặc dù các chế độ tập luyện chính thức gần đây đã được phát triển cho môn đấu vật và bắn cung. Các nghi lễ và phong tục của Naadam cũng nhấn mạnh sự tôn trọng thiên nhiên và môi trường.
Một nữ cung thủ tạo dáng tại một lễ hội Naadam nhỏ ở sa mạc Gobi của Mông Cổ. Ảnh: CNN |
Hầu hết các trò chơi đều dành cho người tham gia ở mọi lứa tuổi và giới tính, ngoại trừ đấu vật. Ảnh: CNN |
Những nài ngựa vượt qua vạch đích trong một lễ hội Naadam ở Uliastai, phía Tây Mông Cổ. Ảnh: CNN |
Nỗ lực tăng khách du lịch
Kỳ nghỉ Naadam đã được Chính phủ Mông Cổ cho kéo dài từ 3 đến 5 ngày vào năm 2020 và phần lớn đất nước ngừng hoạt động trong thời gian này.
Naadam cũng diễn ra vào một trong những thời điểm phổ biến nhất để du khách quốc tế đến thăm Mông Cổ. Theo các bản tin địa phương trích dẫn số liệu thống kê của chính phủ, hơn 11 nghìn người nước ngoài đặc biệt đến để xem các trò chơi vào năm 2019. Cả nước đã đón khoảng 637 nghìn du khách quốc tế trong năm đó. Hai năm sau đó, Naadam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Để thúc đẩy du lịch nói chung, Chính phủ Mông Cổ đã tuyên bố 2023 - 2025 là “Những năm để đến thăm Mông Cổ”. Trong chiến dịch trên, khách du lịch từ 34 quốc gia có thể đến thăm Mông Cổ và được miễn thị thực trong tối đa 30 ngày.
Việc bổ sung một số quốc gia châu Âu cũng như Australia và New Zealand vào danh sách trên đã nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thị thực của Mông Cổ lên 61.
Ngoài các lễ hội lớn được tổ chức tại Ulaanbaatar, những trò chơi của Naadam - với nhiều quy mô khác nhau - được tổ chức ở vùng nông thôn trên khắp Mông Cổ.
Du khách đến Lễ hội Naadam chính tại Sân vận động Quốc gia có thể mong đợi một bữa tiệc lớn với lễ khai mạc, diễu hành, biểu diễn và tất nhiên là các trò chơi trong vài ngày.
Lễ khai mạc được diễn ra hoành tráng, giới thiệu những điệu múa, âm nhạc hay nhất của Mông Cổ và các truyền thống văn hóa khác. Một sự kiện đặc biệt diễn ra trong sự kiện này là cuộc diễu hành của “9 biểu ngữ trắng” (Nine White Banners). Theo đó, những người cưỡi ngựa trong trang phục truyền thống diễu hành vào sân vận động, giương cao biểu ngữ gắn trên cột có lông đuôi ngựa màu trắng bên trên.
Theo trang Nomadic Expeditions, các biểu ngữ màu trắng đã được mang theo trong các cuộc đàm phán hòa bình và các lễ hội kể từ thời Thành Cát Tư Hãn. Ngày nay, 9 lá cờ trắng là một biểu tượng thiêng liêng của Mông Cổ.
Lễ hội Naadam hàng năm của Mông Cổ nhằm tôn vinh di sản và văn hóa du mục truyền thống. Ảnh: CNN |
Phụ nữ có thể tham gia các trò chơi?
Hầu hết các trò chơi đều dành cho người tham gia ở mọi lứa tuổi và giới tính, ngoại trừ đấu vật chỉ dành cho nam.
Ở Ulaanbaatar, hàng trăm đô vật hàng đầu của quốc gia thi đấu 2 ngày trong 9 vòng đấu loại trực tiếp không tính thời gian.
Nhiều cuộc đấu diễn ra đồng thời. Các vận động viên đội mũ, mặc áo lệch vai và quần đùi, bắt cặp và cố gắng ném đối thủ của mình xuống đất. Một đấu thủ sẽ thua nếu bất kỳ bộ phận nào của cơ thể họ, trừ tay và chân, chạm đất.
Các cuộc thi bắn cung chính diễn ra bên cạnh Sân vận động Quốc gia, tại Trường Bắn cung Quốc gia, trong vài ngày.
Trong khi đó, các cuộc thi đua ngựa được tổ chức tại các khu hội chợ bên ngoài Ulaanbaatar. Những cuộc đua đường dài này kiểm tra sức chịu đựng của ngựa và những con vật này chủ yếu được cưỡi bởi những nài ngựa trẻ em.
Mặc dù, môn thể thao này là một phần di sản của đất nước, nhưng độ tuổi của các tay đua đã bị chỉ trích trong những năm gần đây. Nhà chức trách đã sửa đổi các quy định liên quan để cải thiện các tiêu chuẩn an toàn xung quanh môn thể thao này.
Kết thúc mỗi cuộc đua, đám đông ùa về phía trước để vây lấy con ngựa chiến thắng bởi vì mồ hôi của con ngựa chiến thắng được cho là mang lại may mắn.